Chuyến thăm châu Á đầy tham vọng của hai bộ trưởng Mỹ
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của hai bộ trưởng Mỹ đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh KCNA/Reuters. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tham dự cuộc họp “2+2” với sự góp mặt của các tướng lĩnh quân sự và ngoại giao của hai nước. Hai bộ trưởng cũng sẽ đến Seoul, Hàn Quốc vào ngày 17/3. Tiếp đó, Ngoại trưởng Blinken có thể sẽ gặp một số quan chức cấp cao của Trung Quốc tại thành phố Anchorage, Alaska.
Chuyến công du Đông Á của hai ông Blinken và Austin diễn ra sau bước đột phá trong các cuộc đàm phán về việc chia sẻ chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, một vấn đề đã làm rạn nứt quan hệ song phương dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các thỏa thuận chia sẻ chi phí sẽ có lợi cho hai ông Blinken và Austin trong bối cảnh hai bộ trưởng tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của Tokyo và Seoul trong việc chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Trọng tâm của nỗ lực đó là “Đối thoại bộ tứ kim cương” - một liên minh không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được 4 nước thành viên cho là nhằm xây dựng một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo lần đầu tiên của “Bộ tứ” hôm 12/3, tại đó các nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như phòng chống COVID -19, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh.
Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng nhóm này đã nhắm vào những hành động ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực với tuyên bố rằng 4 nước “phấn đấu vì một khu vực tự do, cởi mở, hòa nhập, lành mạnh, được gắn kết bởi các giá trị dân chủ và không bị hạn chế bởi sự ép buộc”.
Nhóm này cũng tuyên bố sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng, bao gồm Nhật Bản, Philippines, Malaysia và Việt Nam. Tuyên bố cũng khẳng định “cam kết của nhóm đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên”.
Tờ Yomiuri của Nhật Bản, trích dẫn các nguồn tin chính phủ, cho biết cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Blinken, Austin và những người đồng cấp Nhật Bản sẽ trực tiếp nhắm đến Trung Quốc vì những gì họ gọi là nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuy nhiên, Hàn Quốc khó có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc trở thành thành viên của “Bộ tứ”. Mặc dù Mỹ cho đến nay vẫn có ảnh hưởng lớn về mặt quân sự, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Bắc Kinh trước đây từng sử dụng sức mạnh kinh tế đó để gia tăng sức ép đối với Seoul về các vấn đề mà họ cho là mối đe dọa an ninh.
Vào năm 2017, sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt không chính thức đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc, bao gồm ngành du lịch, mỹ phẩm và giải trí.
Lee Seong-hyon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, tại Viện Sejong của Hàn Quốc, nhận định rằng, nếu Hàn Quốc trở thành thành viên của “Bộ tứ”, “Seoul có thể trở thành kẻ thù hàng đầu theo quan điểm của Bắc Kinh”.
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, chuyên gia này nhận định, Triều Tiên có thể đã là một “quốc gia hạt nhân trên thực tế” và việc phi hạt nhân hóa có thể không còn là một lựa chọn thực tế nữa.
Mỹ “tại một thời điểm nào đó nên đưa ra một giải pháp như Washington từng làm với Ấn Độ và Pakistan - mặc nhiên, nhưng không chính thức, công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và có một thỏa thuận rất chắc chắn với Triều Tiên rằng họ sẽ không phổ biến công nghệ hạt nhân”, ông Lee cho biết.
Cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Seoul và Tokyo cũng có thể giúp Mỹ kiềm chế Triều Tiên. Các nhà phân tích nhận định, dù có nhiều vấn đề trong quá khứ, vẫn có cơ hội để Hàn Quốc và Nhật Bản khép lại sự thù địch vì lợi ích chung.
Daniel Bong, một nhà nghiên cứu tại Viện Yonsei Nghiên cứu Triều Tiên, cho rằng Thế vận hội Olympic sắp tới ở Tokyo có thể là cơ hội để khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.
Nếu chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in “thể hiện thiện chí” với chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, thì ông Moon có thể nhận được “sự ủng hộ của Nhật Bản trong việc tận dụng Thế vận hội Olympic Tokyo như một nền tảng cho một vòng ngoại giao cấp cao khác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Tuy vậy, ngay cả khi Mỹ tìm cách tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, thì nội bộ hai nước vẫn tồn tại sự phản đối lâu dài đối với một liên minh mạnh mẽ với Washington.
Hiện có khoảng 55.000 lính Mỹ đồn trú ở Nhật Bản và 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc.
Việc di dời căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa đã được thực hiện trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất chấp sự chỉ trích dữ dội từ người dân địa phương.
Tại Hàn Quốc, một phong trào vì hòa bình cũng phản đối việc tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Hàn, vốn được nhiều người coi là rào cản trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên.
Cheong Wook-sik, người đứng đầu phong trào Mạng lưới Hòa bình của Seoul, cho biết: “Các cuộc tập trận quy mô lớn, tăng cường liên minh và xây dựng lực lượng hùng hậu sẽ không tạo điều kiện cho đối thoại và thương lượng trong tương lai gần”.
Thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Biden có lẽ chính là xác định lại các lợi ích và giá trị của Mỹ đối với các đồng minh chủ chốt.
Chính quyền Biden cũng đã báo hiệu ý định hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực - đặc biệt là biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề mà Mỹ có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc.