Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Pháp
- Góc nhìn khác về tân Tổng thống Pháp: Có một Macron yêu bóng đá
- Chuyện tình như cổ tích của tân tổng thống Pháp
Hãng tin Reuters ngày 17-5 cho biết, trong cuộc hội đàm hôm 16-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rất cởi mở khi trao đổi các vấn đề về quan hệ song phương cũng như nỗ lực hợp tác trong việc cải tổ Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit.
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Ảnh: Getty |
Đặc biệt, cả hai nhà lãnh đạo Đức-Pháp đều đã đồng ý thông qua một con đường tiêu chuẩn cho EU, mở ra các cánh cửa mới về đối thoại, cải tổ sâu rộng, trong mọi lĩnh vực.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, hai bên đã nhất trí “thổi luồng sinh khí mới” vào quan hệ hợp tác Đức-Pháp mà khởi đầu chính là cuộc họp cấp Bộ trưởng dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, sau khi Pháp tổ chức xong bầu cử Quốc hội.
Về việc xây dựng lộ trình mới để củng cố EU cũng như khu vực đồng Euro (Eurozone), Thủ tướng Đức khẳng định, chính quyền Berlin và Paris đã sẵn sàng thay đổi các Hiệp ước của EU như là một phần của nỗ lực hiện đại hóa. Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng nhấn mạnh rằng, những cải tổ trong EU không thể được làm ngay tức thì mà phải có những sự chuẩn bị kỹ càng.
Thủ tướng Đức nói: “Tôi đã sẵn sàng cho việc cải tổ nhưng chúng tôi cũng muốn mọi thứ phải rõ ràng”. Về phía Pháp, tân Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã thể hiện sự thiện chí của mình khi thừa nhận: “Trong quá khứ, Paris luôn coi việc thay đổi hiệp ước là một điều cấm kỵ nhưng bây giờ điều đó không còn quan trọng nữa”.
Tân Tổng thống Pháp cũng khẳng định rằng, ông thực hiện chuyến công du Đức chỉ một ngày sau khi nhậm chức là để củng cố mối quan hệ song phương và trên hết là thuyết phục chính quyền Berlin xây dựng ngân sách khu vực đồng tiền chung Euro và cải tổ EU.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Pháp trong EU là “bảo vệ và cho phép thực hiện các giá trị của EU trên thế giới”, tân Tổng thống Pháp một lần nữa tuyên bố, EU gồm 28 thành viên cần phải được cải tổ và tái lập lại để tạo ra “một châu Âu dân chủ, chính trị và hiệu quả hơn”.
Giới quan sát nhận định, lựa chọn Đức là điểm đến đầu tiên ngay sau khi nhậm chức là một hành động có tính hiệu quả cao của một nhà lãnh đạo mang tư tưởng thực dụng như tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Bởi lẽ, Chính phủ Pháp và Đức nói chung cũng như cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande luôn sát cánh cùng nhau trong các vấn đề quốc tế nóng.
Mối quan hệ Paris-Berlin được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và rằng trước khi ông Emmanuel Macron tới Đức, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có một động thái “dọn đường” khi thực hiện chuyến công du cuối cùng vào hôm 9-5. Thêm vào đó, đến Đức cũng là cách mà ông Emmanuel Macron tiếp cận trực tiếp để thuyết phục những người được cho là phản đối kế hoạch cải tổ EU của ông.
Theo Hãng tin Le Monde, ông Emmanuel Macron đã thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với lời hứa khởi động dự án châu Âu và cải tổ nước Pháp. Chiến thắng của ông khiến châu Âu dường như trút được gánh nặng lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.
Nhưng đằng sau những nụ cười, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng cuộc đàm phán giữa lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể sẽ nhanh chóng thất bại nếu Đức cảm thấy bị buộc phải trả tiền cho Pháp, nhất là thông qua trái phiếu Eurozone.
Trước thềm chuyến thăm của tân Tổng thống Pháp, giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng những nỗ lực cải cách EU triệt để của ông Emmanuel Macron là “không thực tế” vào thời điểm hiện tại, nhất là việc thiết lập ngân sách chung cho Eurozone cũng như việc bổ nhiệm một Bộ trưởng Tài chính cho khu vực này.
Lập luận của tân Tổng thống Pháp là những biện pháp này sẽ cho phép đầu tư chung và hỗ trợ Eurozone giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính. Còn người Đức thì hoài nghi và sợ Đức sẽ phải gánh thêm các khoản cứu trợ lớn như từng bị trước đây.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Đức Friederike von Tiesenhausen khi đó cho rằng "một sự thay đổi lớn đối với Eurozone đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước, do đó cần được 28 nước thành viên thông qua và điều đó không thực tế vào thời điểm hiện tại".
Thứ trưởng Tài chính Đức Jens Spahn khi trả lời phỏng vấn tờ Bild còn nói rằng, cả khu vực Eurozone lẫn nước Pháp đang phải chịu nợ nần quá nhiều và rằng "chúng tôi hy vọng với ông Macron, chúng ta sẽ không để có nhiều khoản nợ hơn mức cho phép”.