Chính trường Nhật Bản rung chuyển bởi bê bối mua bán đất công

Thứ Tư, 14/03/2018, 09:17
Tương lai chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang bị đe dọa bởi những tiết lộ mới liên quan đến một bê bối về đất công. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso – người được cho là cố ý thay đổi các tài liệu điều tra về bê bối này vẫn khẳng định không từ chức.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 13-3, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định lại rằng ông không có ý định từ chức vì sức ép liên quan đến bê bối của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, ông Taro Aso cũng thừa nhận rằng tài liệu liên quan đến bê bối đất đai đã được sửa chữa theo hướng có lợi cho Thủ tướng.

“Sửa chữa tài liệu chính thức là rất nghiêm trọng và cực kỳ đáng tiếc. Tôi rất xin lỗi và đảm bảo rằng chuyện đó sẽ không tái diễn. Chúng tôi đang hoàn toàn hợp tác trong quá trình điều tra”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters cho biết, ông Taro Aso là người thân cận với Thủ tướng Shinzo Abe và đang bị coi là người chủ mưu, chỉ đạo Bộ Tài chính sửa hồ sơ về việc bán đất công với giá thấp hơn nhiều so giá thị trường cho Hiệu trưởng trường học Moritomo Gakuen. Hãng tin này cũng tiết lộ thêm rằng, do sức ép của dư luận, nhiều khả năng, ông Taro Aso sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ 19 đến 20-3 tại Buenos Aires (Argentina) để giải quyết bê bối này.

Trong khi đó, tờ Asia Nikkei thì cho hay, bê bối mua bán đất công liên quan đến Thủ tướng Shinzo Abe xuất hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2017 nhưng sau đó không được nhắc đến nhiều nữa. Người ta những tưởng vụ việc sẽ “chìm xuồng” cho đến khi một nhân viên của Bộ Tài chính thừa nhận rằng, ít nhất 14 tài liệu đã được chỉnh sửa hồi tháng 2 năm ngoái để giảm mạnh giá bán đất cho người điều hành trường Moritomo Gakuen ở thành phố Toyonaka, tỉnh Osaka.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso thừa nhận trước báo giới về việc các tài liệu đã bị chỉnh sửa. Ảnh: Asia Nikkei.

Những đoạn viết quan trọng trong hồ sơ có liên quan đến Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân Akie Abe cũng đã được xóa đi trong một nỗ lực rõ ràng là để làm giảm mối liên hệ chính trị giữa trường học này với vợ chồng Thủ tướng. Cụ thể, đoạn bị xóa là đoạn viết rằng trường Moritomo Gakuen và Văn phòng Bộ Tài chính đã đạt được thỏa thuận "sau khi thương lượng về giá cả và các vấn đề khác".

Mảnh đất công đó cuối cùng được bán với giá 800 triệu yên, dưới giá trị thị trường. Do bản chất "đặc biệt" của thỏa thuận, ban đầu, văn bản này ghi là trường được cho thuê đất và nhà 10 năm nhưng sau đó được sửa lại thành bán.

Vấn đề trung tâm trong vụ bê bối hiện nay là liệu các mối quan hệ chính trị có mang đến cho Moritomo Gakuen “một hợp đồng chuyển nhượng đất đai ngọt ngào” như vậy không? Một số tờ báo khác của Nhật Bản đưa tin, người điều hành trường Moritomo Gakuen ở thành phố Toyonaka có quan hệ thân thiết với phu nhân Akie Abe.

Hồi tháng 7 năm ngoái, cả ông này lẫn vợ đã bị bắt vì bị tình nghi nhận trợ cấp bất hợp pháp. Hiện Bộ Tài chính đã buộc phải báo cáo lại toàn bộ vụ việc lên Quốc hội và xem xét thực hiện kỷ luật đối với các quan chức liên quan đến việc thay đổi tài liệu.

Các nhà lập pháp đối lập ở Nhật Bản thì đang yêu cầu phu nhân Akie Abe và Trưởng phòng thuế quốc gia Nobuhisa Sagawa (người vừa bất ngờ viết đơn từ chức và là nhân vật đứng đầu bộ phận giải quyết các tài liệu trước khi chúng được nộp cho Quốc hội) ra làm chứng khi cuộc điều tra chính thức được mở lại.

Cho đến nay, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn phủ nhận cáo buộc ông và vợ ưu tiên cho trường Moritomo Gakuen. Sau khi những thông tin về việc sửa tài liệu bán đất công được công bố, ông Shinzo Abe nói: “Những phát hiện này có thể làm giảm lòng tin của người dân vào chính phủ và tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc này. Tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc đối với người dân Nhật Bản. Chúng tôi sẽ đi đến tận cùng của điều này, và tôi muốn ông Aso đi đầu trong việc giải quyết”.

Theo các nhà phân tích, bê bối này từng khiến uy tín của ông Shinzo Abe bị sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2017. Vì thế, việc bị tình nghi cố tình che giấu vụ việc có thể khiến tỉ lệ ủng hộ ông Shinzo Abe tiếp tục giảm mạnh và phá tan hy vọng trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền đảng Dân chủ Tự do (LDP) nhiệm kỳ thứ 3.

Ông Tobias Harris, Phó Chủ tịch của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Teneo Intelligence nhận định: “Vụ bê bối hiện tại có thể xói mòn sự ủng hộ đối với ông Shinzo Abe trong LDP"... Song cũng có quan điểm cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thoát khỏi bê bối. Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics cho biết, có ít nhất một yếu tố có thể làm tăng cơ hội của ông Shinzo Abe tại cuộc bỏ phiếu vào tháng 9 tới.

Jesper Koll, Giám đốc điều hành của Quỹ cổ phần WisdomTree Japan chỉ rõ: "Không có nhiều người thách thức ông Shinzo Abe trong LDP nên vẫn có khả năng ông sẽ được tái đắc cử”.

Kotaro Tamura, thành viên châu Á của Viện Milken khẳng định, sự tín nhiệm của Bộ trưởng Tài chính có nhiều rủi ro hơn so với Thủ tướng. Và nếu đứng vững sau bê bối và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của LDP vào tháng 9 này, ông Shinzo Abe có thể trở thành Thủ tướng tại chức lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Gia Nam (tổng hợp)
.
.
.