Chính phủ Pháp “qua mặt” Quốc hội?

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:25
Ngày 12-5, Chính phủ Pháp sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi sử dụng điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua Luật Lao động mới (Luật El-Khomri) mà không qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 17-5 tới. Bên cạnh đó, 7 liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp đã đưa ra lời kêu gọi tổng bãi công và biểu tình trên toàn quốc trong các ngày 17-5 và 19-5.


Quyết định trên, do Thủ tướng Pháp Manuel Valls công bố sau cuộc họp bất thường hôm 10-5 của Chính phủ, được đưa ra sau nhiều tuần xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố và sự phản đối từ các nghị sĩ thuộc đảng Xã hội cầm quyền liên quan tới Dự luật cải cách lao động cho phép thuê hoặc sa thải lao động dễ dàng hơn tại Quốc hội.

Trước khả năng dự luật này không được Quốc hội thông qua, Chính phủ Pháp đã vận dụng điều 49.3 của Hiến pháp cho phép ban hành quy định bằng một đạo luật và “bỏ qua” Quốc hội. Quyết định này của Chính phủ là để tránh sự phản đối nhằm vào một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống Francois Hollande trong thời gian cầm quyền.

Giải thích cho quyết định này, Thủ tướng Valls nhấn mạnh, Chính phủ Pháp dùng đến điều 49.3 của Hiến pháp là vì “phải tiến lên phía trước, vượt qua các vật cản để tránh việc phải từ bỏ một dự thảo luật đầy tham vọng và hợp lý”.

Ngoài ra, ông Valls cũng cho rằng, Chính phủ đã sửa đổi đến 469 điều trong Dự thảo Luật Lao động mới theo yêu cầu của các tổ chức xã hội nên việc phản đối luật này chỉ đến từ các nhóm thiểu số. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ của Thủ tướng Valls viện dẫn đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự thảo luật gây tranh cãi.

Người lao động tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Pháp phản đối Chính phủ nước này thông qua Luật Lao động. Ảnh: Getty Images.

Từ khi lên làm Thủ tướng, ông Valls đã 4 lần dùng đến điều 49.3 và lần gần nhất chính là để thông qua Luật Macron về các cải cách kinh tế và hoạt động thương mại. Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, việc sử dụng điều 49.3 luôn là một biểu hiện sức mạnh của một chính phủ bởi khi đó, chính phủ sẽ gạt qua một bên mọi ý kiến phản đối từ nhánh lập pháp là Quốc hội.

Vào thời điểm hiện tại, Chính phủ Pháp lại buộc phải dùng đến 49.3 bởi không thể chấp nhận sức ép và từ bỏ dự thảo Luật El-Khomri. Một hành động như thế được coi là một thảm họa chính trị và là một sự tự sát của chính quyền Tổng thống Hollande ở thời điểm chỉ còn 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017.

Tuy nhiên, mặt trái của “ngoại lệ” này là tính phi dân chủ bởi các chính phủ sẽ có xu hướng sử dụng điều khoản này nhiều hơn nhằm dập tắt các ý kiến phản biện và chống đối nếu cảm thấy nguy cơ bị bất tín nhiệm không lớn. Bên cạnh đó, việc Chính phủ viện dẫn đến điều 49.3 thì Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Chính vì thế, ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Valls, các đảng đối lập trên chính trường Pháp là đảng Những người cộng hòa (LR) và đảng trung hữu Liên minh dân chủ tự do (UDI) đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls.

Ngoài ra, phe chống đối trong cánh tả cũng tuyên bố sẽ tham gia bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối hành động của Chính phủ, đồng thời kêu gọi Tổng thống Hollande từ chức.

Kể từ khi dự thảo Luật El-Khomri được đưa ra hồi tháng 2 tới nay, với mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% của Pháp, đã có 4 cuộc biểu tình lớn trên toàn nước Pháp nhằm phản đối và gây sức ép buộc Chính phủ Pháp rút lại dự thảo này.

Các cuộc biểu tình diễn biến ngày càng phức tạp, với đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 31-3 khi 390.000 người đổ ra đường phố, và đã xảy ra nhiều cuộc bạo loạn, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Những người tham gia biểu tình và đình công tại Pháp yêu cầu Chính phủ rút lại Dự luật cải cách lao động.

Vì thế, nhiều người lo ngại rằng khi Chính phủ bất chấp phản đối để thông qua Luật bằng điều 49.3 thì nguy cơ bạo lực gia tăng trong các cuộc biểu tình ngày càng lớn hơn.

Khổng Hà
.
.
.