Thiếu tướng Lê Văn Cương:

Chiến lược chống khủng bố phải phù hợp với tình hình thực tế

Thứ Ba, 20/01/2015, 10:21
“Vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tại thủ đô Paris (Pháp) xảy ra ngay trong tuần đầu năm 2015 chỉ là màn mở đầu cho năm đen tối của Mỹ và phương Tây. Các tổ chức Thánh chiến Hồi giáo sẽ giao thoa, hợp tác với nhau, hỗ trợ nhau để đồng loạt đánh thẳng vào lợi ích của Mỹ và phương Tây”. Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 18/1.

PV: Thưa Thiếu tướng, hiện nhánh Al Qaeda ở Yemen (AQAP) đã nhận trách nhiệm gây ra vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo hôm 7/1. Đồng chí nhận định như thế nào về việc này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tính tới thời điểm này, có hai tổ chức khủng bố tự nhận đã tổ chức cuộc tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo là AQAP và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng Mỹ công nhận AQAP là tác giả vụ việc. Tuy nhiên, nhìn theo khía cạnh khác, tác giả lại có thể là IS. Hay nói cách khác, không loại trừ khả năng Mỹ đã dựng lên vụ khủng bố và sử dụng IS làm công cụ thực hiện.

Tại sao lại như vậy? Cách đây hai tuần, trên đường trở về Pháp từ Kazarstan, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chặng dừng chân ngắn tại thủ đô Moscow và có cuộc gặp gần 1h30 với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngay sau khi trở về Pháp, ông Hollande đã tuyên bố gây sửng sốt không chỉ cho châu Âu mà cả thế giới rằng: “đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi Nga cho thấy những thiện chí trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Rõ ràng, một “tiếng sét giữa mùa hè” như vậy là điều Mỹ không bao giờ chấp nhận được. Thêm vào đó, ngay sau vụ Charlie Hebdo, thái độ của ông Hollande đối với Nga lại không giống như trước. Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng vậy. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết.

PV: Vậy, tại sao Al Qaeda lại chọn Pháp, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu nhìn lại vụ 11/9 ở Mỹ, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng với vụ Charlie Hebdo. Khi tấn công vào Mỹ, lực lượng của Osama Bin Laden đã chọn đánh vào Tháp đôi – biểu tượng uy lực kinh tế của nước Mỹ, và Lầu Năm Góc – biểu tượng uy thế quân sự.

Rõ ràng, Al Qaeda đã đánh thẳng vào hai biểu tượng vẻ vang nhất, uy thế nhất, danh giá nhất của nước Mỹ. Quay lại vụ Charlie Hebdo, thực chất Al Qaeda đã thực hiện vụ tấn công vào châu Âu. Vì, khi nhắc đến châu Âu thì không thể không nhắc đến Pháp, còn khi nhắc đến Pháp mà không nhắc tới Paris thì vô nghĩa.

Vụ tấn công thẳng vào Paris đã tạo ra một sự lan tỏa ảnh hưởng về mặt tâm trạng, tâm lý tới cả châu Âu. Từ đó cho thấy, những người đưa ra chủ trương này đã rất cẩn thận về mặt chiến lược, địa chính trị. Có lẽ, Al Qaeda chưa tính ra chuyện này, hoặc, một thế lực nào đó đã sử dụng Al Qaeda?!

Bên cạnh đó, còn phải nói đến chính sách nhập cư dễ dãi ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp. Là nước dung nạp người nhập cư Hồi giáo và Arab nhiều nhất ở châu Âu, tới nay, trong số 28 triệu người Arab, Hồi giáo thì Pháp đã chiếm đến 5 - 6 triệu người. Đây là môi trường hoàn hảo để Al Qaeda, IS hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác cài cắm người vào.

Những người Hồi giáo này, mặc dù là công dân Pháp, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Pháp, nhưng sâu xa trong tâm hồn họ vẫn là người Arab, là người Hồi giáo. Khi có lực lượng thánh chiến mời chào, tác động, họ sẵn sàng tham gia. Thêm vào đó, bức tranh xã hội ở Pháp phát triển cao, nhưng vấn đề phân biệt chủng tộc chưa giải quyết được.

Pháp là một quốc gia muốn bảo vệ giá trị cộng hòa, nên không đồng ý đa dạng văn hóa. Paris đã quyết định cấm người Hồi giáo ở Pháp che mặt ra ngoài đường phố. Chính quy định này đã tạo ra sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Hồi giáo, và điều này đã tạo khe hở để Al Qaeda cài cắm người vào để lôi kéo người gia nhập tổ chức khủng bố, tiến hành các cuộc tấn công.

PV: Thưa Thiếu tướng, kể từ khi Osama Bin Laden bị tiêu diệt, Al Qaeda đã “bặt vô âm tín”. Trong khi, cả thế giới đang tập trung vào IS thì họ lại bất ngờ xuất hiện. Có phải họ vẫn luôn có sự ủng hộ âm thầm của IS. Tức là, IS nổi lên, thu hút sự chú ý của thế giới, tạo điều kiện cho Al Qaeda củng cố lực lượng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước đây phần lớn các cuộc khủng bố là do Al Qaeda thực hiện dưới sự điều hành của tên trùm Bin Laden. Hoạt động khủng bố lúc ấy là có một trung tâm chỉ huy, tiến hành khủng bố ở đâu đều do Bin Laden chỉ đạo. Chính điều kiện ấy lại dễ phòng ngừa và đối phó hơn.

Sau khi Bin Laden bị tiêu diệt vào tháng 5/2011, Al Qaeda như rắn mất đầu, người thay thế Bin Laden không đủ tầm ảnh hưởng để mọi người có thể suy tôn y là thủ lĩnh hàng đầu. Nên khả năng bao quát của thủ lĩnh Al Qaeda hiện nay khác rất nhiều với thủ lĩnh Bin Laden năm xưa.

Từ năm 2011 đến nay, riêng tổ chức Al Qaeda đã thay đổi phương thức và chiến thuật tấn công. Bọn chúng đã không cần một chỉ huy tập trung, thống nhất nữa mà giao nhiệm vụ cho các nhóm, các tổ chức khủng bố đi khắp thế giới, mục tiêu của họ là đánh thẳng vào lợi ích của Mỹ và phương Tây.

Bởi vì tư tưởng thánh chiến ở đây đều quan niệm Mỹ và phương Tây gieo rắc thảm họa cho người Hồi giáo, người Arab, nên cứ thấy lợi ích của Mỹ, của phương Tây ở nơi nào sơ hở là chúng tấn công.

Về việc IS ủng hộ Al Qaeda, về thực chất, IS trước đây là một phần của Al Qaeda, nhưng nay đã tách riêng. Tính tàn bạo của IS lớn gấp nhiều lần so với Al Qaeda. Al Qaeda không chủ trương thành lập nhà nước, chỉ chủ trương đánh bom để trả thù.

Còn IS chủ trương thành lập nhà nước của người Sunni, trước hết là ở Iraq và Syria, về lâu dài, còn có ý đồ thành lập nhà nước của người Sunni trên khắp hành tinh, bao quát cả Trung Đông, Bắc Phi khoảng 600 triệu người.

PV: Như vậy, khủng bố trong năm 2015 sẽ nguy hiểm hơn?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hoàn toàn đúng. Ở đây có một sự liên kết. Chúng ta phải hiểu sự liên kết này một cách linh hoạt; không có sự ký kết văn bản nào, nhưng mẫu số chung tư tưởng của các tổ chức khủng bố Al Qaeda, IS, Taliban đều là lòng thù hận với Mỹ và phương Tây, xem Mỹ và phương Tây là nguồn gốc kẻ thù của đạo Hồi.

Chỉ loại bỏ phương Tây thì Hồi giáo mới phát triển được. Các tổ chức này đều có quan hệ với nhau, và khi gặp nhau về tư tưởng thì sẵn sàng hỗ trợ nhau. Như vụ ở Pháp, nữ nghi phạm Boumeddiene nếu không có sự trợ giúp của các tổ chức khủng bố khác thì làm sao chạy sang Syria được.

Điều này cũng cho thấy, khủng bố không chỉ có ở Pháp mà còn có ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhiều nước trên thế giới. Mặc dù các quan hệ này không chặt chẽ, nhưng bọn chúng sẵn sàng liên kết với nhau bất cứ khi nào nếu có chung kẻ thù, chúng sẵn sàng cứu nhau.

PV: Các nước sẽ phải thay đổi chiến lược chống khủng bố, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên thực tế, ngoài chiến lược chống khủng bố toàn cầu, rất nhiều nước đã có chiến lược chống khủng bố riêng, nhưng họ không công khai, hoặc có công khai thì rất chung chung. Tuy nhiên, ngay cả những nước có chiến lược rồi nhưng vẫn bị khủng bố, như Pháp, Mỹ chẳng hạn. Điều này cho thấy, nhiều quốc gia có chiến lược khủng bố rồi, nhưng không có nghĩa khủng bố không mò đến các quốc gia này nữa. Đặc biệt, sau vụ Charlie Hebdo, các nước sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố cho phù hợp với tình hình thực tế.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Hà Khổng (thực hiện)
.
.
.