Châu Phi nỗ lực vì tầm nhìn “Lặng im tiếng súng”

Thứ Ba, 11/02/2020, 09:03
Phiên họp thường niên thứ 33 của Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và Chính phủ Liên minh châu Phi (AU) đã khai mạc ngày 9/2 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, với chủ đề “Lặng im tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho châu Phi phát triển”.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về tình hình an ninh khu vực, nhấn mạnh đến vấn đề “khủng bố, xung đột giữa các quốc gia và khủng hoảng sau bầu cử”.

Chủ tịch Ủy ban AU thẳng thắn thừa nhận rằng dù đã ghi nhận một số tiến bộ ở Cộng hòa Trung Phi và Sudan, các cuộc xung đột khác vẫn kéo dài ở một số nước như Libya, Nam Sudan, đồng thời, các cuộc khủng hoảng mới nổi đang xuất hiện tại rìa Sahara, Cameroon và Mozambique. Điều này cho thấy sự phức tạp ngày càng gia tăng của tình hình an ninh ở châu Phi.

Hội nghị lần này là cơ hội để lãnh đạo AU thảo luận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề nhức nhối hiện nay tại châu lục. Ảnh minh họa: Reuters.

Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện chương trình nghị sự châu Phi với tầm nhìn “Lặng im tiếng súng” nhằm mục đích chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xung đột dân sự và ngăn chặn nạn diệt chủng ở lục địa này, và xa hơn là “Châu Phi như chúng ta mong muốn” vào năm 2063.

Ông Faki nhấn mạnh, cần nhiều hơn nữa những hành động thiết thực để giải quyết tận gốc rễ của các cuộc xung đột ở châu Phi, mà cụ thể là đói nghèo và phân biệt đối xử trong xã hội. Chủ tịch Ủy ban AU tái khẳng định quyết tâm của Liên minh trong tìm kiếm “giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi”.

Dù vậy, tuyên bố của ông Faki được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo châu Phi cũng như các nhà phê bình đã thầm thừa nhận thất bại của AU trong đạt mục tiêu được thông qua cách đây 7 năm. Làm cho châu Phi không còn tiếng súng, hay nói cách khác là chấm dứt các cuộc chiến tại châu Phi vào năm 2020 đã được các nguyên thủ quốc gia AU đưa ra trong tuyên bố kỷ niệm 50 năm của Liên minh châu Phi vào năm 2013.

Từ đó đến nay, các quốc gia châu Phi đã nỗ lực thực hiện mục tiêu này, nhưng dường như chưa đủ. Năm 2005, ở châu Phi chỉ có 6 quốc gia có xung đột và 7 cuộc xung đột vũ trang. Đến năm 2018, châu Phi chứng kiến 21 cuộc xung đột vũ trang.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người tiếp quản vị trí Chủ tịch AU từ Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, tuyên bố, ông dự định tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh cấp châu lục vào tháng 5 này, trong đó, một tập trung vào giải quyết xung đột tại khu vực và một nhằm thảo luận Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA).

“Chúng ta sẽ tập trung nỗ lực vào giải quyết xung đột xuyên khắp châu Phi, đặc biệt là những nước gặp phải xung đột kéo dài”, ông Ramaphosa cho biết.

Tổng thống Nam Phi cũng nhận định Nam Sudan và Libya là hai cuộc xung đột mà ông muốn dành ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch AU của mình. Tối 8/2, trong một nỗ lực bắt đầu các hành động hòa giải tại Nam Sudan, ông Ramaphosa đã gặp riêng với Tổng thống Nam Sudan Saval Kiir và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar.

Hai bên có hạn chót là ngày 22/2 để thành lập chính phủ, tuy nhiên, đã bỏ lỡ hai dịp trước đây do không thể san bằng các khác biệt. Cuộc nội chiến ở Nam Sudan bắt đầu năm 2013, tính đến nay đã khiến hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người lâm vào cảnh đói nghèo.

Trong khi đó, cuộc nội chiến ở Libya, kéo dài từ năm 2011, được cho điểm nóng hàng đầu tại khu vực châu Phi hiện nay. Tình hình tại đất nước Bắc Phi ngày càng leo thang với sự tác động và can thiệp của nhiều bên, chính vì vậy, vai trò trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi được cho là khó thành công. Nhiều hội nghị hòa giải quốc tế chủ yếu do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ đã phớt lờ vai trò của AU.

Bên cạnh đó, ngay trong nội bộ AU cũng có những bất đồng và chia rẽ trong vấn đề Libya. LHQ vẫn luôn nỗ lực để chấm dứt xung đột ở Libya và thúc đẩy các bên ngồi vào bàn đối thoại. Nhưng nếu chỉ riêng vai trò của LHQ sẽ rất khó thành công khi mà các nước có ảnh hưởng, các phe phái ở Libya và cả AU chưa tìm được tiếng nói chung.

Phiên họp thường niên lần thứ 33 này được cho là cơ hội để đại diện LHQ bàn thảo với các nhà lãnh đạo châu Phi tìm giải pháp cho. Đại diện LHQ về Libya Ghassan Salamé tin rằng sự tham gia của AU là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya bởi cuộc khủng hoảng này vượt xa biên giới của đất nước và các tác động tàn phá đối với lục địa châu Phi, đặc biệt là những hậu quả tiêu cực của nó.

Theo tầm nhìn khu vực đến 2063, khi châu Phi đã “lặng im tiếng súng”, người dân châu lục này sẽ nỗ lực đạt được một châu Phi như hằng mong đợi. Được hình thành tại Hội nghị thường niên của AU năm 2019, AfCFTA với sự tham gia của 54 trên 55 thành viên AU được cho là nội dung cốt lõi và quan trọng nhất của Chương trình nghị sự 2063 của AU.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng với AfCFTA, cả thương mại trong và ngoài khối sẽ được hưởng lợi từ cải cách quy định, môi trường chính trị và chính sách thương mại nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.

Hơn nữa, các nền kinh tế ít định hướng xuất khẩu hoặc có môi trường kinh doanh không thuận lợi nên xác định các lợi thế so sánh và thế mạnh chính để tận dụng những lợi thế này để khai thác vào các chuỗi giá trị AfCFTA mới. Giới phân tích tin rằng những thách thức này sẽ được khắc phục và thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự tăng trưởng của AfCFTA thành một khu vực giao dịch toàn cầu mới.

Ngoài ra, AU cũng đang phải nỗ lực vượt qua các khác biệt nội bộ và thiếu hụt nguồn tài chính cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nếu như Liên minh này muốn trở thành một “người hòa giải”.

Trong một báo cáo được công bố ngày 7/2, nhóm chuyên gia về khủng hoảng quốc tế cho biết AU nên ưu tiên hoàn thiện một thỏa thuận mà trong đó, Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho 75% các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Hội đồng Bảo an.

Gia Khoa (Tổng hợp)
.
.
.