Châu Âu họp khẩn vì vấn đề di cư

Thứ Sáu, 22/06/2018, 08:09
Trước các diễn biến đang cực kỳ căng thẳng tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề người tị nạn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã ra thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 24-6 tới với các quốc gia có liên quan để tìm kiếm các giải pháp cụ thể.

Đây được xem là một cuộc “thượng đỉnh mini” trước khi các nước thành viên EU tham dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 28 và 29-6 tới tại Brussels (Bỉ).

Tham dự cuộc họp là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn như Italia, Đức, Pháp, Bulgaria, Hy Lạp và Austria, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo các nước sẽ bàn giải pháp cụ thể, trong đó có các chủ đề đặc biệt quan trọng là tăng quân số cho lực lượng cảnh sát biên giới Frontex lên 10.000 người như đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thay vì 1.500 người như hiện nay. Đồng thời thống nhất kế hoạch xây dựng các trại tị nạn ngoài biên giới châu Âu để sàng lọc người tị nạn.

Ngoài ra, việc thay đổi hoặc thậm chí bãi bỏ “quy định Dublin” về việc người tị nạn phải đăng ký xin tị nạn tại quốc gia đặt chân đến đầu tiên, cũng sẽ được thảo luận. Hiện tại, vấn đề tị nạn đang trở thành tâm điểm căng thẳng tại châu Âu, không chỉ gây ra các bất đồng nghiêm trọng giữa các nước như: Pháp Italia, mà còn đe dọa gây ra khủng hoảng chính trị tại Đức khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đang có những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại Đức.

Thậm chí, đảng CSU đã ra tối hậu thư đối với vị nữ Thủ tướng, trong đó buộc bà phải tìm được một giải pháp toàn diện về vấn đề này trong thời gian 15 ngày, nếu không muốn chính phủ liên minh tại Đức tan rã.

Phát biểu hôm 20-6 tại một sự kiện nhân Ngày tị nạn thế giới ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh Chính phủ nước này đang đứng trước nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi chiến tranh và khủng bố, đồng thời cam kết duy trì sự gắn kết giữa các nước châu Âu. Bà nêu rõ, vấn đề di cư hiện đang là một thách thức lớn nhất đối với châu Âu, do đó EU cần đoàn kết để có thể đối phó và vượt qua thách thức này.

Theo đó, EU cần phải tổ chức và quản lý vấn đề di cư theo các quy tắc rõ ràng và những chuẩn mực chung trong khối, đặc biệt trong việc xác định rõ những đối tượng nhập cư. Theo bà Angela Merkel, đây là mối quan ngại sâu sắc nhất của các nước thành viên EU nhằm duy trì và đảm bảo một EU đoàn kết trong các vấn đề lớn liên quan đến chính sách đối ngoại, di cư và nhập cư.

Dòng người tị nạn “chảy” vào châu Âu. Ảnh: express.co.uk.

Trong khi đó, tại Hungary, cũng trong ngày 20-6, với đa số phiếu thuận, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua dự luật hình sự hóa các hoạt động hỗ trợ người nhập cư không giấy tờ tùy thân. Theo luật này, bất kỳ cá nhân hay tổ chức phi chính phủ giúp người nhập cư không thuộc diện được bảo vệ nộp đơn xin tị nạn, hoặc giúp người nhập cư trái phép có được cơ chế tị nạn đều đối mặt với hình phạt tù tới 1 năm.

Đạo luật được cho là nhắm vào nhà tỉ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros, người mà Hungary cáo buộc đứng sau các chiến dịch khuyến khích người nhập cư vào châu Âu, trong đó có Hungary, thông qua các tổ chức phi chính phủ. Cùng ngày, Quốc hội Hungary cũng bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp với những quy định chặt chẽ hơn đối với những người muốn xin cơ chế tị nạn tại Hungary.

Theo đó, nếu không nhận được sự chấp thuận của chính quyền, người nước ngoài không được phép sống tại Hungary. Bất cứ ai cố tình vào lãnh thổ nước này từ một nước thứ ba, nơi họ không bị ngược đãi sẽ không có quyền yêu cầu sự bảo vệ để xin tị nạn từ chính quyền Hungary.

Trong khi tâm lý không thiện cảm với người tị nạn gia tăng trên toàn châu Âu, một nghiên cứu được các nhà chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia, Đại học Clermont-Auvergne và Đại học Paris-Nanterre của Pháp công bố trên Science Advances ngày 20-6 cho thấy những người di cư tới “lục địa già” không đặt gánh nặng lên tài chính công mà còn đóng góp cho nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại nước sở tại.

Các nhà chuyên gia đã tiến hành phân tích số liệu kinh tế và nhập cư trong 30 năm qua của các nước Austria, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Norway, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Liên hiệp Anh. Kết quả cho thấy những người tị nạn đóng góp cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng nguồn thu thuế đến 1% cho nước sở tại.

Theo nghiên cứu, những người tị nạn đóng góp nhiều nhất cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước sau 3-7 năm sinh sống tại nước đó. Bên cạnh đó, số dân này cũng giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ và tài chính công gần như không bị ảnh hưởng.

Theo người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi, chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu là hợp tác thay vì các quốc gia riêng lẻ tự thực hiện những nỗ lực rời rạc. Phát biểu tại cuộc họp báo tại Thủ đô Tripoli nhân chuyến thăm tới Libya, ông Grandi cho biết đã viết thư gửi Chủ tịch luân phiên của EU, trong đó đề xuất hỗ trợ EU về mặt chuyên môn để có thể tìm kiếm giải pháp mới căn bản và khả thi nhằm ứng phó với những dòng người di cư vẫn đang tiếp tục đổ về châu Âu.

Quan chức LHQ cũng cho rằng dù ông không đồng tình với việc làm của các quốc gia tuyến đầu châu Âu như Italy hay Malta đóng cửa cảng biển, từ chối tiếp nhận người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải nhưng ông cũng cho rằng việc Italy than phiền về sự bất công khi phải gánh hầu hết số người tị nạn cũng là điều đúng đắn. Vì vậy, theo ông Grandi, để giải quyết vấn đề này cần có một quy định được tất cả các quốc gia trong khu vực Địa Trung Hải chấp thuận.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.