Châu Âu cần biện pháp mới để đối phó với COVID-19

Chủ Nhật, 29/03/2020, 08:13
Đó là tuyên bố ngày 27-3 của Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Ông cũng nhấn mạnh sự đoàn kết không chỉ đảm bảo các giá trị của Liên minh châu Âu (EU) mà còn là lợi ích chung của các nước trong khu vực.

Cần phải hành động trước khi quá muộn

Ngày 27-3, châu Âu tiếp tục trải qua một ngày tồi tệ khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, nước này ghi nhận thêm 5.959 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 86.498 trường hợp. Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do COVID-19 là 9.134 trường hợp (tăng 969 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 10.950 trường hợp (tăng 589 ca).

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy Silvio Brusaferro cho rằng, dịch bệnh COVID-19 tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm mặc dù ghi nhận sự suy giảm đáng kể trên đường cong biểu đồ dịch bệnh. Một nước châu Âu khác là Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao kỷ lục trong vòng 1 ngày.

Chia sẻ cảm xúc, giúp đỡ mọi người vượt qua những thời điểm gian khó là cách tốt nhất để lan truyền điều tích cực trong mùa dịch. Ảnh: Reuters

Theo đó, trong ngày 27-3, Tây Ban Nha ghi nhận 7.871 ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 64.059 người,  trong đó 9.444 là nhân viên y tế. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số nhân viên y tế nhiễm COVID-19 ở nước này hiện cao nhất thế giới. Trong khi đó, tính đến ngày 27-3, tổng số ca tử vong tại Anh đã lên đến 759 người, với 14.543 ca được xác định dương tính với virus.

Trước tình hình việc kiểm soát dịch bệnh đang ở thời điểm khó khăn, nhiều nước châu Âu tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh. Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15-4, thay vì đến 31-3 như dự kiến ban đầu. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes đã thông báo quyết định kéo dài lệnh cách ly diện rộng thêm 2 tuần tức đến ngày 19-4, nhằm làm chậm sự lây lan của bệnh dịch COVID-19.

Các nước khác như Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nhà cũng đưa ra các biện pháp nhằm khống chế dịch như: tiếp tục giới hạn số lượng người được phép tập trung, hội họp, đóng cửa tất cả các quán cà phê và nhà hàng và các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng, đồng thời yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.

Nhấn mạnh đến sự hợp tác ở cấp độ châu lục, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho rằng, châu Âu cần phải thông qua biện pháp mới để đối phó với mối de dọa của dịch COVID-19. Theo ông, các nước cần phải hành động trước khi quá muộn.

“Tôi hy vọng mọi người hiểu đầy đủ, trước khi quá muộn, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và mối đe dọa mà châu Âu đang phải đối mặt. Sự đoàn kết không chỉ đảm bảo các giá trị của liên minh mà còn là lợi ích chung của các nước trong khu vực”, ông nhấn mạnh đồng thời nêu rõ: “EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu gần đây đã đưa ra các quyết định kinh tế và tài chính quan trọng. Tuy nhiên, người đứng đầu các nước chưa có nhiều bước đi quyết liệt tương tự và tôi hi vọng sẽ có các bước đi cụ thể trong những ngày sắp tới. Các sáng kiến mới là cần thiết. Cần phải bỏ đi các suy nghĩ cũ hiện đã không còn phù hợp với các điều kiện thực tế hiện nay của châu lục”.

Hãy nghĩ đến điều tốt đẹp nhất

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách duy nhất để ngăn chặn virus lây lan là buộc tất cả mọi người trên thế giới tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, dựa trên khoảng thời gian ủ bệnh. Có hai cách tiếp cận có thể thực hiện khi đối mặt với một bệnh dịch lây nhiễm đó là ngăn chặn và giảm nhẹ, tức là ngăn chặn virus lây lan và cuối cùng là dập tắt đại dịch. Đây là cách tiếp cận khả thi. Giảm nhẹ nghĩa là chấp nhận thực tế không thể ngăn chặn virus và tìm cách hạn chế tối thiểu tác động của nó đối với y tế cộng đồng.

Chiến lược này được sử dụng khi ngăn chặn không thể phát huy hiệu quả. Xét tới sự lây lan của virus cũng như những thiệt hại kinh tế cho đến nay và tất cả các yếu tố khác chưa biết về bản chất của loại virus này, việc giảm nhẹ là hành động khả thi nhất, cân bằng nhu cầu kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, không một biện pháp đơn lẻ nào là đủ: “Không thực hiện riêng lẻ các biện pháp xét nghiệm, cách ly, theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân hay giãn cách xã hội. Hãy kết hợp tất cả”. Giãn cách xã hội được hiểu là việc giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm hạn chế nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 giữa những người ở gần nhau.

“Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm” là khẩu hiệu của WHO trong cuộc chiến chống COVID-19. Các chuyên gia tin rằng, chương trình xét nghiệm không chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm mới hơn, từ đó giúp nhà chức trách sớm ngăn chặn việc bùng phát ổ dịch mới.

Tuy nhiên, dù đã tiến hành xét nghiệm tối đa trên diện rộng, nhưng một số quốc gia có thể không thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 vì thiếu khả năng theo dõi việc tiếp xúc của người nhiễm bệnh. Nếu người nhiễm hoặc người nghi nhiễm không được tìm thấy, việc xét nghiệm rộng rãi sẽ không đạt hiệu quả cao. Các chuyên gia y tế cho rằng, đối với những quốc gia không có được lợi thế này, việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi ý thức là rất cần thiết.

Nếu được nâng cao nhận thức, người bệnh sẽ tự cách ly và khai báo những người đã liên hệ với họ để nhà chức trách kịp thời có biện pháp xử lý. Đối với nhiều người, câu hỏi lớn nhất là: Dịch bệnh sẽ chấm dứt khi nào và bằng cách nào. Theo ông Mark Woolhouse, một nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, việc ngăn chặn có thể đòi hỏi phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong vài tháng, ít nhất là cho đến khi các nhà khoa học tìm ra vaccine.

Lo lắng về nguy cơ mắc COVID-19 là điều khó tránh khỏi, nhưng làm thế nào để kiểm soát mối lo này? Câu trả lời là hãy nghĩ đến điều tốt đẹp nhất. Bà Natasha Page, chuyên gia trị liệu thuộc Hiệp hội Tư vấn và Trị liệu tâm lý Anh cho biết: “Chúng ta đều biết COVID-19 là loại virus nguy hiểm. Nhưng có cần làm quá lên thế không? Chúng ta cũng cần nghĩ đến những kịch bản tốt đẹp nhất. Lo lắng có thể là một cảm xúc cần thiết giúp chúng ta giữ an toàn cho bản thân và làm những điều đúng đắn, nhưng cứ giữ khư khư trong đầu kịch bản tồi tệ nhất sẽ không có lợi gì”.

Cũng theo vị chuyên gia này, một điều hết sức quan trọng khác chính là việc phải đảm bảo duy trì công việc và sự ổn định tài chính để có thể “sống sót qua dịch bệnh”. Việc kiểm soát tâm lý cũng là điều hết sức quan trọng, chuyên gia trị liệu tâm lý Eve Menezes Cunningham chia sẻ: “Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng, ít nhất cho đến thời điểm này bạn vẫn an toàn và mạnh khỏe. Khi đang có dịch bệnh, rất khó để mọi người nghĩ về một ngày mai đầy nắng cùng cầu vồng rực rỡ nhưng cũng đừng có mãi giữ những điều tồi tệ trong đầu. Đừng phủ nhận thực tế nhưng hãy luôn tự nhủ rồi mọi thứ sẽ qua đi ngay cả khi chúng ta không biết là vào lúc nào”. Các chuyên gia cũng gợi mở, cách tốt nhất để hướng tới suy nghĩ tích cực chính là việc tích cực vận động, nhất là khi mọi người bị giới hạn về không gian do việc bị hạn chế đi lại phòng COVID-19. Giáo sư Tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford Daniel Freeman cho rằng: “Điều quan trọng là chúng ta cần phải tham gia vào nhiều hoạt động có ích cho bản thân, điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp kết nối tốt hơn với gia đình, bạn bè và người thân”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.