Chấn động kinh tế trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Thứ Ba, 10/03/2020, 07:14
“Chấn thương kinh tế” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục có tác động xấu lên thị trường tài chính thế giới trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh toàn cầu tăng lên khoảng 110.000, đáng chú ý, hơn 27.000 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc.


Thị trường chứng khoán tại Mỹ đã giảm điểm trong đêm 8/3. Cụ thể, chỉ số Dow giảm hơn 1.000 điểm và S&P 500 giảm tới 5%. Hiện tượng bán tháo tiếp tục diễn ra trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi cả thị trường Australia và Nhật Bản đều giảm vào phiên giao dịch đầu tuần.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đã giảm 7,3% ngày 9/3, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-2008. Phố Wall đã và đang phải đối mặt với những tổn thất nặng nề trong nhiều tuần qua do những lo ngại xung quanh bệnh COVID-19.

Trung Quốc sẽ đóng cửa toàn bộ bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán trong ngày 10/3. Ảnh minh họa Reuters

Trong tuần cuối cùng của tháng 2, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Giá dầu thế giới cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do dịch bệnh, tuy nhiên, cuộc chiến giá dầu nổ ra giữa Arab Saudi và Nga mới đây khiến giá dầu thô giảm 33%, gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu và khiến các nhà đầu tư thế giới hoảng loạn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi “tất cả các quốc gia tiếp tục nỗ lực có hiệu quả trong việc hạn chế số lượng các trường hợp và làm chậm sự lây lan của virus”. Trong một tuyên bố, WHO cho biết các chính phủ không được phép để virus lây lan bởi điều này sẽ “gây hại không chỉ cho công dân của quốc gia đó mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác”.

 Cho đến nay, ít nhất 3.820 người đã chết vì virus COVID-19, với phần lớn ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các số liệu cập nhật cho thấy, số ca nhiễm mới tại nhiều nước đang tăng lên trong khi tại Trung Quốc dần bắt đầu trở lại bình thường.

Đáng chú ý, những ngày qua, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới ở Trung Quốc đã giảm đáng kể với 3 ngày liên tiếp chỉ tăng ở mức 2 con số. Tại tỉnh Hồ Bắc, cũng đã có 4 ngày liên tiếp số ca tăng thêm chỉ tập trung ở thành phố Vũ Hán.

Ngày 9-3, lần đầu tiên không ghi nhận ca nhiễm mới nào bên ngoài tỉnh Hồ Bắc. Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt các bệnh viện dã chiến mở ra trước đó tại Vũ Hán. Tính đến chiều 8-3, trong tổng số 14 bệnh viện dã chiến cải tạo này đã có 11 nơi đóng cửa.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã xác nhận 248 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào sáng 9-3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 7.380, cùng với đó là thêm một ca tử vong. Trong khi Hàn Quốc vẫn là một trong những ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục thì đây là mức tăng thường ngày thấp nhất tại nước này kể từ ngày 26-2, làm tăng hy vọng rằng virus có thể được kiểm soát.

Khoảng 90% các trường hợp tại nước này là từ khu vực Daegu và Bắc Gyeongsang, đa số liên quan đến nhóm tôn giáo Shincheonji. Ở nước láng giềng Triều Tiên, chưa có trường hợp nào được xác nhận chính thức, tuy nhiên, các chuyên gia y tế toàn cầu đã cảnh báo nước này rất dễ bị ảnh hưởng do gần Trung Quốc và khả năng y tế hạn chế.

Được biết, Nhật Bản sẽ sửa đổi một luật cho phép Thủ tướng Shinzo Abe có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết trong bối cảnh chính quyền ông đối mặt với chỉ trích trong xử lý sự bùng phát dịch trước Olympic Tokyo 2020. Hiện Nhật Bản ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm bệnh, bao gồm khoảng 700 ca nhiễm trên du thuyền đậu gần Tokyo tháng trước, cùng với đó là 14 ca tử vong.

Tuy nhiên, tình hình ở châu Âu và Bắc Mỹ dường như đang xấu đi. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã ký một sắc lệnh ngày 8-3, phong tỏa phần lớn khu vực phía Bắc của đất nước, ảnh hưởng đến gần 15 triệu người, trong khi các khu vực khác sẽ phải đối mặt với các hình thức hạn chế đi lại ở cấp độ khác nhau.

Ngoài ra, Italia cũng đóng cửa các trường học, nhà hát và rạp chiếu phim, cũng như các quán bar, câu lạc bộ đêm và tạm hoãn các sự kiện thể thao, các nghi lễ tôn giáo.

Tại Italia đã có hơn 7.300 trường hợp nhiễm và 366 ca tử vong. Ở nước láng giềng Pháp, số ca mắc bệnh đã tăng lên hơn 1.100 người và ít nhất 19 người thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh trên toàn châu Âu.

Trong khi đó, Đức và Tây Ban Nha đều đã báo cáo có hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp ngày 9-3 của chính phủ nước này để thảo luận các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19. Tại Anh ghi nhận 278 ca nhiễm và 3 trường hợp tử vong.

Tại Mỹ, cuối ngày 9-3 đã có 565 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận, trong đó, 22 ca đã tử vong. Hàng loạt bang trên khắp nước Mỹ ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Nhiều bang đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch COVID-19.

Gia Khoa
.
.
.