Canh cánh nỗi lo khủng bố và đình công mùa Euro 2016

Thứ Sáu, 10/06/2016, 08:16
Ngày 10-6, vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016) chính thức khởi tranh ở Pháp. Tuy nhiên, những ngày tháng sôi động “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” ở lục địa già này vẫn đang bị phủ bóng đen bởi nỗi lo về khủng bố và làn sóng đình công.

Từ phần mềm cảnh báo khủng bố

Theo tin từ hãng The Guardian, phát hiện mới của Tổng cục Nội chính Pháp (ISB) về 82 người được thuê làm nhân viên an ninh tại vòng chung kết Euro 2016 có tên trong danh sách tình nghi khủng bố cùng những tuyên bố mới nhất của cơ quan ninh Ukraine về việc bắt giữ kẻ âm mưu tiến hành 15 vụ tấn công khủng bố tại Pháp dịp Euro 2016 đang khiến cho vấn đề bảo vệ an ninh ở Pháp trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Ông Patrick Calvar, người đứng đầu cơ quan tình báo Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) nói rằng, câu hỏi về khủng bố tại Euro 2016 bây giờ không phải "nếu" nữa, mà là "ở đâu" và "khi nào". Như vậy, tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần để ứng phó với nạn khủng bố. Vì thế, hôm 8-6, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố một phần mềm mới mà người sử dụng có thể tải miễn phí từ Apple và Google để nhận những thông tin cảnh báo khi xảy ra sự cố lớn, đặc biệt là đe dọa khủng bố. Phần mềm này, theo hãng AP, có tên là SAIP.

Nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh mùa Euro 2016. Ảnh: Reuters

Để nhận được những thông tin cần thiết, người sử dụng đăng ký vị trí của mình, hoặc chấp nhận được theo dõi bởi hệ thống định vị vị trí. Còn lực lượng cảnh sát thì có trách nhiệm và quyền hạn trong việc công bố các thông tin báo động và quyết định truyền tải thông tin tới người dân có mặt trong một phạm vi bán kính xung quanh. Đây là một phần trong chiến dịch an ninh mà Pháp thực hiện nhằm bảo vệ an toàn cho Euro 2016.

Trưởng ban tổ chức Euro 2016 Jaques Lambert cho biết, ngoài khoảng 2,5 triệu người có vé vào sân, con số du khách tới nước Pháp nhân kỳ Euro này (sẽ tập trung ở màn hình lớn được bố trí tại nhiều địa điểm) có thể lên tới 10 triệu người. Vì vậy có thể nói, khu vực dành cho người hâm mộ (fan zone) sẽ được "chăm sóc" đặc biệt cẩn thận. Pháp cũng đã quyết định thực hiện 2 lớp kiểm tra an ninh tại các khu vực dành cho các cổ động viên với tổng chi phí lên tới 8 triệu Euro.

Lý giải về việc này, ông Jaques Lambert cho biết, tuy chưa có manh mối cụ thể nào về khả năng xảy ra hành động khủng bố từ khu vực của cổ động viên song nhiều quốc gia có đội tuyển tham gia Euro 2016 đã đưa ra nhiều cảnh báo. Chẳng hạn, Cục Hình sự liên bang Đức (BKA) hôm 7-6 đã ra thông báo rằng: “Châu Âu, trong đó có Đức, đang là tâm điểm mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Giới chức an ninh cần xem xét mọi manh mối và nguy cơ khủng bố xảy ra nhằm vào Euro một cách thận trọng nhất.

Người phát ngôn BKA Jens Beismann còn tuyên bố rằng an ninh là vấn đề quan trọng ở tất cả các trận đấu và sự kiện liên quan tới Euro 2016 và kêu gọi các cổ động viên tuân thủ, chú ý các chỉ dẫn của ban tổ chức cũng như lực lượng an ninh, thông cảm với các biện pháp kiểm soát an ninh được thực thi nhằm đảm bảo an toàn trong các trận thi đấu.

Còn Anh thì cảnh báo người hâm mộ đề cao cảnh giác trong mọi thời điểm và nghe theo khuyến cáo của nhà chức trách Pháp bởi các sân vận động, nơi tụ tập người hâm mộ, địa điểm phát sóng các trận đấu cũng như các trung tâm vận tải… đều có thể trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố.

Được biết, 180 cảnh sát các nước tham gia Euro 2016 cũng đã đến thủ đô Paris để hỗ trợ công tác an ninh cho sự kiện này. Pháp thì huy động hơn 90.000 cảnh sát và đặt một số nơi trong tình trạng khẩn cấp.

Đến tác động của các cuộc đình công

Nhưng khủng bố không phải là nỗi lo duy nhất của mùa Euro 2016. Lễ hội bóng đá sôi động nhất lục địa già này còn đang bị bủa vây bởi làn sóng đình công đang tiếp tục dâng cao nhằm phản đối những cải cách lao động gây tranh cãi tại nước này.

Thậm chí, đình công kéo dài trong hơn 1 tuần qua đã khiến các cơ sở xử lý rác thải ở Paris phải đóng cửa và gây nên tình trạng ô nhiễm tại 10/20 quận của thủ đô Paris. Dịch vụ đường sắt cũng bị gián đoạn khi công nhân phong tỏa ga Gare du Nord ở thủ đô. Hệ thống đường sắt quốc gia Pháp SNCF chỉ vận hành trung bình chưa đến một nửa công suất.

Các chuyến tàu xuất phát từ Pháp đi Bỉ, Thụy Sĩ, Italy và Tây Ban Nha cũng bị gián đoạn do đình công. Các nghiệp đoàn và nhiều người dân Pháp tuyên bố không thay đổi quan điểm cần hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới…

Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt trong những ngày qua tại thủ đô Paris khiến giao thông đường thủy cũng bị đình trệ hoàn toàn. Đến ngay cả người Pháp khi được hỏi trong cuộc thăm dò dư luận hôm 8-6 cũng thừa nhận họ đã mệt mỏi với tình trạng này và lo sợ sự đối đầu quyết liệt giữa các nghiệp đoàn và chính phủ có thể dẫn đến bầu không khí xã hội căng thẳng và đe dọa tác động tiêu cực tới việc tổ chức Euro 2016.

Tổng thống Pháp Francois Hollande trong lần trả lời phỏng vấn mới đây cũng nhấn mạnh: ông lo ngại hai vấn đề lớn nhất trong mùa giải bóng đá là khủng bố và đình công, nhất là khi có nguồn tin nói rằng tổng đình công sẽ diễn ra tại Pháp vào ngày 14-6.

Gia Nam
.
.
.