Cảnh báo hệ lụy sau tuyên bố rút khỏi TPP của ông Donald Trump

Thứ Tư, 23/11/2016, 08:11
“Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày tôi nhậm chức”. Tuyên bố nói trên của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang thực sự gây náo loạn thế giới.

Theo tin từ Hãng BBC, tuyên bố này được ông Donald Trump đưa ra hôm 21-11 trong một thông điệp bằng video. Cùng với tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng đã hé lộ phần nào kế hoạch hành động của mình ngay sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017.

Cụ thể, ông sẽ cắt giảm các quy định của chính phủ, hủy bỏ hạn chế đối với việc sản xuất năng lượng trong đó có sản xuất dầu đá phiến, khí đốt và than đá, chấm dứt những bê bối không nên có về visa…

Một số vấn đề khác trong đó có việc bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare và xây dựng bức tường ngăn cách ở vùng biên giới phía Nam với Mexico thì không được ông Donald Trump nhắc đến mặc dù đây là hai vấn đề trọng tâm từng được ông nói rất nhiều trong thời gian tranh cử Tổng thống.

Những người phản đối TPP cho rằng Hiệp định thương mại này giết chết các cơ hội việc làm ở Mỹ. Ảnh: Getty.

Phải nói là so với những ngày tháng “im hơi lặng tiếng” kể từ sau khi đắc cử thì tuyên bố mới này của ông Donald Trump đã gây sốc dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Chỉ vài giờ sau khi thông tin này được loan tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải trấn an dư luận bằng phát biểu sau phiên họp với các nhà lãnh đạo APEC ở Thủ đô Lima của Peru rằng TPP sẽ không kết thúc.

Ông Barack Obama nói: “Tôi đã gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị APEC. Tất cả các quốc gia này đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy TPP. Nếu Mỹ rút khỏi TPP, đây sẽ là một tổn thất lớn cho chính kinh tế Mỹ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì cho rằng, thỏa thuận thương mại TPP sẽ vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ. Nhưng, ông Shinzo Abe cũng kêu gọi các quốc gia thành viên TPP không nên trì hoãn nỗ lực phê chuẩn TPP hay từ bỏ thỏa thuận này. Trước đó, chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP.

Cùng quan điểm với Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nếu TPP không thể hiện thực hóa thì đây sẽ là một “mất mát to lớn”…

Chỉ riêng có Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là thể hiện sự mạnh mẽ bằng việc quyết theo đuổi TPP đến cùng. Ông Malcolm Turnbull cho rằng, TPP là một cam kết chiến lược quan trọng của Mỹ và chính quyền mới cũng như Quốc hội mới của Mỹ cần có thời gian để cân nhắc những ưu và khuyết điểm của hiệp định này.

Với Australia, Thủ tướng Malcolm Turnbull khẳng định: “Có thêm quyền tiếp cận thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu của Australia, cho dù đó là hàng hóa hay sản phẩm dịch vụ thì đó rõ ràng là vấn đề mà chúng tôi quan tâm”.

TPP là thỏa thuận được các Bộ trưởng đến từ 12 quốc gia trong đó có Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam chính thức ký kết từ hồi tháng 2 sau hơn 5 năm đàm phán. Đây được coi là Hiệp định tư do thương mại lớn nhất hơn 1 thập niên qua. TPP hiện đang trong giai đoạn 2 năm chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại khoảng trống lớn về ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hãng Reuters thậm chí còn gọi đây là “món quà vô giá” mà ông Donald Trump dành tặng cho Trung Quốc ngay sau khi lên nắm quyền. Chuyên gia phân tích Meredith Sumpter của Eurasia Group còn nhấn mạnh, một khi TPP bị đóng băng, chính quyền Bắc Kinh sẽ có thêm cơ hội để theo đuổi Hiệp định thương mại đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại khác ở châu Á- Thái Bình Dương, từ đó mở ra cơ hội củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á, Deborah Elms còn bi quan đến mức cho rằng, khi Mỹ rút khỏi TPP có nghĩa là sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu sẽ chấm dứt.

Sông Thương
.
.
.