Căng thẳng thương mại đẩy quan hệ Nhật - Hàn “chạm đáy”

Thứ Bảy, 03/08/2019, 23:18
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục leo thang lên một nấc mới khi cả Tokyo và Seoul đều tuyên bố loại nhau ra khỏi danh sách đối tác được hưởng quy chế thương mại ưu đãi, còn gọi là White Countries (Danh sách Trắng). Động thái này đã đẩy quan hệ giữa Tokyo và Seoul xuống mức thấp nhất kể từ khi hai quốc gia này bình thường hóa quan hệ vào năm 1965.


Phát biểu ngày 3-8, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Nhật Bản, cho rằng Tokyo “đã vượt quá giới hạn mà nước này không nên có”.

Ông nhấn mạnh: “Quyết định đó là hành động trả đũa lần thứ hai sau khi nước này áp đặt các quy định hạn chế xuất khẩu đối với các vật liệu chế tạo chip chủ chốt”. Thủ tướng Lee Nak-yon cũng cho rằng những động thái như vậy có thể “hủy hoại các mối quan hệ song phương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, thương mại tự do quốc tế và chế độ hợp tác kinh tế độc lập, đồng thời gây ra một mối rạn nứt trong liên minh an ninh 3 bên với Mỹ”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung Wha tại cuộc gặp ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Yonhap

Thủ tướng Hàn Quốc khẳng định: “Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc xử lý cứng rắn đối với vấn đề này”. Trước đó, phát biểu chủ trì phiên họp nội các khẩn cấp ngày 2-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định rằng, quyết định mới nhất của Nhật Bản đã ít nhiều gây tổn hại đến các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết căng thẳng giữa hai bên, thậm chí còn làm tình hình thêm tồi tệ.

Ông cảnh báo “một cách dứt khoát rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Động thái này của Chính phủ Nhật Bản rõ ràng nhằm mục đích tấn công và làm tổn thương nền kinh tế của Hàn Quốc bằng cách cản trở sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước này. Nếu Nhật Bản cố ý gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng tôi, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ có biện pháp đối phó”. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in vẫn lưu ý thêm rằng, ngay cả thời điểm hiện tại, phía Hàn Quốc vẫn không muốn áp dụng biện pháp “ăn miếng trả miếng”.

Cách tốt nhất để tình hình không xấu thêm đó là chính phủ Nhật Bản phải rút lại các biện pháp “đơn phương, không chính đáng” càng sớm càng tốt, đồng thời hướng theo con đường đối thoại để giải quyết căng thẳng.

Cùng ngày, sau khi chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các trợ lý cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang bày tỏ “lấy làm tiếc” trước quyết định của Nhật Bản. Người phát ngôn Quốc hội Hàn Quốc Han Min-soo dẫn lời ông Moon Hee-sang thể hiện sự thất vọng trước động thái mới của Chính phủ Nhật Bản, cho rằng nội các của Thủ tướng Shinzo Abe  phải chịu mọi trách nhiệm về các tác động tới ngoại giao, an ninh và kinh tế của quyết định này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki khẳng định, Seoul “sẽ tiếp tục tiến hành các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này theo phương thức ngoại giao, nhưng cũng sẽ loại Nhật Bản khỏi Danh sách Trắng và sẽ thực hiện quy trình để tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đang vi phạm các quy tắc của WTO”.

Trước đó cùng ngày, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn đề xuất loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng”. Theo quyết định trên, từ ngày 28-8 tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt từng đơn hàng.

Chính quyền Nhật Bản cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định đối với các đơn hàng xuất khẩu. Trong phản ứng đầu tiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết Seoul “quan ngại sâu sắc” trước quyết định mới của Nhật Bản, chỉ trích quyết định của Tokyo là “đơn phương và tùy tiện”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã bác bỏ chỉ trích trên và cho rằng biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Tokyo hoàn toàn phù hợp với các quy định của WTO. Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko khẳng định động thái mới của Tokyo không nhằm mục đích làm tổn hại tới quan hệ với Hàn Quốc.

Bộ trưởng Hiroshige Seko nhấn mạnh việc loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu tiên xuất khẩu đặc biệt từ Nhật Bản không đồng nghĩa với việc hạn chế thương mại và không gây tổn hại tới các mối quan hệ song phương hay có tác động tiêu cực tới các công ty Nhật Bản.

Trong bối cảnh trên, là đồng minh lớn của cả Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ kỳ vọng Seoul và Tokyo có thể sớm tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng. Phát biểu tại cuộc gặp ba bên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) diễn ra ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay liên quan tới quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời khẳng định sẵn sàng đóng vai trò làm dịu căng thẳng giữa hai nước đồng minh này của Mỹ. Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ khuyến khích hai đồng minh châu Á lớn nhất của Mỹ “tìm một con đường hướng tới tương lai” nhằm giải quyết tranh cãi, bất đồng đang có giữa hai bên.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Nhật Bản và Hàn Quốc “đều là những đối tác tuyệt vời của Mỹ”. Hai nước đều đang phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Do đó, việc giúp hai bên tháo gỡ bất đồng có vai trò quan trọng với Mỹ.

Dù muốn 2 đồng minh Nhật - Hàn giải quyết bất đồng, song Mỹ đến nay vẫn chưa thể hiện nhiều vai trò trung gian hòa giải. Theo cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Washington sẽ giữ vai trò trung lập trong vấn đề và muốn 2 nước tự giải quyết bất đồng.

Hiện Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ tranh chấp Nhật-Hàn, đặc biệt trước thềm hạn chót ngày 24-8 tới, khi hai nước quyết định có tiếp tục tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo thường niên hay không. Mỗi năm, thỏa thuận song phương về chia sẻ thông tin quân sự an ninh chung đều được tự động gia hạn với mục đích chống lại vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.