Căng thẳng Trung Quốc – Australia: Thêm dầu vào lửa!

Thứ Năm, 17/12/2020, 08:17
Căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc trong năm 2020 đã leo lên nấc thang mới, khi Australia ngày 16/12 tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì hành vi áp thuế lên sản phẩm lúa mạch của nước này. Tình hình không mấy khởi sắc trong quan hệ giữa hai nước dấy lên dự cảm về một cuộc chiến thương mại mới có thể xảy ra.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, Australia sẽ kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do nước này áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới 80,5% đối với lúa mạch của Australia – hành vi mà Australia coi là "thiếu cơ sở" và "không được củng cố bởi các sự kiện và bằng chứng". 

Ông Simon Birmingham cho hay, Australia có đầy đủ dữ liệu và phân tích để phục vụ tiến trình kiện tụng này. Hiện, Australia đã thông báo quyết định này với Trung Quốc và dự kiến trình lên WTO trong tối 16/12.

“Bấy lâu nay, Australia luôn bảo vệ tầm quan trọng của hợp tác và cam kết đa phương dựa trên luật lệ quốc tế. Với sứ mệnh đó, hoàn toàn phù hợp khi chúng tôi yêu cầu sử dụng quy tắc quốc tế và một trọng tài quốc tế độc lập để giải quyết tranh chấp. Australia hiện đang trong những tranh chấp như vậy và đó là lý do chúng tôi đệ đơn lên WTO”, Bộ trưởng Thương mại Australia tuyên bố. “Chúng tôi đề nghị trọng tài (WTO) phân xử độc lập và giải quyết tận cùng tranh chấp”, ông nói.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, vào đúng thời điểm Australia vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về sự xuất hiện và lây lan dịch COVID-19 tại Trung Quốc, nước này bất ngờ công bố áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với lúa mạch của Australia. Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành áp thuế 80,5% với các sản phẩm lúa mạch của Australia với cáo buộc “bán phá giá”, theo đó lập luận các đơn vị xuất khẩu của Australia đã bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài thấp hơn so với giá thị trường nội địa. Australia phủ nhận hoàn toàn cáo buộc này.

Theo The Guardian, Australia đã hy vọng giải quyết tranh chấp trong nội bộ hai nước, nhưng không nhận được phản hồi tích cực từ phía Trung Quốc, dẫn đến việc đệ trình lên WTO. Mặc dù việc đệ trình lên WTO là quyết định không hoàn hảo, và tiến trình giải quyết có thể kéo dài tới vài năm, nhưng các quan chức Australia cho rằng nước này không còn sự lựa chọn nào khác, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác cũng nên tham gia vào quá trình điều tra này.

Australia tuyên bố sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên WTO liên quan đến việc áp thuế sản phẩm lúa mạch. Ảnh: TND.

Trong khi đó, theo Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia đã cáo buộc chính phủ của ông Morrison “chính trị hóa các vấn đề”. “Trên thực tế, chính phía Australia đã và đang chính trị hóa các vấn đề kinh tế, đầu tư và công nghệ, đồng thời phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc kinh tế thị trường và quy tắc thương mại quốc tế”, đại diện phía Trung Quốc tuyên bố. “Chẳng có gì đáng lo nếu đó là sự trao đổi và hợp tác bình thường dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ các quy tắc. Ngược lại, điều đáng lo ngại đối với chúng tôi là những động thái dường như chính trị hóa và cản trở các hoạt động thương mại bình thường, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bất chấp các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế và thậm chí kích động đối đầu”, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc lập luận. Quan chức này cũng bày tỏ hy vọng Australia sẽ “đánh giá lại cách ứng xử của mình, thống nhất lời nói đi đôi với hành động, và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thực tế song phương trong nhiều lĩnh vực, thay vì ngược lại”. Trên thực tế, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất khi nhập khẩu tới một nửa sản lượng lúa mạch Australia. Mỗi năm, Australia xuất khẩu lượng lúa mạch trị giá từ 1,5 đến 2 tỷ đô la Australia sang thị trường Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc áp đặt thuế lên lúa mạch Australia, các nhà sản xuất Australia đã liên tục gặp khó khăn trong việc xuất khẩu rượu vang, tôm hùm, thịt bò, gỗ và bông sang Trung Quốc. Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về lệnh cấm nhập khẩu than của Australia có hiệu lực từ ngày 14/12, mặc dù phía Australia cho biết chưa hề nhận được thông tin này qua các kênh ngoại giao chính thức. Trong khi đó, ít nhất 50 tàu than chở đầy than của Australia đã không thể cập cảng Trung Quốc.

Sau một chặng đường ngắn đầy nồng ấm, mối quan hệ song phương Australia-Trung Quốc lại trở nên xấu đi, kể từ khi Canberra cấm tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia vào năm 2018. Năm 2020, Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, trực tiếp thổi lên ngọn lửa mâu thuẫn giữa hai bên.

Theo đó, phía Canberra đề nghị Bắc Kinh minh bạch quá trình điều tra, đồng thời cho rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nên một mình điều tra nguồn gốc COVID-19 mà nên có sự hợp tác quốc tế. Phía Trung Quốc lại nhận định, những lời kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19 là “nguy hiểm” và có tính chất “thao túng chính trị”. 

Trong một động thái trả đũa, đầu tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã vạch ra một danh sách “than phiền” về chính sách đầu tư nước ngoài, an ninh quốc gia và nhân quyền của Australia, yêu cầu xứ sở Kangaroo phải sửa chữa những sai phạm trên nếu muốn khôi phục mối quan hệ song phương với đối tác thương mại lớn nhất của họ.

An Nhiên
.
.
.