Các nước đối tác của EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga
- Mỹ - EU mâu thuẫn về biện pháp trừng phạt Nga
- Tổng thống Nga Putin: “Những biện pháp trừng phạt chống lại Nga là ngớ ngẩn”
Việc EU gia hạn các biện pháp trừng phạt lần này thực chất gia tăng áp lực lên các biện pháp trừng phạt trước đó của EU nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga.
Các lệnh trừng phạt chống lại Nga được các nước phương Tây áp đặt từ tháng 7-2014 với cáo buộc Moskva đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời tuyên bố sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng và rằng, các nước áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến các sự kiện ở Đông Nam Ukraine hay thậm chí ở Syria sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu vì mục tiêu chủ yếu của các lệnh trừng phạt là nhằm kiềm chế Nga, quốc gia đang củng cố vị thế trên trường quốc tế.
Theo đó, EU hiện cũng đang đối mặt với những tranh luận khó khăn về việc gia hạn trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, do vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Và thực tế đã chứng minh, khó phủ nhận rằng, EU phụ thuộc rất nhiều vào Nga chứ không độc lập như Mỹ. Trong đó có lĩnh vực năng lượng, kinh tế.
Cả EU và Nga đều chịu những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra. Ảnh minh họa |
Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất. Bên cạnh đó, Nga cũng đã chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả trong trường hợp Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Tuyên bố tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về dự luật tạm ngừng thỏa thuận với Mỹ về tái sử dụng plutoni, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh: “Chính sách trừng phạt của Mỹ lên Nga đã tiếp diễn trong một thời gian dài. Chúng tôi đã tận dụng thời gian này để thực hiện các nghiên cứu và chuẩn bị một loạt biện pháp sẽ áp dụng một cách hệ thống trong trường hợp các lệnh trừng phạt nặng nề hơn”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ryabkov không cho biết cụ thể các biện pháp ứng phó này. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không loại trừ khả năng Washington sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến tình hình Syria.
Đối với dự luật tạm ngừng thỏa thuận Nga-Mỹ về tái sử dụng plutoni, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng, các biện pháp của Mỹ đã làm thay đổi hoàn toàn các điều khoản tồn tại ở thời điểm kí kết xét theo quan điểm luật pháp quốc tế. Vì vậy, Nga hoàn toàn có quyền tạm ngừng thực hiện thỏa thuận này. Ngày 19-10, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật tạm ngừng thỏa thuận Nga-Mỹ về tái sử dụng plutoni.
Liên quan tới việc này, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ARD mới đây, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng chống lại việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga vì tình hình xung quanh Aleppo, Syria.
Cụ thể, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier lo ngại rằng, “việc dùng lại các giải pháp trừng phạt mà chúng ta đã áp dụng trong các cuộc xung đột trước đây sẽ không giúp ngăn chặn một thảm họa nhân đạo trong trường hợp của Syria, bởi vì các lệnh trừng phạt đã cản trở khả năng mở ra một hành lang nhân đạo. Thậm chí, ngược lại, chúng có thể khép lại cánh cửa cho các cơ hội đàm phán mà chúng ta đang rất cần”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nhận định, để giải quyết bài toán, Syria cần phải tập trung vào những gì có thể làm cho dân thường, đặc biệt là ở thành phố Aleppo. Trong đó, lưu ý tới các chính sách đã nhiều lần được đề cập đến đó là việc tạo ra các hành lang nhân đạo và áp dụng lệnh ngừng bắn trong một thời gian dài.
Không chỉ Đức phản đối về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, hôm 21-10, Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng cho rằng, lệnh trừng phạt kinh tế không nên là một phần trong chiến lược đó. Bởi lẽ, chúng không thể buộc Nga đàm phán giải pháp hòa bình.
Thủ tướng Renzi nhấn mạnh: “Chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để đạt được giải pháp hòa bình ở Syria, nhưng khó mà tưởng tượng rằng điều này liên quan đến việc trừng phạt Nga nhiều hơn”.