Các nước G20 kêu gọi chấm dứt căng thẳng thương mại Mỹ – Trung

Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:25
Trong một tuyên bố chung được công bố ngày 13-9, các bộ trưởng Ngân khố và Tài chính của Australia, Canada, Indonesia và Singapore – 4 quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc chấm dứt những căng thẳng thương mại hiện nay và tránh gây thiệt hại cho các quốc gia khác.


Các quốc gia trên đồng thời cảnh báo rằng, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến toàn bộ các hệ thống đa phương hiện nay đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trong tuyên bố, các lãnh đạo tài chính của 4 nước G20 nhấn mạnh thế giới cần phải ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Tuyên bố nêu rõ ở thời điểm hiện tại, căng thẳng thương mại gia tăng là một mối quan ngại nghiêm trọng. Mặc dù có những vấn đề chính đáng cần phải được giải quyết, nhưng những rủi ro do căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các hệ thống đa phương hiện nay đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Cũng theo tuyên bố trên, các hệ thống đa phương đã giúp đảm bảo an ninh kinh tế và sự ổn định chính trị, cho phép cả các nước lớn và các nước nhỏ phát huy tiềm năng. Những nước được thụ hưởng những hệ thống này cần có trách nhiệm bảo vệ chúng. Các nước cần hợp tác để tạo sự đồng thuận trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu.

Tuyên bố nhấn mạnh sự bất ổn định về triển vọng trong tương lại đang khiến cho hoạt động thương mại và sản xuất bị trì trệ. Thế giới đã chứng kiến sự quay trở lại của thị trường tài chính và tiền tệ bất ổn định và sự suy giảm dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi. Điều kiện thương mại toàn cầu bị suy yếu đang ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đầu tư kinh doanh và năng suất.

Theo đuổi việc đối đầu thay vì đối thoại sẽ chỉ làm trầm trọng thêm rủi ro, làm xói mòn niềm tin và làm suy yếu triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nước cần thực hiện các bước để đảo ngược xu hướng này, thúc đẩy hệ thống đa phương dựa trên các quy tắc, bảo vệ thị trường tự do và mở cửa để đảm bảo sự tăng trưởng mạnh hơn và sự thịnh vượng hơn cho tất cả các nước.

Tuyên bố chung của 4 nước G20 được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12-9 thông báo sẽ hoãn áp đặt mức tăng thuế thêm 5% đối với hàng hóa Trung Quốc trước khi các cuộc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nối lại vào tháng tới.

Cũng liên quan tới cuộc thương chiến Mỹ - Trung, tại cuộc họp báo định kỳ ngày 12-9, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice nhận định cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu mất 0,8%, tăng 0,3% so với dự đoán trước đó, trong năm 2020 và gây nhiều thiệt hại hơn trong những năm sau đó.

Những căng thẳng thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, vốn đang đối mặt với những thách thức như hoạt động chế tạo yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. IMF trước đó dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các bất đồng thương mại khác đã đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Ông Gerry Rice cho rằng, những căng thẳng thương mại không chỉ là một mối đe dọa, mà đang thực sự bắt đầu làm giảm sút động lực của nền kinh tế toàn cầu. Theo người phát ngôn IMF, định chế toàn cầu này sẽ công bố báo cáo đánh giá mới về triển vọng kinh tế trong tháng tới, song không đề cập thêm các chi tiết.

Khi được hỏi về khả năng suy thoái của kinh tế toàn cầu, ông Gerry Rice cho hay báo cáo mới về triển vọng kinh tế sắp tới sẽ cho thấy những đánh giá rõ ràng đồng thời nhấn mạnh đến việc IMF đã sử dụng những từ ngữ như “rất bấp bênh”, “rất mong manh” và “dễ vỡ” khi đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu. Hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn đình trệ, với những căng thẳng thương mại và các yếu tố địa chính trị đã gây bất ổn và làm xói mòn lòng tin kinh doanh, đầu tư và thương mại.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Evan Greenberg tại Bắc Kinh hôm 12-9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết, nhóm làm việc Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau vào tuần tới, các nội dung được đưa ra bàn thảo là những vấn đề mà hai bên hiện đang quan tâm, như cán cân thương mại, khả năng tiếp cận thị trường cũng như những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư.

Ông Lưu Hạc cũng hoan nghênh việc Washington quyết định hoãn tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, và nhấn mạnh, cả thế giới trông đợi những tiến triển đàm phán giữa hai bên. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lùi thời hạn tăng thuế, không chỉ chính giới, mà dư luận Trung Quốc cũng đã phản ứng tích cực trước động thái này.

Các hãng truyền thông lớn của Bắc Kinh, như Nhân dân Nhật báo, Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đăng các bài bình luận, khẳng định việc cần thiết phải thể hiện thiện chí và thông qua các hành động thực tế nhằm tạo điều kiện cho việc nối lại đàm phán.

Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng do giai đoạn phát triển, chế độ kinh tế khác nhau, nên các vấn đề về kinh tế thương mại giữa hai bên đan xen phức tạp, sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều và cần nhiều hơn nữa những thiện chí và cả thành ý cũng như hành động, để hai bên có thể tiếp tục đàm phán và đi đến một kết quả thực chất.

Khổng Hà (th)
.
.
.