Những dấu ấn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
- Bán đảo Triều Tiên: Năm của những hội nghị thượng đỉnh!
- 3 kịch bản thống nhất bán đảo Triều Tiên
- Kỳ vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Một kỷ nguyên mới cho bán đảo Triều Tiên đang được chào đón, trong đó sẽ không còn vũ khí hạt nhân và thiết lập một nền hòa bình lâu dài; còn CHDCND Triều Tiên sẽ bước vào giai đoạn mới, tập trung phát triển kinh tế, mở cửa hội nhập vào khu vực cũng như thế giới.
Sự kiện đầu tiên hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là Thế vận hội Mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai tổ chức tại Pyeongchang trong tháng 2-2018 với chủ đề “Peace in Motion” (“Nền hòa bình đang chuyển động”).
Tại đây, các vận động viên Đoàn thể thao Triều Tiên không chỉ nhận lời mời tới tham dự mà còn cùng với các vận động viên Hàn Quốc chung màu áo và cầm cờ diễu hành trong buổi khai mạc.
Sau hành động đầy ý nghĩa này của đoàn thể thao hai nước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thống nhất hai bên cùng phối hợp đăng cai tổ chức Olympic 2032 trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng sẽ vận động để cùng đăng cai Đại hội thể thao châu Á vào năm 2021.
Hợp tác trong thể thao đã trở thành một phần của nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hòa giải và hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên.
Dấu ấn tiếp theo là cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-4-2018 tại khu vực phi quân sự với kết quả: hai bên ký Tuyên bố chung với chủ đề bao trùm là nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai miền Triều Tiên; tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện hướng tới tương lai thịnh vượng và thống nhất đáp ứng khát vọng của toàn dân tộc cũng như yêu cầu cấp thiết của thời đại; cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, coi việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn lâu hơn nữa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng hai Phu nhân trên đỉnh núi thiêng Paekdu. |
5 tháng sau, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 được tổ chức tại Bình Nhưỡng. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà khách quốc gia Paekhwawon, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh rằng, cuộc gặp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa và không có mối đe dọa.
Sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng nhau đi thăm núi Paekdu nằm trên biên giới với Trung Quốc và là nơi linh thiêng nhất đối với người dân hai miền Triều Tiên.
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, được đến thăm núi Paekdu là một trong những tâm nguyện lớn của đời ông. Trước đó, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặt chân đến sân bay dưới chân núi này, hàng ngàn người dân Triều Tiên xếp hàng cầm cờ hai nước chào đón ông và hô vang "Tổ quốc! Thống nhất!".
Để lại dấu ấn đặc biệt cảm động là hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng nắm chặt tay nhau giơ lên cao khi hai người đứng bên nhau trên núi Paekdu. Sự kiện này là biểu tượng thiêng liêng chưa từng có về tình đoàn kết dân tộc, phát đi một thông điệp với toàn thế giới rằng người dân hai miền Triều Tiên khát khao hướng tới hòa bình...
Chưa hết, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới bên hồ Thiên Đường trên núi Paekdu, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim nói: "Chúng ta nên viết thêm chương mới trong lịch sử giữa Miền Bắc và Miền Nam bằng việc đưa vào đó câu chuyện bên hồ Thiên Đường này".
Bà Ri Sol Ju, phu nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un góp lời: “Có một câu ngạn ngữ mô tả rằng chúng ta đón mặt trời ở Paekdu và đón sự thống nhất ở Halla".
Theo truyền thuyết lưu hành ở Triều Tiên, núi Paekdu là điểm cao nhất trên bán đảo này (cao 2.750 m), là nơi khởi nguồn tổ tiên của người Triều Tiên, từng được nhắc đến trong Quốc ca Hàn Quốc và nhiều chương trình tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước của Triều Tiên.
Chính quyền Bình Nhưỡng cho biết, ông nội và thân sinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il đều được sinh ra trên ngọn núi này. Ở Paekdu có nhiều căn cứ bí mật và di tích lịch sử gắn liền với hoạt động đấu tranh chống quân phiệt Nhật xâm lược Triều Tiên từ thời ông Kim Nhật Thành trong những năm 1930-1940.
Còn đối với đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngọn núi thiêng này có ý nghĩa rất lớn. Cha mẹ ông Moon Jae-in đã rời Triều Tiên trong thời gian chiến tranh (1950-1953), còn ông được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 1953.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng chia sẻ trong cuốn sách được xuất bản năm 2017: "Sau khi thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên, việc đầu tiên tôi sẽ làm là đưa thân phụ của tôi nay đã 90 tuổi tôi trở về thăm quê hương".
Và trong lần đầu tiên trở lại Triều Tiên với cương vị Tổng thống Hàn Quốc, tối 19-9-2018, ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nắm tay nhau đứng dưới lá cờ “Bán đảo Triều Tiên thống nhất”, theo dõi màn biểu diễn tại sân vận động May Day ở Thủ đô Bình Nhưỡng với chủ đề "Đất nước Vinh quang".
Trong quan hệ với Mỹ, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa “trút bão lửa và thịnh nộ” và sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, ngày 8-3-2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ đưa ra thông báo Bình Nhưỡng quyết định ngừng mọi cuộc thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa và sẵn sàng mời Tổng thống Mỹ tới cuộc gặp thượng định Mỹ-Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời và ngày 12-6-2018 đã đi vào lịch sử nền chính trị thế giới trong thế kỷ XXI với sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc tốt đẹp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore với kết quả hai bên ký Tuyên bố chung.
Đây là điều vượt quá mọi sự mong đợi của thế giới, tạo cơ sở để thiết lập nền hòa bình bền vững sau hơn nửa thế kỷ bán đảo Triều Tiên luôn ở trong trạng thái chiến tranh với vô vàn sự nghị kỵ và các hành động xung đột, còn Mỹ và Triều Tiên đe dọa chiến tranh nhằm vào nhau.
Tuyên bố chung Mỹ-Triều nhấn mạnh, Mỹ và Triều Tiên nhất trí cùng nhau xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, theo đó Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn Triều Tiên khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Tháng 9-2018, nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Mỹ để dự Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn nhờ gửi một lá thư tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó khẳng định Triều Tiên chủ trương phi hạt nhân hóa để tập trung phát triển kinh tế.
Ngạc nhiên, trân trọng “tấm thịnh tình” của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là một "lá thư phi thường" đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng nhanh chóng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2.
Trả lời báo giới tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhìn thấy một tương lai tuyệt vời cho Triều Tiên. Chúng tôi trông chờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 mà tôi tin là sẽ diễn ra rất sớm".
Rồi phát biểu tại Diễn đàn Đại hội đồng LHQ ngày 25-9-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngớt lời ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hoàn toàn trái ngược những lời lẽ nặng mùi chiến tranh như như tại Diễn đàn Đại hội đồng LHQ năm 2017.
Ông Donald Trump mô tả: “Các tên lửa không còn bay đi mọi hướng. Các vụ thử hạt nhân cũng bị dừng lại và một số cơ sở quân sự đang bị phá hủy, các con tin được thả và việc trao trả hài cốt binh lính Mỹ cũng đang được diễn ra. Tôi muốn cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên vì những bước tiến mà ông ấy đã đi qua. Thực sự, Chủ tịch Kim vô cùng cởi mở và xuất sắc. Tôi nghĩ ông ấy muốn chứng kiến điều gì đó xảy ra".
4 ngày sau, tại một sự kiện được tổ chức ở Wheeling, phía Tây Virginia (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bày tỏ một cách hóm hỉnh rằng ông “phải lòng” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi hai người trao đổi những lá thư cá nhân trong thời gian qua-một tín hiệu tích cực chứng tỏ Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Với những dấu ấn hướng tới hòa bình trong năm 2018, hy vọng trong năm 2019 sẽ có những diễn biến tích cực hơn, nếu không muốn nói là đột phá, trong quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên cũng như trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên.