Bề nổi của tảng băng chìm

Chủ Nhật, 06/09/2020, 08:00
Hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong thời gian qua tại phía Đông Địa Trung Hải đã khiến bầu không khí ở vùng biển này “nóng” hơn bao giờ hết. Vậy điều gì đã kích động cuộc đối đầu Ankara - Athens hiện nay?

Nhìn bề ngoài, có vẻ như đây là cuộc tranh cãi về việc quốc gia nào sở hữu nguồn khí hydrocarbon tiềm năng dưới đáy biển phía Đông Địa Trung Hải. Hy Lạp nói rằng âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thăm dò nguồn dầu khí tại vùng biển ngoài khơi Crete mà họ cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hy Lạp rõ ràng là hành vi vi phạm chủ quyền và luật quốc tế. 

Tương tự, đảo quốc nhỏ bé Cyprus cũng cáo buộc Ankara tiến hành “hành động cướp biển” và “ngoại giao tàu chiến” khi điều động các tàu hộ tống ngoài khơi bờ biển của Cyprus, ngay cả tại những khu vực được cấp phép cho các công ty năng lượng lớn để thăm dò dầu khí như tập đoàn Total của Pháp. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đang làm những gì cần thiết để bảo vệ các quyền của họ đối với nguồn tài nguyên năng lượng. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ còn sâu xa hơn thế. Động thái của Ankara phù hợp với tham vọng chiến lược để trở thành người chơi toàn cầu và lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, với quyền lực và ảnh hưởng có thể định hình khu vực theo tầm nhìn của họ. Ông Ian O. Lesser, nhà phân tích chính trị tại viện nghiên cứu German Marshall Fund ở Mỹ, nói: “Động cơ của họ không phải là vì năng lượng. Nó là vì tầm nhìn rộng hơn và ngày một tham vọng về các lợi ích của chính họ trong khu vực”. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang cạnh tranh với các đối thủ chính trị trong nước và vật lộn với nền kinh tế yếu kém. Lisel Hintz, Giáo sư tại Trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng Ankara cũng muốn chống lại cái mà họ cho là quan hệ đối tác thù địch dựa trên năng lượng giữa Hy Lạp, Cyprus, Israel và Ai Cập nhằm loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận biên giới trên biển mà Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với Libya đầu năm nay một phần nhằm cho thấy rằng không một kế hoạch năng lượng nào trong khu vực có thể diễn ra mà không có sự tham gia của Ankara.

Hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại phía Đông Địa Trung Hải bị xem là gây bất ổn khu vực và sẽ không thể lôi kéo bất kỳ đồng minh nào. Nhà phân tích Lesser nói: “Họ sẽ không thể lôi kéo được bất kỳ người ủng hộ nào, cho dù ở bất kỳ đâu bên bờ Đại Tây Dương”. 

Hy Lạp và Cyprus, 2 nước thành viên EU, đã mời Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào quan hệ đối tác năng lượng chừng nào Ankara từ bỏ các chiến thuật nạt nộ và tuân thủ các luật lệ. Tuy nhiên, theo ông Lesser, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không quan tâm đến những gì họ cho là sẽ kiềm chế họ và cản trở các tham vọng lớn hơn của họ trong khu vực. Chiến lược ngoại giao do Đức dẫn đầu để đưa hai bên “rút quân” và bắt đầu ngồi lại đối thoại đến nay vẫn chưa đạt được kết quả.

Tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều tới hoạt động ở phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: Greek City Times.

Khối EU với 27 thành viên đã chao đảo giữa những lời kêu gọi lắng dịu tình hình và bàn về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược ngoại giao của EU hay các lời kêu gọi từ Mỹ - quốc gia hiện có ảnh hưởng suy yếu tại Thổ Nhĩ Kỳ - có thể thành công trong việc kiềm chế Ankara hay không. 

Ông Lesser nói: “Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác châu Âu cũng như trên toàn bộ Đại Tây Dương đang ở mức bất ổn, hiện rất khó để tiếp tục tiến hành phương cách ngoại giao như vậy với Ankara”. 

Liệu có lựa chọn pháp lý nào cho tranh cãi lần này hay không? Tất cả các bên đều khẳng định các biên giới trên biển và tuyên bố về các quyền trong EEZ của họ tại phía Đông Địa Trung Hải là phù hợp với luật quốc tế, nên một phiên tòa để giải quyết vấn đề này dường như là giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, ông Lesser cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn lựa chọn cách giải quyết pháp lý bởi họ không ở thế “cửa trên” do nhiều yêu sách của họ trái ngược với luật quốc tế được công nhận.

Với động thái mới nhất ở phía Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ “quá sức” trong bối cảnh họ đang duy trì hiện diện quân sự cả ở Libya và Syria. Song, một số chiến dịch thành công của họ ở hai quốc gia này có thể củng cố mục tiêu của Ankara nhằm theo đuổi các lợi ích của họ với phí tổn có thể chấp nhận được, đặc biệt tại các khu vực quanh Hy Lạp và Cyprus, nơi mà dư luận Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lập trường của ông Erdogan.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 4-9 bày tỏ hoan nghênh đối với sáng kiến của NATO về các cuộc đối thoại kỹ thuật giữa nước này và Hy Lạp để thúc đẩy cơ chế giảm căng thẳng trên biển.

Ông nhấn mạnh, Ankara sẵn sàng đối thoại với Athens nhằm tìm kiếm giải pháp, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ: “Chúng tôi ủng hộ các cuộc đối thoại để giảm căng thẳng. Tuy nhiên không nên cho rằng ủng hộ đối thoại nghĩa là lập trường của chúng tôi đang bị suy yếu đi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của mình, sẽ không có bất cứ sự thỏa hiệp nào về vấn đề này”.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật nhằm giảm nguy cơ xung đột vũ trang trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đồng minh của NATO leo thang tại khu vực ngoài khơi giàu tài nguyên năng lượng tại Đông Địa Trung Hải. 

Ông nhấn mạnh cuộc đối thoại được bắt đầu ngày 3-9 này chỉ nhằm mục đích tránh xảy ra các sự cố giữa hai bên tại Đông Địa Trung Hải và rất khác so với các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp dài hạn cho thế bế tắc hiện nay. 

Tuy nhiên, Hy Lạp kiên quyết bác bỏ thông tin nước này đã đồng ý đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự trung gian của NATO nhằm giảm căng thẳng tại khu vực Đông Địa Trung Hải, đồng thời nhấn mạnh việc giảm căng thẳng sẽ chỉ diễn ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức rút toàn bộ tàu ra khỏi thềm lục địa Hy Lạp. 

Minh Hải      

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.