Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và sức nặng của nhóm cử tri trung lập
- Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Tổng thống Trump sẽ "lên hương" hay gặp ác mộng?
- Bầu cử Mỹ: Sức “nóng” giữa nhiệm kỳ
Sức nặng của nhóm cử tri trung lập
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, một trong những nhóm cử tri giúp ông Donald Trump giành chiến thắng ngoài sự mong đợi trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton chính là nhóm cử tri trung lập. Tỷ lệ ủng hộ tăng đột biến trong nhóm cử tri này, với 46% ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa và 42% ủng hộ cho ứng cử viên đảng Dân chủ tại các bang “chiến trường”, nhất là những bang còn do dự, đã bất ngờ giúp đưa một “người ngoại đạo” trở thành người đứng đầu nước Mỹ.
Sau cuộc bầu cử, tờ Washington Post của Mỹ đã có bài viết phân tích lý do khiến các cử tri trung lập bị thu hút bởi ứng cử viên được cho là không có kinh nghiệm gì về chính trường và chưa từng nắm giữ một chức vụ quan trọng nào trong chính phủ Mỹ là do họ mong muốn được chứng kiến sự thay đổi thực sự trong chính trường Mỹ khi đã quá bất mãn và lo lắng về tình hình kinh tế cũng những gì lặp đi lặp lại trong suốt 8 năm dưới chính quyền của đảng Dân chủ và ông Donald Trump được hy vọng là làn gió mới mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump. |
Tuy nhiên, hiện nay, đây dường như lại chính là nhóm cử tri đang quay lưng lại với Tổng thống Donald Trump và có khả năng tác động lớn tới kết quả của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Theo một cuộc thăm dò mới nhất do hãng CNN thực hiện, tỉ lệ ủng hộ của các cử tri độc lập đối với người đứng đầu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa đã giảm từ 47% xuống còn 31% vào tháng 8-2018, giảm một điểm so với mức ủng hộ thấp nhất của nhóm cử tri độc lập là 32% vào tháng 11-2017 và 4 điểm thấp hơn so với mức ủng hộ thấp nhất của ông trước đó là 35% của năm 2018. Kết quả của một cuộc thăm dò khác do Washington Post-ABC News thực hiện hồi cuối tháng 8 vừa qua cũng cho thấy tỉ lệ ủng hộ của nhóm cử tri này giảm xuống mức 35%.
Theo giới phân tích, sự sụt giảm niềm tin đối với Tổng thống Donald Trump và đảng của ông dẫn tới tỷ lệ ủng hộ giảm đáng kể trong nhóm cử tri độc lập này do những cơn sóng gió mà ông phải đối mặt trong thời gian vừa qua; trong đó có chính sách chia tách trẻ em nhập cư khỏi cha mẹ chúng, cuộc chiến pháp lý của cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử và cựu luật sư riêng của ông, chính sách đối ngoại liên quan đến CHDCND Triều Tiên.
Hay những tuyên bố bất nhất của ông sau cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cuốn sách “Nỗi sợ: Ông Trump trong Nhà Trắng” sắp được công bố của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward phơi bày những bất đồng trong chính quyền Mỹ hiện nay, hay bài xã luận được cho là của một viên chức quản lý cấp cao ẩn danh thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump mô tả về một cuộc “phản kháng ngầm” ngay trong chính nội bộ chính quyền, nhằm phá hỏng chương trình nghị sự và những ý muốn tồi tệ nhất của Tổng thống.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, một số lượng lớn người Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2016 là những người không phải thích vị tỷ phú địa ốc này mà chỉ đơn giản là muốn chọn một người “ngoại đạo” do họ quá thất vọng với những chính trị gia chuyên nghiệp và sẵn sàng cho ông Donald Trump một cơ hội để thử.
Và giờ đây, nhiều người trong số cử tri này không còn muốn ủng hộ cho Tổng thống Donald Trump và những ứng cử viên Thượng viện ủng hộ chương trình nghị sự của ông. Kết quả của cuộc thăm dò của CNN về tỷ lệ người yêu thích Tổng thống Trump tiếp tục giảm và xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng với hơn sáu trong số 10 cử tri (chiếm 61%) so với tỉ lệ 55% vào tháng Sáu vừa qua.
Tỷ lệ không ủng hộ ngày càng cao này trong nhóm cử tri độc lập, một trong số nhóm cử tri đông nhất đi bỏ phiếu mà có khả năng tác động tới kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ, cho thấy những cử tri này hiện coi Tổng thống Donald Trump và canh bạc cho sự thay đổi là một điều tồi tệ.
Lợi thế của ông chủ Nhà Trắng
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ vẫn có một số lợi thế nhất định trong cuộc bầu cử giữa kỳ này. Thứ nhất, phải nhắc đến nền kinh tế Mỹ vững mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng chắc chắn. Thứ hai, những tiếng nói chỉ trích tổng thống trong nội bộ đảng Cộng hòa giờ im lặng: ngoài Thượng nghị sĩ John McCain qua đời, rất nhiều thượng nghị sĩ khác quyết định “nghỉ hưu”.
Ngoài ra, trong nội bộ người ủng hộ thuộc đảng Cộng hòa, chủ nhân Nhà Trắng đang có điểm tín nhiệm thuộc top chưa từng có tính đến thời điểm hiện tại của nhiệm kỳ đầu. Số cử tri bảo thủ này không quan tâm đến các vụ điều tra liên quan đến Nhà Trắng: vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, dùng tiền mua sự im lặng của hai người tình của nhà tỉ phú địa ốc, trước khi trở thành tổng thống...
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những tín hiệu khó khăn mới đang cản trở đảng Dân chủ Mỹ hướng tới mục tiêu nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 6-11 tới. Sau kết quả thăm dò mới nhất ở những khu vực bầu cử địa phương (cấp quận - nơi có sự cạnh tranh nhất trên toàn nước Mỹ), cuộc tranh đấu nhằm kiểm soát Hạ viện vẫn diễn ra quyết do tỷ lệ dẫn trước của đảng Dân chủ so đối với đảng Cộng hòa không có nhiều cách biệt.
Cuộc thăm dò được thực hiện ở 69 quận, trong đó có 63 quận thuộc các nghị sỹ Cộng hòa đương nhiệm, cho thấy cử tri đã bầu cho các ứng cử viên Cộng hòa với tỷ lệ cao trong kỳ bầu cử năm 2016 và để kiểm soát Hạ viện sau ngày 6-11 tới, đảng Dân chủ phải giành được ít nhất 23 ghế ở các khu vực bầu cử này.
Cuộc thăm dò này chỉ ra một số điều chỉnh nhỏ về tỷ lệ ủng hộ với 50% hiện tại đang nghiêng về các ứng cử viên đảng Dân chủ ở các quận của họ, trong khi 47% dành cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Các ứng cử viên của hai đảng đang đẩy mạnh vận động ở 48 quận “chiến trường” - những khu vực mà ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, đảng Dân chủ đang nắm lợi thế ở 21 quận “chiến trường” từng ủng hộ cho ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ cho các ứng cử viên đảng Dân chủ ở 21 quận trên bắt đầu thu hẹp từ đầu tháng 10 này.
Hầu hết các cử tri Mỹ khi thể hiện sự ủng hộ đối với đảng này thì cũng cho thấy quan điểm tiêu cực với đảng còn lại. Tuy nhiên, 10% số người được hỏi lại thể hiện sự không hài lòng đối với cả hai đảng. Các cử tri cũng đưa ra xu hướng quan điểm phức tạp đối với cả hai đảng như tỷ lệ ủng hộ và không ủng hộ đối với đảng Dân chủ tương ứng 48-52%, trong khi chỉ số này ở đảng Cộng hòa là 47-53%.