Bàn tròn “An ninh và ổn định ở biển Đông”

Thứ Sáu, 03/06/2016, 08:43
Diễn ra vào cuối ngày 1-6 bên lề Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 ở thủ đô Kualar Lumpur, phiên thảo luận với chủ đề “An ninh và ổn định ở biển Đông: các khả năng xảy ra trong bối cảnh phức tạp” đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về tình hình ở khu vực này cũng như những cảnh báo đầy sức thuyết phục về hệ quả từ các hành động đơn phương xây dựng đảo nhân tạo và lấn chiếm biển trái phép.


Từ những nghiên cứu của giới học giả

Với vai trò điều phối phiên thảo luận, TS Philips Vermonte, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia đã đưa các diễn giả vào những tranh luận xung quanh vấn đề vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc tại tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan và vai trò của ASEAN trong vấn đề này.

Các diễn giả đều khẳng định, ASEAN có vai trò quan trọng trong vấn đề biển Đông và để tạo ra tình trạng ổn định ở khu vực này, Trung Quốc và ASEAN cần phải sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). 

Riêng TS Aries A Arugay - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển Philippines thì nhận định rằng, phán quyết của PCA có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định cách tiếp cận của Philippines đối với vấn đề tranh chấp ở biển Đông. 

TS Aries A Arugay nói: “Nếu phán quyết sắp tới của tòa án tuyên bố có lợi cho chúng tôi thì điều đó giúp chúng tôi có thêm lợi thế và tự tin để tiến hành các bước tiếp theo”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30. Ảnh: Bernama.

Cũng nói về vấn đề này, TS Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (trước đây là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore nhận định: “Nếu PCA ra phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc, điều này đồng nghĩa Bắc Kinh không có quyền tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và lãnh hải quanh những đảo nhân tạo phi pháp”. 

Còn nhà nghiên cứu James Kraska thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ thì cho rằng, phán quyết của PCA thiên về phía Philippines sẽ tạo động lực cho những quốc gia khác trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tiếp tục đệ đơn kiện Bắc Kinh, vì họ có khả năng thắng…

Tuy nhiên, các học giả cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể hung hăng hơn trong vấn đề biển Đông và nước này có thể hủy hoại vĩnh viễn hệ sinh thái ở biển Đông thông qua việc gia tăng các hoạt động cải tạo và xây đảo nhân tạo. 

Báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (thuộc Quốc hội Mỹ) trình Quốc hội hồi trung tuần tháng 4 vừa qua cho biết, kể từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu biến 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành đảo nhân tạo trái phép với tổng diện tích trên 12km². 

Trung Quốc còn xây đường băng, cơ sở quân sự và điều máy bay quân sự ra đảo nhân tạo. Các tàu hút bùn đã khuấy tung những rạn san hô và bóp chết chúng trong quá trình bồi lấn. Điều tồi tệ nhất là những tác hại này sẽ kéo dài vĩnh viễn. Một khi rạn san hô bị chôn dưới hàng tấn cát và sỏi, nó không bao giờ khôi phục được. 

GS về sinh vật biển John McManus của trường Đại học Miami (Mỹ) cho biết, vùng biển Đông có giá trị thương mại lên tới hàng ngàn tỷ USD/năm và chiếm 1/10 trữ lượng cá toàn thế giới. Hành động của Trung Quốc đang hủy hoại hoàn toàn vùng biển này.

Đến hành động của các quốc gia láng giềng

Theo tin từ tờ Strait Times, trước những cảnh báo ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế nhằm vào mình, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tìm kiếm sự ủng hộ trên thế giới. Nước này tuyên bố có hơn 40 quốc gia ủng hộ “đường lưỡi bò” ở biển Đông nhưng trên thực tế đây phần lớn là những nước nghèo ở châu Phi và không hề biết đến những hành động gây hấn của Bắc Kinh tại biển Đông. 

Hôm 1-6 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã tới thủ đô Ottawa của Canada và thảo luận về những căng thẳng địa chính trị ở vùng biển châu Á. Nhưng xem ra, Trung Quốc cũng khó mà thuyết phục Canada đứng sau hậu thuẫn cho những hành động phi pháp nói trên của mình.

Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông bắt đầu có những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền của mình. Ngoài Philippines đang theo đuổi vụ kiện ở PCA còn có Malaysia, Indonesia. 

Chính quyền Jakarta trong thời gian qua đã liên tục cho bắt giữ, thậm chí phá hủy tàu thuyền của nước ngoài (đặc biệt là của Trung Quốc) nếu phát hiện có vi phạm vùng lãnh hải nước này. Riêng Malaysia trong thời gian gần đây đã gia tăng hoạt động nhằm ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. 

Cụ thể, gần 2 tuần sau khi hàng trăm tàu của Trung Quốc xuất hiện tại vùng lãnh hải nước này, Malaysia tuyên bố thiết lập một căn cứ hải quân gần Bintulu, phía Nam thành phố Miri. Trực thăng, máy bay do thám và lính đặc nhiệm cũng chuẩn bị được triển khai đến căn cứ để bảo vệ khu vực giàu dầu mỏ này. 

Hãng Reuters thì dẫn lời một quan chức quân đội cấp cao của Malaysia cho rằng, Kuala Lumpur giờ đây cần phải đứng lên chống lại những hành vi xâm nhập lãnh hải Malaysia do Trung Quốc tiến hành. 

Hôm 31-5, tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein đã nhấn mạnh, hai thách thức an ninh lớn nhất trong khu vực hiện nay chính là chủ nghĩa khủng bố và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và rằng quan điểm của Malaysia về vấn đề biển Đông là mọi tranh chấp nên được các bên liên quan giải quyết một cách thân tình thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tuân theo các quy tắc được công nhận phổ quát của luật pháp quốc tế.

Huyền Chi
.
.
.