Ấn Độ và Hoa Kỳ kêu gọi tuân thủ phán quyết về Biển Đông

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:52
Cùng lên án khủng bố dưới mọi hình thức, hai đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ đã cùng đưa ra một tuyên bố chung trong ngày 31-8, khẳng định sự quan tâm của hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố, mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia và đặc biệt là vấn đề biển Đông.



Chính quyền New Delhi và Washington đều nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Philippines phải tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và không được dùng quân sự làm giải pháp cho vấn đề này.

Hôm 30-8, tại diễn đàn Thương mại và chiến lược được tổ chức hàng năm, New Delhi và Washington cũng một lần nữa khẳng định nỗ lực đưa Ấn Độ sớm gia nhập nhóm các quốc gia cung ứng nguyên liệu hạt nhân (NSG). Mỹ đã kêu gọi các thành viên của NSG cùng ủng hộ Ấn Độ vì lợi ích chung.

Đặc biệt, trong tuyên bố chung được đưa ra cùng ngày, chính quyền hai nước cũng lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức và khẳng định những nỗ lực để ngăn chặn và tiêu diệt khủng bố, đặc biệt là nhắm vào những tổ chức cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, Lashkar-e-Taiba, Jaish-e-Mohammad, D Company, Haqqani Network…

Cùng với đó, Mỹ và Ấn Độ cũng kêu gọi Pakistan sớm đưa những kẻ chủ mưu trong vụ đánh bom ở Mumbai năm 2008 và vụ đánh bom ở Pathankot năm 2016 ra trước ánh sáng công lý.

Theo tin từ hãng DNAIndia, gần 2 tháng sau khi tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982, Ấn Độ và Trung Quốc lần đầu tiên đã cùng kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình ở khu vực biển Đông và không làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thương ở khu vực này.

Hai quốc gia này nhấn mạnh sự tự do hàng hải, tự do hàng không trên khu vực biển Đông và khẳng định rằng các quốc gia phải tuân thủ đúng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: The Hindu

Phát biểu trước giới sinh viên tại thủ đô New Delhi trong chuyến công du Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho rằng, quân sự không phải là giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Ông John Kerry nhấn mạnh, phán quyết của tòa trọng tài là phán quyết hợp pháp và có tính ràng buộc đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông. Đây cũng là cơ hội quan trọng để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp như hiện nay, thể hiện việc tôn trọng luật pháp quốc tế và đóng góp cho hòa bình cũng như thịnh vượng ở khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Mỹ ủng hộ những nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng con đường ngoại giao.

Về phía Ấn Độ, trong thời gian gần đây, nhất là từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, New Delhi luôn khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do thương mại ở biển Đông.

Trong khi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tổ chức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào đầu tháng 9 tới, Trung Quốc đã rất lo ngại việc Ấn Độ có thể nêu vấn đề biển Đông, nhất là sau khi Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài.

Hãng tin Bloomberg cho biết, Bắc Kinh đã áp dụng chiến thuật truyền thống là “cây gậy và củ cà rốt” đối với New Delhi trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi tuần trước.

The Diplomat có bài viết phân tích rằng, trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã đưa ra một “cái giá” đối với Ấn Độ rằng nếu Ấn Độ nêu vấn đề biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 thì Trung Quốc sẽ “trả thù” trong hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Ngược lại, nếu New Delhi tránh đề cập đến vấn đề này thì Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong việc gia nhập nhóm NSG. Nhưng xem ra thủ thuật này của Trung Quốc có vẻ không hiệu quả. New Delhi vẫn kiên trì quan điểm của mình về vấn đề biển Đông.

Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Mỹ, Indonesia và Nhật Bản hôm 30-8 đã tuyên bố sẽ chính thức nêu vấn đề biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Còn Philippines, một bên tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông cũng đã tuyên bố rằng, Trung Quốc phải công nhận phán quyết của tòa trọng tài.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Philippines hôm 30-8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nói: “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn để Trung Quốc hiểu rõ về tầm quan trọng của phán quyết này. Nếu họ không tôn trọng và cũng không công nhận phán quyết của tòa án, một ngày nào đó họ sẽ trở thành bên “thua cuộc” trong vấn đề này”.

Ông Perfecto Yasay cũng cho biết, trước khi tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc về biển Đông, Manila đã có kế hoạch về việc phải đạt một thỏa thuận với Bắc Kinh về việc để ngư dân Philippines được tiếp cận các vùng biển giàu tài nguyên.

Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng nhấn mạnh, các cuộc đàm phán song phương chính thức với Trung Quốc đều phải trong khuôn khổ phán quyết của tòa trọng tài.

Huyền Chi
.
.
.