Vì sao nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB và 2 thanh tra NHNN bị đề nghị cách ly vĩnh viễn?

Thứ Ba, 19/03/2024, 11:21

Trong phần luận tội của đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh, cơ quan công tố đánh giá, ngoại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các bị cáo khác tại tòa đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Hậu quả thiệt hại gây ra cho Ngân hàng SCB là hơn 498.000 tỷ đồng.

z5263410883009_8c2f441430117ea4192c456576d8f9a1.jpg -0
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện VKS nhận định rằng, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội các bị cáo khác, gồm: Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn,  Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Tạ Chiêu Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB.

Quá trình đề nghị mức án, cơ quan công tố xem xét mức độ cả hành vi phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, việc tích cực khắc phục thiệt hại của các bị cáo. Nhóm bị cáo trên có vai trò giúp sức tích cực để bị cáo Lan chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB. Do đó, cơ quan công tố cho rằng, các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn và Tạ Chiêu Trung cần có mức hình phạt nghiêm trị, cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.

van.jpg -0
Bị cáo Văn luôn né tránh ống kính của phóng viên. 

Theo cáo trạng, bị cáo Thành đã giúp sức tích cực cho bị cáo Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, bị cáo Thành ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 42.770.576.766.947 đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, bị cáo Thành đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền 189.103.311.784.850 đồng và gây thiệt hại số tiền 99.677.797.026.627 đồng.

Bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 10/4/2013 đến ngày 04/12/2020, bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 187.607.411.985.964 đồng. Từ ngày 9/12/2020 đến ngày 22/9/2022, bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259.251.533.389 đồng và gây thiệt hại số tiền 26.331.115.549.969 đồng.

Với vai trò là Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 11/12/2017, bị cáo Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 60.502.828.919.850 đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 25/7/2020, bị cáo Văn đã ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền 192.434.674.843.029 đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.247.189.799.951 đồng.

Tạ Chiêu Trung đã giúp sức tích cực để bị cáo Lan lập các hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 27/6/2014 đến ngày 19/10/2017, bị cáo Trung đã ký hợp thức hồ sơ của 97 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 37.407.393.257.108 đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 29/3/2018, bị cáo Trung đã ký hợp thức hồ sơ 9 khoản vay, giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền 4.400.366.621.404 đồng và gây thiệt hại số tiền 4.773.572.739.437 đồng. Ngoài ra, bị cáo Trung còn theo dõi, quản lý toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến bị cáo Lan tại Ngân hàng SCB; xử lý, giải quyết việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông (đứng tên hộ) theo chỉ đạo của bị cáo Lan.

Các bị cáo phạm tội nhiều lần, có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi

Trong “đại án” Vạn Thịnh Phát, bị cáo Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân là chồng và cháu – con nuôi của bị cáo Trương Mỹ Lan. Hai bị cáo này đã giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của SCB.

Bị cáo Chu Lập Cơ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình là Chủ tịch HĐQT của Công ty Times Square đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB. Ông Chu Lập Cơ đã ký các Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Biên bản họp HĐQT, Quyết định Đại hội đồng cổ đông của Công ty Times Square nhằm thế chấp tài sản của công ty này bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 9.116 tỷ đồng.

Với bị cáo Trương Huệ Vân, cơ quan công tố đánh giá bị cáo đã giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng. Tại tòa bị cáo ăn năn hối cải thừa nhận hành vi phạm tội, cũng đã tích cực nộp tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại. Song hành vi của bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Quá trình đề nghị mức án, cơ quan công tố xem xét mức độ hành vi phạm tội, thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, việc tích cực khắc phục thiệt hại của các bị cáo. Do đó, VKS cho rằng cần có mức án nghiêm khắc với các bị cáo này.

Vì sao nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB và 2 thanh tra NHNN bị đề nghị cách ly vĩnh viễn? -0
Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại tòa ngày 19/3.

Nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo tại SCB có vai trò giúp sức tích cực để bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB, ngoài các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung cơ quan công tố đề nghị cần có mức hình phạt nghiêm minh, cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

Đối với các bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsul)… VKS cho rằng thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, giúp sức tích cho cơ quan điều tra… nhưng các bị cáo này, theo đại diện VKS, phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt trong quá trình lượng hình.

Vì sao nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB và 2 thanh tra NHNN bị đề nghị cách ly vĩnh viễn? -0
Bị cáo Trương Huệ Vân.

Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Tập đoàn Capella), đại diện VKS cho rằng, xuất phát từ việc Trương Mỹ Lan bị bắt, bị cáo không muốn công khai mối quan hệ với bị cáo Lan để tránh ảnh hưởng nên đã lập các bản thanh lý hợp đồng với Hồ Quốc Minh là người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan trị giá 1.000 tỷ đồng không được sự đồng ý của Trương Mỹ Lan.

Quá trình điều tra, xét hỏi tại tòa, bị cáo Trí đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện và tác động gia đình nộp khắc phục gần hết số tiền chiếm đoạt. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa có tiền án tiền sự.

Đề nghị cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội hai bị cáo nguyên thanh tra ngân hàng

Sáng 19/3, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh (VKS) phát biểu quan điểm luận tội đánh giá hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn. Còn Nguyễn Văn Hưng là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo đoàn thanh tra làm sai lệch hồ sơ thanh tra, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vì sao nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bị đề nghị cách ly vĩnh viễn xã hội? -0
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn trong phiên xét xử ngày 19/3.

Theo đại diện VKS, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) là trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB. Từ đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Nhàn đã thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Vì sao nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bị đề nghị cách ly vĩnh viễn xã hội? -0
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng.

Theo VKS, hành vi của Đỗ Thị Nhàn gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cơ quan nhà nước nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

VKS nhận định, hành vi của Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo đoàn thanh tra làm sai lệch hồ sơ, che giấu, bưng bít dự thảo kết luận thanh tra, tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền hơn 500 ngàn tỷ đồng nên cần phải cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

        

Đức Mừng – Văn Hào – Ngọc Thiện
.
.
.