Cựu Chủ tịch SCB coi bà Lan là thần tượng, cựu Phó TGĐ SCB lắc đầu “Tôi thất vọng với bà Lan”!

Thứ Ba, 12/03/2024, 11:57

Sáng 12/3, phiên tòa xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.

Các bị cáo trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về vai trò và tài sản cũng như các dự án của Vạn Thịnh Phát làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trong Ngân hàng SCB, trong đó có nhiều tài sản xấu, chưa đầy đủ thủ tục pháp lý…

Mục đích vay là thật, chỉ có tiền thì bà Lan sử dụng mục đích riêng -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 12/3.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) với vai trò là Chủ tịch HĐQT, từng trải qua rất nhiều vị trí từ thấp lên cao, phải nắm rõ các quy định của ngành ngân hàng, của pháp luật. Theo lẽ thường, bị cáo Dũng phải biết rõ thành viên hội đồng và những người nắm phần lớn cổ phần trong ngân hàng SCB, các pháp nhân người nước ngoài giữ 30% cổ phần, có tham gia họp thường kỳ, hay tham dự đại hội cổ đông hay không...? Nhưng bị cáo Dũng trả lời… không nhớ rõ.

Mục đích vay là thật, chỉ có tiền thì bà Lan sử dụng mục đích riêng -0
Bị cáo Trương Huệ Vân tại tòa.

Về cá nhân bà Lan, bị cáo Dũng lại xem bà này như một “thần tượng”, cho rằng bà Lan là một nhà kinh doanh giỏi. Bị cáo Bùi Anh Dũng nói rằng, trên cương vị Chủ tịch SCB, bị cáo xuất thân từ SCB, luôn nghĩ là người làm thuê, cho nên bị cáo ý thức về kinh doanh, hay nhân sự đều xin ý kiến bà Trương Mỹ Lan.

Còn việc bà Lan có tham gia các buổi họp của SCB không thì bị cáo Dũng cho biết, những lần họp đó có Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung…  

Bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho bà Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 187.607 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 26.331 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc SCB), trả lời câu hỏi của luật sư trước HĐXX tại phiên tòa sáng nay, xác nhận: “Thất vọng về bà Trương Mỹ Lan”, nay bị cáo xác nhận giữ nguyên ý kiến này và không giải thích gì thêm và  trình bày các nội dung khác.

Về Dự án Mũi Đèn Đỏ sử dụng làm tài sản thế chấp, bị cáo Dung khai diện tích dự án này khoảng 117ha ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Dự án này bắt đầu đền bù từ năm 2003, đến năm 2013 thì được phê duyệt 1/500. Sau đó có thay đổi nên tới thời điểm bị cáo cho vay, dự án này chưa có chủ trương chấp nhận đầu tư.

Về các khoản vay của nhóm Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương (Công ty Đông Phương - 35 công ty hoạt động trong ngành nông sản), bị cáo Dung khai tất cả đều có: hợp đồng vay, mục đích vay… nhưng tiền thì bà Lan và ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Phương) sử dụng.

Về cáo trạng nêu số tiền giải ngân cho nhóm Đông Phương là 17.000 tỷ đồng, bị cáo Dung nói nhớ nhiều hơn, khoảng 4-5.000 tỷ đồng, ngoài các công ty nông sản còn có các công ty kinh doanh xăng dầu.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) trả lời HĐXX rằng, trước khi làm cho SCB, bị cáo làm cho 1 công ty là đối tác với bà Lan. Sau đó bị cáo được 1 cán bộ tại SCB giới thiệu gặp bà Lan. Tiếp theo, bà Lan đề cử bị cáo Hoàng lên làm phó tổng và sau là quyền Tổng giám đốc SCB.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Khánh Hoàng bị xét xử vì có hành vi giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 1/12/2021, bị cáo Hoàng đã ký hợp thức cho 386 khoản vay, để bà Lan chiếm đoạt số tiền 182.842 tỷ đồng và gây thiệt hại cho SCB số tiền 65.004 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu Phó Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc SCB) khai nhận, việc hợp nhất 3 Ngân hàng Tín Nghĩa, Đại Tín, SCB là để thực hiện tái cơ cấu. 

Trong vụ án này, bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, đã ký hợp thức 70 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền là 2.184 tỷ đồng.

Ngọc Thiện - Văn Hào - Đức Mừng
.
.
.