Chiếm đoạt tiền tỷ từ lừa góp vốn hưởng lãi cao

Thứ Sáu, 24/02/2023, 15:57

Ngày 24/2, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Kiêm Khánh (SN 1959, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thủ đoạn mà Khánh nhiều lần thực hiện là lừa góp vốn kinh doanh để hưởng lãi suất cao.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Khánh không có nghề nghiệp. Để có tiền sử dụng, Khánh dùng thủ đoạn gian dối khi giới thiệu mình có mối mua thanh lý dây đồng, dây nhôm của Công ty Điện lực Hà Nội, hoặc kho Sơn Đông ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) với giá rẻ, mang ra ngoài bán sẽ hưởng lợi nhuận cao.

Khánh hứa, nếu góp vốn thì sẽ được chia lợi nhuận 10% một tháng trên tổng số tiền góp vốn. Tin tưởng điều Khánh nói là thật, nhiều người đã đưa tiền cho Khánh. Để tạo lòng tin, sau vài ngày Khánh đều trả tiền gốc và lợi nhuận, sau đó tiếp tục hỏi vay tiền của các bị hại để chiếm đoạt.

Đầu tháng 5/2021, qua người quen, anh Bùi Duy Đ (SN 1988, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) biết Khánh. Sau khi nghe Khánh nói về việc góp vốn, anh Đ đã đồng ý đưa tiền cho Khánh.

Chiếm đoạt tiền tỷ từ thủ đoạn lừa góp vốn hưởng lãi cao  -0
Bị cáo Khánh tại phiên tòa.

Ngày 11/5/2021, anh Đ đưa cho Khánh 100 triệu đồng. Khánh viết giấy biên nhận góp vốn vào quyển sổ với nội dung: “Anh Đ đầu tư mua đồng thanh lý của Sở Điện lực Hà Nội số tiền 3 tỷ đồng, lợi nhuận 10% một tháng trên tổng số tiền đầu tư…” và có chữ ký của người làm chứng.

Vài ngày sau, anh Đ tiếp tục đem 500 triệu đồng để đưa cho Khánh. Lúc này, tổ công tác xuất hiện, lập biên bản đưa Khánh và những người liên quan về trụ sở công an xã để làm rõ. Quá trình giải quyết vụ án, Khánh bỏ trốn đến ngày 15/5/2022 thì bị bắt theo lệnh truy nã.

Qua xác minh, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết, đơn vị này thực hiện việc xuất kho thanh lý theo Luật Đấu giá năm 2016 và các quy chế, quy định nội bộ về thanh xử lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Khi triển khai thanh xử lý vật tư thiết bị, các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đều đăng tải thông tin trên trang đấu giá của Bộ Tư pháp để lựa chọn tổ chức đấu giá và người mua hàng, không ký kết hợp đồng với Khánh.

Ngoài hành vi lừa đảo anh , cơ quan điều tra còn xác định, từ ngày 10/3/2021 đến ngày 24/4/2021, Khánh còn nhiều lần nhận tiền của bà Nguyễn Thị H (SN 1967, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) số tiền 12,3 tỷ đồng để mua thanh lý dây điện với lãi suất 10% một tháng, nhưng bà H không nhớ cụ thể mỗi lần đưa cho Khánh bao nhiều tiền...

Tài liệu cơ quan điều tra thu giữ của Khánh là quyển sổ ghi chép số tiền nhận, trả gốc và lãi cho bà H trong thời gian trên là hơn 17,9 tỷ đồng; trả gốc hơn 5 tỷ đồng, trả lãi hơn 1,2 tỷ đồng; số tiền còn nợ lại là 12,9 tỷ đồng. Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Đối với 18 người liên quan đến việc góp vốn với bị cáo, những người này trình bày có cho Khánh vay tiền để kinh doanh và có trả lợi nhuận. Đến nay, Khánh đã trả hết tiền, hoặc còn nợ ít nhưng không có giấy tờ để chứng minh...

Quá trình xét xử tại tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy trong vụ án này còn một số tình tiết chưa sáng tỏ, và điều này không thể làm rõ ngay tại phiên xử. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Nguyễn Hưng
.
.
.