Xử sơ thẩm vụ án "Đoàn Văn Vươn cùng đồng bọn giết người, chống người thi hành công vụ"

Thứ Tư, 03/04/2013, 00:28
Sáng 2/4, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm về hình sự, xét xử vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” xảy ra vào 5/1/2012 tại khu đầm Cống Rộc, thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là vụ án được dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm từ nhiều tháng nay với 6 bị cáo, được chia làm 2 nhóm tội danh.
>> Phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, 4 cựu cán bộ bị buộc tội hủy hoại tài sản

Nhóm thứ nhất gồm: Đoàn Văn Vươn, 50 tuổi; Đoàn Văn Quý, 47 tuổi, đều trú tại xã Bắc Hưng; Đoàn Văn Sịnh, 56 tuổi, trú tại xã Đông Hưng; Đoàn Văn Vệ, 37 tuổi, trú tại xã Bạch Đằng, cùng huyện Tiên Lãng bị truy tố về tội giết người, quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS.

Nhóm thứ hai gồm: Phạm Thị Báu (Phạm Thị Hiền), 31 tuổi(vợ của bị cáo Đoàn Văn Quý); Nguyễn Thị Thương, 43 tuổi (vợ của Đoàn Văn Vươn) bị truy tố tội chống người thi hành công vụ theo điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo tại phiên tòa có 9 luật sư đến từ các Đoàn luật sư TP Hà Nội và Hải Phòng.

Đúng 8h, HĐXX dưới sự chủ tọa của thẩm phán Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng bắt đầu làm việc.

Bị cáo Đoàn Văn Vươn tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm dừng ít phút do luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Vươn đã có kiến nghị thay đổi thành viên HĐXX và đặt ra vấn đề thẩm quyền xét xử của TAND TP Hải Phòng đối với vụ án này. Chủ tọa phiên tòa ngay sau đó đã trả lời rõ: Kiến nghị trên của luật sư đã được gửi đến từ trước phiên xử. TAND TP Hải Phòng đã có văn bản thông báo thành phần cũng như thẩm quyền của HĐXX là đúng với quy định của Bộ luật TTHS. Do vậy, đề nghị của luật sư là không có căn cứ.

Tiếp tục phiên xử, đại diện VKS giữ quyền công tố trước tòa – ông Bùi Đăng Dung, Phó Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng đã công bố cáo trạng. Theo đó, xuất phát từ thái độ chống đối, không chấp hành lại các thông báo, quyết định của UBND huyện Tiên Lãng, xung quanh việc thu hồi, trả lại cho địa phương 19,3ha tại xã Vinh Quang đã hết hạn được sử dụng vào 4/1/2007, từ cuối tháng 12/2011 đến ngày 4/1/2012, Đoàn Văn Vươn đã tập hợp một số người thân là anh em ruột gồm: Quý, Sịnh, Vệ, Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái (anh vợ Quý) bàn cách giữ khu đầm bằng mọi giá.

Quá trình bàn bạc, Vươn đã cùng với Sịnh thống nhất lên kế hoạch dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải tấn công lực lượng cưỡng chế thu hồi đầm. Việc bàn bạc thường diễn ra tại nhà Vươn, Quý và đều có mặt Thương, Báu. Để thực hiện kế hoạch này, Sịnh, Quý, Thoại, Thái, Báu, Thương đã làm 5 hàng rào chắn ngang các đường vào khu cưỡng chế rồi rải rơm, rạ trên lối đi, sẵn sàng tưới xăng phóng hỏa.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.

Nguy hiểm hơn, Vươn còn chỉ đạo Quý chôn 2 quả mìn nơi lực lượng cưỡng chế đi qua, phía trên đặt những bình gas lớn kèm theo đá dăm để làm tăng hiệu quả sát thương. Ngoài ra, Đoàn Văn Vươn còn trực tiếp đi mua thêm súng, đạn hoa cải để đồng bọn thực hiện đến cùng tội phạm. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra. Vào 7h30 ngày 5/1/2012, khi một tổ công tác được phân công vào khu đầm thực hiện rà phá vật liệu cháy, nổ và vận động, thuyết phục các đương sự lần cuối trước khi cưỡng chế, theo lệnh của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã chập điện cho nổ mìn và bình gas.

Tiếp đó, Quý cùng Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái (cả 2 đang bỏ trốn) trú trong chòi cá của Quý xả liên tiếp nhiều phát súng hoa cải ra ngoài, khiến 7 cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội bị thương. Trong đó, các nạn nhân: Lê Văn Mải bị 8 vết thương, giảm 25% sức khỏe; Nguyễn Văn Phong bị 14 vết thương, giảm 18% sức khỏe; Đỗ Xuân Trường, bị 9 vết thương, giảm 35% sức khỏe; Vũ Anh Tuấn bị 23 vết thương, giảm 25% sức khỏe; Đào Tròng Dũng giảm 8% sức khỏe; Lê Văn Ghi bị 16 vết thương, giảm 43% sức lao động...

Cáo trạng cũng nhấn mạnh, hậu quả chết người chưa xảy ra là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Đối với Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu, 2 bị cáo này đã tiếp nhận “ý chí” của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại những người thi hành công vụ, đồng thời đã trực tiếp tham gia làm hàng rào, rải rơm, rạ, mua xăng... tạo điều kiện cho đồng bọn thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ.

Nửa buổi sáng và buổi chiều cùng ngày, HĐXX đã dành thời gian xét hỏi 6 bị cáo. Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Đoàn Văn Vươn đã trả lời khá rành rọt HĐXX toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm của mình cũng như các đồng phạm khác. Theo đó, bị cáo thừa nhận vai trò chủ mưu, đứng ra tổ chức, chỉ huy đồng bọn mua sắm, chuẩn bị phương tiện, vũ khí, thuốc nổ, súng đạn tấn công lực lượng cưỡng chế. Vươn cũng thừa nhận hành vi của mình là rất nguy hiểm cho xã hội song vẫn cứ làm, bất chấp hậu quả xảy ra.

Trái ngược với Vươn, các bị cáo Sịnh, Vệ, Thương, Báu, Quý trong quá trình thẩm vấn đều đồng loạt chối tội, không chấp nhận lời khai của chính Đoàn Văn Vươn và đồng loạt sử dụng “chiêu thức” đổ cho các cơ quan tố tụng ép cung, mớm cung. Rất nhiều lần, kiểm sát viên đã phải công bố trước tòa các bút lục ghi lời khai của các bị cáo Sịnh, Thương, Quý, Báu tại cơ quan điều tra với sự có mặt của luật sư bào chữa và đại diện Viện Kiểm sát...

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong 4 ngày (từ ngày 2 đến 5/4). Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về phiên tòa trong các số báo ra hàng ngày

Duyên Hải
.
.
.