Xét xử “Chủ tịch Hội đồng quản trị” chuyên chạy trường

Thứ Hai, 22/05/2017, 09:46
Ngày 19-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử “Chủ tịch HĐQT” Huỳnh Quang Phong - Người tự nhận có khả năng chạy trường với đơn giá hàng trăm triệu đồng...

Dù không có khả năng xin học vào các trường Công an, nhưng Huỳnh Quang Phong (56 tuổi, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) luôn lấy mác Chủ tịch HĐQT công ty để tạo niềm tin với người tiếp xúc. Sau đó, Phong nhận của mỗi người hàng trăm triệu đồng với lời hứa chắc chắc sẽ xin học được.

Đến hẹn, Phong không thực hiện như đã hứa và cũng không có khả năng hoàn trả. Giúp sức tích cực cho Phong là Phạm Quốc Long (53 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa). Ngày 19-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Hai bị cáo Phong và Long tại phiên xử.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, qua quan hệ xã hội, Phong quen và chơi thân với Long. Long giới thiệu là Thiếu tá Quân đội, đang công tác ở một đơn vị làm kinh tế và gia đình Long có quan hệ thân thiết với Công an nên có khả năng xin học cho những ai có nhu cầu vào các trường Công an. Tin tưởng những điều Long nói nên Phong giới thiệu với người quen rằng, mình là Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng 69 Hà Nội, có nhiều quan hệ nên có khả năng xin học vào các trường Công an.

Tháng 8-2014, qua quan hệ xã hội, chị Cao Thị Hằng (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) hỏi Phong có xin được cho cháu mình vào học ở một trường trung cấp Công an không. Phong điện thoại hỏi Long thì Long nói, xin được với chi phí 350 triệu đồng. Phong nói lại với chị Hằng và tăng chi phí xin học lên 400 triệu đồng.

Để tạo niềm tin, sau khi nhận tiền của gia đình chị Hằng, Phong viết giấy cam kết đến tháng 11-2014, cháu chị Hằng sẽ được nhập học. Nhận đủ số tiền của gia đình chị Hằng, Phong đưa cho Long 350 triệu đồng để lo chạy học. Phong giữ lại 50 triệu đồng hưởng chênh lệch. Nhận số tiền trên từ Phong, Long sử dụng để trả nợ và ăn tiêu hết. Đến hẹn không thấy Phong gửi giấy báo nhập học cho cháu, chị Hằng hỏi thì Phong viện ra đủ lý do để khất lần.

Cùng thời điểm này, anh Trần Vĩ Đại (ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng có nhu cầu xin học cho con. Qua người quen giới thiệu, tháng 11-2014, anh Đại nhờ chị Hằng xin giúp cho con trai mình vào học tại một trường trung cấp Công an khác.

Trước khi nhờ xin việc cho con anh Đại, chị Hằng hỏi Phong đã có kết quả của cháu mình chưa thì Phong khẳng định, trường hợp của cháu chị Hằng đã được duyệt rồi, chỉ còn chờ hoàn tất hồ sơ để nhà trường làm giấy báo nhập học. Tin tưởng những điều Phong nói, chị Hằng nhờ Phong xin học tiếp cho con anh Đại. Phong cũng hỏi Long việc này và Long ra giá 350 triệu đồng. Phong nói với chị Hằng chi phí vụ này 380 triệu đồng. Chị Hằng nói lại với anh Đại và anh này đồng ý chi số tiền trên để xin học cho con. Sau khi nhận tiền, Phong cũng chuyển lại cho Long nhưng đến hẹn không thực hiện được như đã hứa.

Kết thúc quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 11-2014, mặc dù không có chức năng, khả năng xin vào học tại các trường Công an, nhưng Phong và Long đưa ra thông tin không đúng sự thật, lợi dụng lòng tin của mọi người và dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của ba bị hại với tổng số tiền 980 triệu đồng. Trong đó, Long chiếm đoạt 840 triệu đồng, Phong chiếm đoạt 140 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, hai bị cáo khắc phục hậu quả bằng cách hoàn trả cho các bị hại một phần tiền đã nhận.

Ngoài hành vi lừa đảo xin học như trên, năm 2009, Phong lấy danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Hồng Linh vay của ông Hồ Sỹ Đắc (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) số tiền 1 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đến nay, Phong vẫn chưa trả cho ông Đắc số tiền này.

Trước đó vào năm 2007, Phong đã thực hiện hành vi chiếm dụng vốn của anh Nguyễn Quang Sáu (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) 200 triệu đồng liên quan đến việc góp tiền mua chung đất ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh. Nhưng sau khi nhận số tiền này, Phong không sử dụng vào việc mua đất như đã nói, mà sử dụng vào mục đích kinh doanh, dẫn tới thua lỗ nên không có tiền trả cho anh Sáu.

Tại phiên xử, Long khai nhận, bị cáo là quân nhân nhưng đã nghỉ hưu từ năm 2011. Mặc dù không có quan hệ, không có khả năng xin học vào các trường Công an nhưng với mục đích cần tiền trả nợ nên đã nói dối Phong để cầm tiền của bị hại. Bị cáo Phong khai, do tin tưởng Long nên trước khi nhận lời với người có nhu cầu xin cho con, em họ vào học ở các trường Công an, Phong đều hỏi Long. Thấy Long khẳng định xin được, Phong mới nhận lời với bị hại.

Số tiền nhận của họ, Phong đều đưa cho Long theo yêu cầu, anh ta chỉ giữ lại phần chênh lệch. HĐXX xác định, hành vi phạm tội của hai bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Với phán quyết trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Long 9 năm tù, bị cáo Phong 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139-BLHS. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định.

Nguyễn Hưng
.
.
.