Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho một số bị cáo trong vụ Oceanbank

Thứ Sáu, 22/09/2017, 17:31
Trong ngày xét xử thứ 19, HĐXX dành thời gian để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối đáp với các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo về tội danh bị truy tố.


Chiều 22-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). 

Trong ngày xét xử thứ 19, HĐXX dành thời gian để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối đáp với các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo về tội danh bị truy tố và các cáo buộc bồi thường dân sự liên quan đến số tiền hơn 1.576 tỷ đồng do Oceanbank chi lãi ngoài trái quy định cho các tập thể và cá nhân, trong đó chủ yếu là các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đối với hành vi chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty do Thắm thành lập), Viện kiểm sát xác định, việc thu phí là trái quy định của pháp luật: 

“Phạm Hoàng Giang là Tổng Giám đốc điều hành mọi hoạt động của công ty này, với chức trách được giao nhưng Giang không gặp gỡ khách hàng, không biết nguồn tiền dùng vào việc gì nhưng vẫn ký hơn 721 hợp đồng kinh tế liên quan đến tài chính tiền tệ nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi này với vai trò đồng phạm của cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn và cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm”. 

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Tứ.

“Hoàng Thị Hồng Tứ với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam nên phải biết việc ký các hợp đồng kinh tế dựa trên nguyên tắc nào, nhưng Tứ cho rằng mình không được tìm hiểu, không được trao đổi mà vẫn ký gây thiệt hại tài sản cho Oceanbank nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đã thực hiện”, Viện Kiểm sát tiếp tục.

Về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn cùng đồng phạm, theo Viện kiểm sát, căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên toà và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định việc bị cáo Sơn áp đặt cho bị cáo Thắm chi tiền “chăm sóc khách hàng”cho các đơn vị của PVN số tiền lớn và thực tế Thắm đã thực hiện theo yêu cầu này nên Thắm giữ vai trò đồng phạm cho Sơn. 

Các bị cáo khác dưới quyền của Thắm và Sơn đã thực hiện theo chỉ đạo này dẫn đến hậu quả là làm gây thiệt hại cho Oceanbank nên bị truy tố về tội danh này là không oan sai. Viện kiểm sát dẫn chứng lời khai của Ninh Văn Quỳnh, thời điểm là Kế toán trưởng PVN và bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (em họ Nguyễn Xuân Sơn) cho thấy, trong tổng số tiền chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng của Oceanbank, Sơn phải chịu trách nhiệm nhưng được miễn trừ số tiền Quỳnh chiếm hưởng; đồng phạm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt số tiền trên là Thắm.

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn. 

Về tội tham ô tài sản, Viện kiểm sát nêu quan điểm, Sơn là đại diện vốn góp 20% (800 tỷ đồng) của PVN tại Oceanbank. Khi chiếm đoạt tiền, Sơn không còn giữ vai trò Tổng Giám đốc Oceabank mà giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc PVN, nhưng Sơn đã dùng tác động của cổ đông lớn là PVN chi phối hoạt động vốn tại Oceanbank để chiếm đoạt tiền. Việc truy tố Sơn phạm tội tham ô tài sản là không sai. Số tiền 49 tỷ đồng chủ yếu là từ nguồn huy động của khách hàng. 

Hậu quả của việc cố ý làm trái quy định không chỉ ảnh hưởng đến vật chất mà còn làm cho tội phạm tham nhũng phát triển, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định, do PVN gửi tiền quá lớn nên Thắm không có quyền quyết định và làm theo lời của Sơn. Vì thế, việc Thắm bị xác định có vai trò đồng phạm với Sơn ở tội tham ô tài sản là có căn cứ. 

“Trong số tiền Oceanbank bị thiệt hại 1.576 tỷ đồng từ việc chi lãi ngoài thì có 246 tỷ đồng bị Sơn chiếm đoạt thuộc sở hữu của PVN”, Viện kiểm sát khẳng định.

Và bị cáo Phạm Hoàng Giang được VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát nêu quan điểm, bài bào chữa của các luật sư cho rằng, việc chi lãi suất ngoài đem lại lợi ích, cụ thể là lãi cho Oceanbank, nhưng theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xác định, Oceanbank bị thiệt hại. Nguyên nhân chính do vấn đề quản trị điều hành không khách quan, minh bạch, đặc biệt là nhóm tín dụng liên quan đến Hà Văn Thắm. 

Nguồn vốn huy động từ chi lãi ngoài thực tế là phục vụ cho Thắm và nhóm lợi ích của Thắm chứ không phải cho cổ đông của Oceanbank. Việc chi lãi ngoài các bị cáo đều biết nhưng vẫn tham gia thực hiện là vi phạm pháp luật, dẫn đến số tiền chi lãi ngoài quá lớn, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến nay không có khả năng thu hồi đã gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và Oceanbank. 

“Các bị cáo cho rằng, việc chi lãi ngoài là thực hiện theo hợp đồng lao động với Oceanbank, nhưng không hợp đồng lao động nào có quy định nào yêu cầu cấp dưới tuân thủ cấp trên hành vi trái pháp luật. Các bị cáo đều làm việc ở ngân hàng lâu năm, việc thu-chi đều phải có chứng từ. Việc chi hàng ngàn tỷ đồng không có người nhận, không có chứng từ thì sự tuân thủ pháp luật ở đâu, trường lớp nào dạy các bị cáo nghiệp vụ kế toán?”, Viện kiểm sát nói rõ.

Đối với 34 bị cáo nguyên là Giám đốc các chi nhánh và phòng giao dịch ở Oceanbank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát nêu quan điểm: “việc truy tố các bị cáo là không oan, bởi chính các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình trong quá trình điều tra và xét xử”. 

Đối với tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Viện Kiểm sát cũng khẳng định “việc truy tố các bị cáo về tội danh này đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bởi hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ ràng”. 

Trong quan điểm tranh luận của mình, đại diện Viện kiểm sát chỉ có một số thay đổi. 

Thứ nhất là đề nghị giảm án cho bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam từ 30-36 tháng tù giam thành án treo. 

Thứ hai là đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Văn Hoàn và cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BSC Việt Nam Phạm Hoàng Giang về tội hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 

Một số cựu Giám đốc các khối nghiệp vụ của Hội sở Oceanbank cũng được Viện kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Thái Bình Nguyễn Việt Hà; cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Hà Nội Trần Anh Thiết; cựu Giám đốc Oceanbank Phòng giao dịch Đông Đô Nguyễn Phan Trung Kiên và cựu Giám đốc Oceanbank Phòng giao dịch Trung Yên Nguyễn Thị Loan.

Nguyễn Hưng
.
.
.