Vào Việt Nam hành nghề… trộm cước viễn thông quốc tế

Thứ Tư, 02/11/2005, 13:56

Chỉ tới khi bị các trinh sát Phòng An ninh Kinh tế Công an Hà Nội bắt quả tang, mọi người mới biết Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty Seabird Ko Dun Chul là một tên đạo tặc. Trước khi sang Việt Nam, Ko Dun Chul từng ngồi tù 18 tháng vì biển thủ tài sản công ty và một tiền sự về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Sinh ngày 11/9/1960 tại Seoul (Hàn Quốc), trước khi sang Việt Nam, Ko Dun Chul từng ngồi tù 18 tháng vì biển thủ tài sản công ty và một tiền sự về tội “gây rối trật tự công cộng”. Tháng 1/2002, Ko Don Chul nhập cảnh vào Việt Nam lần đầu tiên theo giấy mời của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch VK.

Ngày 7/5/2004, Chul đại diện cho Công ty VK ký hợp đồng thuê căn hộ số 503, tòa nhà Vườn Hồng (số 6 Ngọc Khánh). Sau khi thuê được căn hộ này, Chul ký hợp đồng lắp đặt 1 đường truyền Internet và 16 đường điện thoại cố định. Năm tháng sau, ngày 15/10/2004, Chul thành lập Văn phòng đại diện Công ty Seabird và đặt trụ sở tại đây.

Mặc dù là Văn phòng đại diện công ty, nhưng tại đây không có hoạt động gì bởi Chul không hề treo biển công ty, cũng không có nhân viên. Tuy không hoạt động gì nhưng tại đây lại có rất nhiều thiết bị đấu nối viễn thông và ăngten vô hướng.

Cuộc truy lùng trên làn sóng

Đầu tháng 7/2005, một số gia đình ở Hà Nội có người nhà đang ở nước ngoài thường nhận được điện thoại của người thân gọi về. Điều kỳ lạ là tất cả các cuộc gọi này nếu là số di động thì đều hiện số máy của mạng Viettel; số cố định thì là của Hà Nội và mạng CityFone.

Sự bất thường này nên một số khách hàng đã báo cho Bưu điện Hà Nội. Bưu điện Hà Nội phát hiện tất cả những số máy này đều có một chủ đăng ký thuê bao là Văn phòng đại diện Công ty Seabird ở phòng 503 tòa nhà Vườn Hồng, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Điều kỳ lạ là những số máy này không hề có cuộc gọi nào ra nước ngoài; nhưng lại có rất nhiều cuộc gọi từ nước ngoài về các số này sau đó chuyển tiếp tới các thuê bao khác, chính là những khách hàng đã khiếu nại với bưu điện. Những thông tin này sau đó được thông báo cho cơ quan an ninh.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng An ninh Kinh tế Công an Hà Nội xác định đây có thể là một vụ trộm cắp cước viễn thông. Quá trình điều tra, các điều tra viên phát hiện có một phụ nữ thường xuyên lui tới phòng 503. Đó là Phan Thị Nga, sinh ngày 3/3/1980 tại Quỳnh Phụ, Thái Bình; trú tại số 4, ngõ 107, đường Trần Duy Hưng.

Những chiếc máy Cityphone được hoà mạng chỉ để trộm cước viễn thông.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Nga từng làm việc tại Văn phòng Asia Airlines; tháng 8/2004 thì chuyển sang làm cho Văn phòng Công ty Seabird. Nga chính là người đi làm thủ tục đăng ký 16 đường thuê bao điện thoại cho Công ty VK; sau đó tháng 12/2004 với lý do chuyển địa điểm, Nga đã thanh lý hợp đồng này. Tuy nhiên giữa tháng 1/2005, Nga lại đứng tên đăng ký thuê bao 7 đường điện thoại cố định với Công ty Viettel về lắp tại nhà số 5 Trần Duy Hưng.

Nhưng chỉ tới ngày 30/6, Nga đã thanh lý hợp đồng 6 trong số 7 máy này, 1 máy còn lại Nga chuyển về nhà số 4, ngõ 107, đường Trần Duy Hưng. Ngoài số máy cố định này, cùng thời gian đó, Nga còn đăng ký với Bưu điện Hà Nội sử dụng tới... 52 máy CityFone trả trước. Khi xem bảng tính cước của 52 máy này trong tháng 8/2005, các điều tra viên đã phải hoa mắt khi nhìn bảng thống kê chi tiết cuộc gọi, bởi chỉ trong 1 tháng mà 52 chiếc điện thoại này gọi tới 112.201 cuộc với thời gian 355.748 phút, nghĩa là chia bình quân thì mỗi máy gọi tới 2.157 cuộc với 6.841 phút/ tháng.

Mở rộng điều tra về cô gái có khả năng vô địch về dùng điện thoại này, các điều tra viên còn phát hiện chỉ trong 5 ngày từ 27/9 - 1/10, Nga đã chi tới ngót 200 triệu đồng để mua “cạc” điện thoại. Các điều tra viên cũng phát hiện ngày 29/9, Văn phòng Seabird còn ký hợp đồng thuê riêng một đường Internet tốc độ 256kbs để lắp tại nhà số 4, ngõ 107, Trần Duy Hưng và chuyển về đây nhiều thiết bị viễn thông chuyên dùng chuyển cước cuộc gọi.

Với những thông tin và tài liệu thu thập được, các điều tra viên khẳng định Ko Dun Chul và Phan Thị Nga đã xây dựng trái phép tổng đài để trộm cước viễn thông quốc tế và quyết định bắt quả tang ổ nhóm này.--PageBreak--

8h45 ngày 18/10, Phòng An ninh Kinh tế phối hợp với các lực lượng của Phòng An ninh Điều tra Công an Hà Nội, Cục An ninh Kinh tế, Thanh tra Bộ Bưu chính - Viễn thông, Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông tiến hành kiểm tra hành chính đường kênh riêng của Văn phòng Seabird tại phòng 503 tòa nhà Vườn Hồng. Tại đây, lực lượng kiểm tra đã phát hiện Chul đã lắp đặt cả một hệ thống thiết bị chuyển trái phép các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam gồm 33 máy CityFone trả tiền trước, 14 điện thoại di động sử dụng mạng Viettel và 30 kg card điện thoại đã sử dụng.

Chul còn khai ra một hệ thống tương tự đặt tại phòng 505 khu B nhà M3-M4 91 Nguyễn Chí Thanh. Khi kiểm tra căn phòng này, cán bộ điều tra còn thu giữ thêm 41 máy điện thoại trả tiền trước, 31 điện thoại di động trả tiền trước mạng Viettel.

Tiếp đó khi khám xét chỗ ở của Nga tại số 4 ngõ 107 Trần Duy Hưng, Cơ quan An ninh còn thu giữ  16 máy Cityfone và 7 điện thoại cố định. Khi bắt quả tang, tất cả các thiết bị này đều đang hoạt động. Tổng cộng tại 3 nơi, Cơ quan Công an đã thu giữ 3 bộ giao tiếp cổng điện tử bộ định tuyến đường truyền Internet, Modem dùng dải điều chế tín hiệu bộ chia tốc độ cao, máy tính và 55 điện thoại di động; 80 máy CityFone (đặc biệt với các máy CityFone, khi mua về, Chul chỉ lấy Simcar lắp vào thiết bị trộm cước, còn thân máy thì vứt bỏ), 7 điện thoại cố định, 142 thiết bị chuyển tiếp cuộc gọi; 818 thẻ điện thoại các loại 100.000đ - 500.000đ.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, Chul thuê căn hộ số 8A tòa nhà 167 - 169 đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, để lắp đặt thiết bị trộm cước và giao cho em trai là Ko Boen Kuy điều hành. Ngày 22/10, khi kiểm tra căn hộ này, các điều tra viên Phòng An ninh Kinh tế Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 48 máy điện thoại di động đang hoạt động chuyển các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam. Mặc dù khi kiểm tra, căn hộ này khóa cửa vì Kuy đã về nước từ ngày 19/10, nhưng tất cả các thiết bị vẫn đang hoạt động.

Ko Dun Chul khai: Từ tháng 12/2004 tới khi bị phát hiện, thấy nhu cầu của những người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hàn Quốc gọi điện thoại về Việt Nam rất lớn, lợi dụng những sơ hở trong quản lý viễn thông của các cơ quan chức năng, Chul đã cho lắp đặt hệ thống thiết bị để chuyển cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong hệ thống máy móc này, những thiết bị quan trọng như tổng đài, Chul đặt mua từ Hàn Quốc chuyển sang, còn lại là mua của Công ty Cổ phần Máy tính Truyền thông - Điều khiển 3C có trụ sở ở Láng Hạ. Là kẻ có hiểu biết về lĩnh vực này nên sau khi mua thiết bị, Chul tự lắp đặt và chỉ “tuyển” một nhân viên là Phan Thị Nga với nhiệm vụ chính là đi ký hợp đồng thuê bao điện thoại và Internet.

Để xóa dấu vết, thủ đoạn của Chul là thuê đường truyền của nhiều nhà cung cấp dịch vụ (trong vụ án này, lần đầu tiên Cơ quan Công an phát hiện ra cả mạng di động nội thị CityFone cũng trộm cắp và theo điều tra ban đầu chỉ từ tháng 4 - 9/2005, thời lượng bị trộm cắp lên tới 2 triệu phút); làm độc lập và liên tục thay đổi địa điểm đặt máy móc. Chính vì vậy mà Chul “làm ăn” trót lọt trong một thời gian dài

Nguyễn Thiêm
.
.
.