Vắng nhiều nhân chứng, phiên toà xét xử vụ gian lận điểm thi tạm hoãn

Thứ Hai, 16/09/2019, 11:03
Sáng 16-9, TAND tỉnh Sơn La mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh này.


Theo thông báo của Thư ký phiên toà, trong danh sách Hội đồng xét xử triệu tập có 91 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, lãnh đạo một số Sở, ngành ở Sơn La thì rất nhiều người vắng mặt, trong đó chỉ có 37 người có đơn xin xét xử vắng mặt, số còn lại không có đơn nhưng không đến phiên toà.

Cụ thể là vắng mặt các ông: Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La; ông Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La); ông Lê Trọng Bình (Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La); ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La; ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng Phòng Giáo dục Trung học phổ thông, Sở GD&ĐT Sơn La).

Trước sự vắng mặt của nhiều nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cùng nêu quan điểm, người làm chứng có vai trò rất quan trọng trong việc làm rõ các tình tiết trong vụ án. Tuy nhiên, hôm nay chỉ có ít người làm chứng có mặt nên quá trình xét xử sẽ không đảm bảo được tính khách quan.

Các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi.

Các luật sư nhấn mạnh đến sự vắng mặt của nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La Phan Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục trung học phổ thông Nguyễn Ngọc Hà sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình xét xử vụ án.

Đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử cũng đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập các nhân chứng, người có quyền và nghĩa liên quan đến phiên toà để việc xét xử được khách quan, toàn diện. Sau khi nghị án, Thẩm phán Quản Hữu Chiến, Chủ tọa phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử công bố quyết định hoãn phiên tòa theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và các luật sư. Thời gian mở lại phiên toà vào ngày 15-10.

Các bị cáo hầu toà gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục- Sở GD&ĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Sở GD&ĐT Sơn La), Cầm Bun Sọn (nguyên Phó trưởng Phòng chính trị-Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu- Sở GD&ĐT Sơn La), Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La) bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại khoản 2, Điều 356 BLHS năm 2015) với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.

Cùng bị truy tố về tội danh này là bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và bị cáo Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La) bị truy tố theo khoản 1, Điều 356 BLHS năm 2015 với khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, các bị cáo trên đã cấu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm một thí sinh.

Các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng trực tiếp chuyển thông tin thí sinh cho các bị cáo để nâng điểm cho thí sinh. Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT chuyển thông tin 10 thí sinh cho Trần Xuân Yến. Nguyễn Thị Hồng Nga nhận từ ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin 1 thí sinh để nâng điểm cho thí sinh hai môn Sử và Địa.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục THPT chuyển thông tin 10 thí sinh để nhờ nâng điểm. Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng đặt vấn đề với Nguyễn Thị Hồng Nga nâng điểm cho hai thí sinh đạt môn Toán và Tiếng Anh cùng 9,8 điểm và một thí sinh 9,0 điểm môn Toán.

Ngoài ra, Sơn còn nhờ nâng điểm cho thí sinh là người nhà đạt môn Toán và môn Tiếng Anh cùng 9,8 điểm. Còn Khoa nhờ Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh khác.

Nguyễn Hưng
.
.
.