Truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trong đại án TISCO
Sáng 14/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), gây thiệt hại số tiền 830 tỷ đồng.
Trong phần xét hỏi buổi sáng, HĐXX hỏi đại diện Bộ Xây dựng để làm rõ hơn về Thông tư 09 “Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng” của Bộ Xây dựng.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Thông tư 09 không quy định nhà thầu nào mà chỉ quy định chung là hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, được hiểu là bao gồm cả nhà thầu nước ngoài. “Xuất phát từ văn bản trước đó mà Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, và trước khi Thủ tướng Chính phủ ra văn bản để làm căn cứ ban hành Thông tư 09 thì trong đó đã nêu rõ rằng, đối với các hợp đồng do nhà thầu nước ngoài thực hiện thì chỉ cho phép điều chỉnh đối với phần việc do nhà thầu phụ trong nước thực hiện”, đại diện của Bộ Xây dựng lý giải.
HĐXX không đồng tình với giải thích trên của đại diện Bộ Xây dựng. HĐXX cho rằng, nếu giải thích như vậy thì mâu thuẫn với Thông tư 09. Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, do quan điểm quản lý lúc bấy giờ là Nhà nước nếu bù giá thì chỉ bù cho những nhà thầu trong nước mình thực hiện.
Trước câu trả lời trên của đại diện Bộ Xây dựng, HĐXX phân tích, không thể hiểu theo cách độc đoán như vậy được, vì các nhà thầu đã tham gia tại Việt Nam thì đều bình đẳng và được hưởng quy chế pháp luật như nhau. Từ quan điểm này, HĐXX đề nghị đại diện Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm các công văn để trả lời HĐXX sau.
Theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng, các loại vật liệu xây dựng được điều chỉnh (tăng, giảm) giá, bao gồm xăng, dầu, sắt thép các loại (bao gồm cả cáp thép, ống thép các loại), nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch các loại, dây điện, cáp điện các loại, gỗ các loại (bao gồm cả cốp pha gỗ, cửa gỗ các loại), kính các loại.
Điều chỉnh hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh, cần xác định rõ các nội dung điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá do chủ đầu tư và nhà thầu xác định phù hợp với tiến độ thực hiện. Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định cho từng hợp đồng thi công xây dựng công trình, từng gói thầu và cho cả dự án.
Phần chi phí bổ sung do điều chỉnh giá vật liệu xây dựng được xác định bằng dự toán chi phí xây dựng bổ sung và là căn cứ để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu, điều chỉnh dự toán công trình và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Các bị cáo tại phiên toà. |
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, cựu Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng và các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) biết rõ và xác định, không có căn cứ để điều chỉnh Hợp đồng EPC số 01#, điều chỉnh chi phí tăng thêm của phần C, các bên đều phải có nghĩa vụ tuân thủ nghiêm túc, tôn trọng các điều khoản đã ký trong hợp đồng EPC số 01#.
Ngoài ra, TISCO chỉ dựa trên sự giới thiệu của Bộ Công thương tại Văn bản số 4320/BCT-CNNg ngày 14/5/2009 mà không tiến hành thẩm định và cũng không có căn cứ pháp lý nào để xác định Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) có đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#.
Tuy nhiên cựu Tổng Giám đốc Trần Trọng Mừng vẫn chỉ đạo các bị cáo khác tham mưu, ký kiểm soát để bị cáo ký văn bản có nội dung báo cáo Bộ Công thương và VNS, đề nghị báo cáo Chính phủ phê duyệt chủ trương “Chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C và được phép điều chỉnh chi phí thực hiện phần C cho nhà thầu phụ Việt Nam”.
Việc chủ đầu tư trực tiếp quản lý chi phí phần C, đồng thời đứng ra làm trung gian giám sát việc ký, thực hiện hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C ký giữa MCC và thầu phụ VINAINCON là không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của Hợp đồng EPC số 01#.
Trả lời HĐXX về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc giới thiệu nhà thầu phụ thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO? Đại diện Bộ Công thương cho rằng, Bộ Công thương giới thiệu nhà thầu phụ, nhưng chấp nhận hay không là ở chủ đầu tư.
Đại diện Bộ Công thương nêu quan điểm, Bộ Công thương rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước tòa vì những sai phạm mà họ đã gây ra trong quá trình thực hiện dự án. Theo đại diện Bộ Công thương, tại thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất mà Bộ biết là do những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…
HĐXX vừa hỏi, vừa giải thích với đại diện Bộ Công thương: Bộ có biết quan hệ kinh tế là gì không? Đó là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận. Khi đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, chấp nhận giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng - đó là quan hệ kinh tế, chứ không phải tất cả đều đổ thừa về giá.
Tòa án chỉ đang xoay quanh Hợp đồng EPC. Đây là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu. Tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?
“Bộ Công thương trả lời là ký các văn bản đều đúng pháp luật thì HĐXX lưu ý với người đại diện thế này: Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng. Bộ Công thương có tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ? Và căn cứ vào đâu mà Bộ Công thương tại sao lại khẳng định rằng, nhà thầu phụ đủ năng lực? Nếu Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý Ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng hầu tòa trong vụ án này”, HĐXX nhấn mạnh. HĐXX cũng lưu ý người đại diện Bộ Công thương rằng, nên trả lời chính xác sự việc, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận, chứ đứng đổ hết cho các bị cáo.