Truy tố nhóm "bộ sậu" Công ty lương thực Vĩnh Long gây thiệt hại hơn 102 tỷ đồng

Thứ Hai, 29/08/2016, 19:47
Một "bộ sậu" gồm nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh, kế toán trưởng, tổ trưởng nông sản và nhân viên thuộc Công ty lương thực Vĩnh Long đã bị truy tố vì hành vi gây thiệt hại hơn 102 tỷ đồng...


Ngày 29-8, Viện KSND tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng truy tố 6 bị can trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lương thực Vĩnh Long.

Các bị can bị truy tố gồm: Huỳnh Văn Thức, 42 tuổi, nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh; Trần Thị Diễm Thúy, 43 tuổi, nguyên Kế toán trưởng; Phạm Anh Thơ, 53 tuổi, nguyên Tổ trưởng nông sản; Võ Minh Khôi, 27 tuổi, nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh thuộc Công ty lương thực Vĩnh Long.

Cả 4 bị can này bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa, 54 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum (Công ty Thịnh Phát) và Nguyễn Ngọc Thạch, 35 tuổi, Phó Tổng giám đốc Công ty Thịnh Phát bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, Công ty Lương thực Vĩnh Long nay là chi nhánh của Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam, có 100% vốn Nhà nước. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, người đại diện pháp luật là ông Dương Lê Dũng và các đồng phạm đã tự ý hợp tác kinh doanh với Công ty Thịnh Phát. Cụ thể, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký hàng chục hợp đồng với Công ty Thịnh Phát dưới dạng đầu ngoài ngành.

 Tổng số tiền Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ứng thực hiện hợp tác kinh doanh cho Công ty Thịnh Phát gây thiệt hại 102 tỷ đồng nợ gốc. Cơ quan điều tra xác định đây là thiệt do hành vi cố ý làm trái của Dương Lê Dũng và đồng phạm gây ra.

Trước khi khởi tố, Công ty Thịnh Phát khắc phục hậu quả được hơn 31 tỉ đồng. Hành vi của Dương Lê Dũng đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu cầm đầu. Tuy nhiên, ngày 4-12-2014, bị can Dũng đã chết nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Dương Lê Dũng.

Đối với bị can Huỳnh Văn Thức và Trần Thị Diễm Thúy đã có hành vi đề xuất ký kết và triển khai các hợp đồng hợp tác kinh doanh, các chứng từ thanh toán hợp đồng với Công ty Thịnh Phát. Bị can Phạm Anh Thơ  được giao kiểm tra, xác nhận hàng hóa tại 2 kho hàng làm cơ sở để Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển tiền tạm ứng.

Dù Công ty Thịnh Phát không có hàng giao nhưng Thơ vẫn xác nhận có hàng. Còn bị can Võ Anh Khôi được giao nhiệm vụ giám sát khối lượng hàng thực tế nhập vào kho để làm căn cứ cho Công ty Lương thực Vĩnh Long chuyển tiền tạm ứng nhưng đã thực hiện nhiệm vụ không đầy đủ để Công ty Thịnh Phát nâng khống số lượng hàng hóa gây thiệt hại cho Công ty Lương thực Vĩnh Long.

Đối với bị can Nguyễn Thị Tuyết Nghĩa trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế dù biết rõ hàng trong kho chỉ có khoảng hơn 24 ngàn tấn lương thực nhưng không thông báo cho Công ty Lương thực Vĩnh Long và chỉ đạo cho Phạm Ngọc Thạch xác nhận trong khó có 39 ngàn tấn hàng hóa, qua đó lấy số tiền của Công ty Lương thực để trả ngân hàng và sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng xác định một số người là lãnh đạo của  Công ty Lương thực Vĩnh Long đã tham gia vào quá trình hợp tác với Công ty Thịnh Phát nhưng họ thực hiện theo chỉ đạo của Dương Lê Dũng và không có tư lợi nên chỉ bị xem xét về hành chính.

Đào Minh Khoa
.
.
.