Truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong vụ “thổi giá” thiết bị y tế
- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nâng khống thiết bị y tế như thế nào?
- Bắt nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai
7 bị can đồng phạm gồm: Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai), Lý Thị Ngọc Thủy (cựu Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Bạch Mai), Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS- viết tắt là Công ty BMS), Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Công ty BMS), Phan Minh Dung (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VFS) và Trần Lê Hoàng (Thẩm định viên Công ty cổ phần VFS).
Viện kiểm sát xác định, trong vụ án này, cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để Bệnh viện Bạch Mai ký được hợp đồng. Chính từ việc liên doanh, liên kết lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỷ đồng không đúng thực tế, đã mang lại lợi nhuận cho tập thể và cá nhân bị can Nguyễn Quốc Anh hơn 331 triệu đồng; bị can Nguyễn Ngọc Hiền 150 triệu đồng; bị can Trịnh Thị Thuận 50 triệu đồng và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh. |
Phạm Đức Tuấn giới thiệu về Công ty BMS là đơn vị phân phối hệ thống Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và Robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối và đề nghị được cung cấp, bán hai hệ thống này với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng bị can Nguyễn Quốc Anh không đồng ý mua mà đề nghị Phạm Đức Tuấn làm đề án liên danh, liên kết để đặt máy tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, sau khi đồng ý cho Công ty BMS là đối tác tham gia đề án, bị cán Nguyễn Quốc Anh đã không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất chủ trương làm đề án liên danh, liên kết, lựa chọn đối tác, chủng loại thiết bị. Quá trình thực hiện đề án không có văn bản đề xuất lắp đặt máy của Khoa Phẫu thuật thần kinh đối với Robot Rosa, cũng như Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống đối với Robot Mako.
Sau đó, bị can Nguyễn Quốc Anh chỉ đạo bị can Nguyễn Ngọc Hiền cùng Phòng Tài chính-Kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty BMS. Bị can Phạm Đức Tuấn đã liên hệ với Trần Lê Hoàng (Thẩm định viên Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) để thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng, Robot Mako 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai, nhằm hợp thức hóa giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện.
Cơ quan tố tụng xác định, Công ty BMS nhập khẩu Robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá chỉ hơn 7,4 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can: Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Phan Minh Dung đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, hưởng lợi không chính đáng nên đã tự nguyện phối hợp cùng gia đình nộp khắc phục hết số tiền hưởng lợi không chính đáng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Bị can Phạm Đức Tuấn cũng nhận thức được sai phạm của mình và có đơn đề nghị được phối hợp cùng gia đình nộp lại số tiền 10 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Phạm Đức Tuấn đã ủy quyền cho Công ty BMS hoàn tất thủ tục tặng cho Bệnh viện Bạch Mai 2 Robot Rosa và Robot Mako để điều trị miễn phí cho người bệnh.