Diễn biến phiên toà xét xử Trịnh Xuân Thanh trong vụ án tham ô tài sản tại PVP Land:

Truy tố Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội tham ô tài sản là đúng pháp luật

Thứ Sáu, 02/02/2018, 15:42
Sáng 2-2, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Buổi sáng, HĐXX dành thời gian để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà đối đáp với các luật sư bào chữa về những câu hỏi xoay quanh tội danh đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Đinh Mạnh Thắng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) và các đồng phạm. 

Trong những ngày xét xử trước đó, các luật sư bào chữa đã đưa ra các quan điểm và câu hỏi đối với đại diện Viện kiểm sát và cho rằng, thân chủ của mình không phạm tội tham ô tài sản hoặc hành vi ấy cấu thành một tội danh khác (có khung hình phạt thấp hơn tội tham ô tài sản-PV).

Đối đáp với các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm về tội tham ô tài sản. 

“Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh quyết định cử bị cáo Đào Duy Phong, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land và bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, cựu Tổng Giám đốc PVP Land là đại diện vốn tại PVP Land và là người gián tiếp quản lý vốn của PVC tại PVP Land. Bị cáo Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn rất nhiều giá trị thực tế. 

Được sự giúp đỡ của bị cáo Thanh, bị cáo Thái Kiều Hương, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsan đã chi “lại quả” cho bị cáo Thanh 14 tỷ đồng, chi cho bị cáo Thắng 5 tỷ đồng…

Tổng số tiền các bị cáo đã nhận là 49 tỷ đồng. Đây là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land, trong đó Trịnh Xuân Thanh có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần nói trên ”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Về đề nghị của luật sư bào chữa “Thực nghiệm điều tra số tiền 14 tỷ đồng mà bị cáo Thái Kiều Hương lại quả cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh được để vào vali qua người trung chuyển là bị cáo Đinh Mạnh Thắng”, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, không cần thiết phải thực nghiệm điều tra bởi căn cứ lời khai của bị cáo Hương, bị cáo Thắng và một số người liên quan đủ cơ sở xác định, bị cáo Thanh đã nhận và chuyển chiếc vali chứa số tiền 14 tỷ đồng vào nhà mình. 

Sau khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Hương đã yêu cầu bị cáo Thắng trả lại. Bị cáo Thắng đã nói lại với bị cáo Thanh, sau đó bị cáo Thắng đến phòng của bị cáo Thanh nhận lại số tiền 14 tỷ đồng trả lại cho bị cáo Hương. “Sau khi trả lại tiền, bị cáo Thanh có bảo bị cáo Thắng dặn bị cáo Hương giữ bí mật về việc chuyển và nhận số tiền này”, đại diện Viện kiểm sát nói rõ.

Về lý do phiên toà tạm hoãn 4 ngày để xác minh ý kiến của đại diện Công ty Vietsan cho rằng “Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại Công ty 1/5 thì hợp đồng giữa Công ty Vietsan và Công ty Minh Ngân chuyển đổi 6 triệu cổ phần đã bị hủy bỏ. Sau đó Công ty Vietsan đã chuyển trả cho Công ty Minh Ngân số tiền 93 tỷ, trong đó có 19 tỷ mà hai bị cáo Thanh và Thắng bị cáo buộc đã chiếm đoạt”. 

Đại diện Viện kiểm sát cho biết, sau khi xác minh lại đã có căn cứ xác định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã trả lại số tiền 19 tỷ đồng cho bị cáo Thái Kiều Hương. 

Số tiền này, bị cáo Hương đã chỉ đạo chuyển 14 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Vietsan. Số tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau, do đó không có căn cứ khẳng định số tiền 14 tỷ đồng này do bị cáo Thanh nhận và trả lại. Vì thế yêu cầu thực nghiệm điều tra là không có cơ sở.

Bị cáo Thái Kiều Hương.

Về đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Duy Phong cho rằng “Hành vi của thân chủ mình chỉ phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải tội tham ô tài sản và đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại”, đại diện Viện kiểm sát giữ khẳng định “Quá trình điều tra đủ cơ sở xác định, bị cáo Phong thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh sau đó chỉ đạo bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo Phong cũng thừa nhận hành vi sai phạm của mình, thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng. Vì thế yêu cầu trả hồ sơ của luật sư bào chữa là không có căn cứ”. 

Về đề nghị của các luật sư bào chữa khác đề nghị xem xét lại tội danh cho cho thân chủ của mình là đồng phạm của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đại diện Viện kiểm sát khẳng định “Viện KSND tối cao truy tố các bị cáo về tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các luật sư đề nghị xem xét lại tội danh cho thân chủ của mình nhưng không đưa ra được căn cứ nào xác đáng nên không có cơ sở để xem xét”. 

Tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cho rằng “Bị cáo không chủ động tham gia vào việc tác động đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị thực tế. 

Số tiền 5 tỷ đồng mà Hương đưa cho để cám ơn, bị cáo cũng đã trả lại”. Vì thế bị cáo Thắng mong HĐXX xem xét hành vi của mình để được hưởng mức án nhẹ hơn. Tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Đào Duy Phong trình bày “Sau khi nhận 10 tỷ đồng, bị cáo đã chuyển cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng. Sau này bị cáo biết số tiền mình đã nhận là do phạm tội mà có nên bị cáo đã đề nghị gia đình mình trả lại tiền. 

Bị cáo rất ăn năn, hối hận về hành vi đã gây ra và có ý thức khắc phục hậu quả. Bị cáo thấy phần luận tội của đại diện Viểm sát cho bị cáo quá nặng khi xếp bị cáo vào hàng thứ hai, là người đồng phạm tích cực với bị cáo Thanh. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét để bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn”. 

Nguyễn Hưng
.
.
.