Truy tố 12 bị can trong vụ án nghìn tỷ liên quan đến Trần Bắc Hà
- Con trai ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
- Tổng Giám đốc công ty của ông Trần Bắc Hà chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
- Truy nã con trai ông Trần Bắc Hà
Có 8 bị can bị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” gồm: Cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng, cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa, cựu Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV- Chi nhánh Hà Tĩnh Lê Thị Vân Anh, cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành Nguyễn Xuân Giáp, cựu Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV- Chi nhánh Hà Thành Phạm Hồng Quang, cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV- Chi nhánh Hà Thành Đặng Thanh Nam và cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Thăng Long Ngô Duy Chính.
5 bị can: Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam. |
4 bị can bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” gồm: Cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà Trần Anh Quang, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà Đinh Văn Dũng, cựu Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV- Chi nhánh Hà Thành Đoàn Hồng Dũng và cựu Giám đốc Công ty Hà Nam Nguyễn Thị Thanh Sơn.
Liên quan đến vụ án kinh tế này, ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) được xác định giữ vai trò chủ chốt, lập công ty “sân sau” để thao túng mọi hoạt động dẫn đến hậu quả là BIDV thất thoát tài sản lớn, đã qua đời tháng 7/2019 do bệnh hiểm nghèo nên được đình chỉ điều tra.
Trong khi đó, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng được xác định là người có vai trò quan trọng thứ 2 tại Công ty Bình Hà. Tùng trực tiếp nhờ người đứng tên Công ty Bình Hà sau đó chỉ đạo các nhân vật này lợi dụng sự tin tưởng của BIDV để kinh doanh, không nộp tiền về tài khoản công ty gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho BIDV.
Do Tùng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, tách vụ án và hiện đã tạm đình chỉ điều tra bị can với Tùng. Khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra và xử lý sau.
Cáo trạng xác định, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng vị trí công tác của mình để thực hiện một số hoạt động xúc tiến đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh, cam kết tài trợ vốn trái quy định, thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và Công ty Bình Hà (công ty “sân sau”) không có năng lực tài chính để lập dự án đầu tư xin vay vốn tại BIDV. Ông Trần Bắc Hà còn sử dụng mục đích vay vốn không đúng dẫn đến BIDV bị mất vốn, không có khả năng thu hồi 1.548 tỷ đồng.
8/12 bị can bị truy tố từng là lãnh đạo cấp cao và nhân viên của BIDV. Những người này đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty, có vai trò đồng phạm với ông Trần Bắc Hà.
Căn cứ vào kết quả điều tra thì 8 bị can này người này chịu sự chi phối và áp lực từ cá nhân ông Trần Bắc Hà chứ không có quyền quyết định. Hành vi của ông Hà đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Tuy nhiên do ông Hà đã tử vong do bệnh hiểm nghèo nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hà.
Theo quy định, tiền bán bò thu về từ các Công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV- Chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ, nhưng các bị can: Đoàn Hồng Dũng, Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn do không có tiền góp vốn, nên theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của BIDV là gần 150 tỷ đồng.
Đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng, từ tháng 2 đến tháng 3/2012, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, Đoàn Hồng Dũng đã thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Sơn dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty Đầu tư Trung Dũng để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO, nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng.
Số tiền thu được từ việc bán hàng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết với BIDV mà dùng để trả nợ và sử dụng vào các mục đích khác. Tổng số tiền các bị can đã chiếm đoạt của BIDV 263,5 tỷ đồng đồng và đến nay, Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ.