Trả thù cá nhân bằng ma tuý

Thứ Năm, 04/11/2004, 21:17

Những người bị hại trong các vụ án này đã có những giờ phút đau khổ tột cùng khi bất ngờ bị bắt giữ với một lượng lớn ma túy trong người hoặc đồ dùng cá nhân. Họ hoang mang thực sự, chẳng biết làm gì để chứng minh cho sự vô tội của mình.

Theo chân một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Lào Cai, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Lý ở thôn Vỹ Kim, xã Bắc Cường, thị xã Lào Cai. Có lẽ đối với người phụ nữ xinh xắn 37 tuổi này, những ngày bị tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh sẽ là những ngày chị không bao giờ quên trong đời.

Để có thời gian chăm sóc con cái, chị Lý ở nhà mở thêm một quán bán tạp phẩm và dịch vụ điện thoại. Gần nhà chị ở có gia đình Lý Văn Tiến. Giữa chị và Tiến sẽ chẳng có gì xảy ra nếu không có sự vô ý của chính anh ta. Tại máy điện thoại nhà chị, Tiến liên tục có những cuộc gọi về đêm, kéo dài hàng tiếng đồng hồ với những cô gái làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình chị.

Mặc dù chị Lý đã nhiều lần góp ý nhưng Tiến vẫn chẳng chịu tiếp thu. Trong lúc bực tức, chị Lý đã đem câu chuyện tâm sự với vợ Tiến là chị Phạm Thị Hạnh. Việc đó khiến Tiến đâm ra thù tức chị. Khi vợ chồng Tiến xảy ra xô xát, anh ta một mực cho rằng nguyên nhân của mâu thuẫn giữa vợ chồng họ là tại chị Lý.

Một hôm Tiến đến hỏi mượn xe máy đi có việc, chị Lý đồng ý ngay mà chẳng tỏ ý nghi ngờ. Chỉ đến khi bị Công an kiểm tra, bắt giữ với 25 gói ma tuý trong xe máy và 5 gói ma tuý trên bàn thờ, chị mới bàng hoàng sửng sốt.

Chị chỉ biết một mực kêu oan và sống trong hy vọng sẽ được các cán bộ Công an minh oan. Trong buồng tạm giam, chưa đêm nào chị Lý ngon giấc, chị cứ hình dung đến việc bị đứng trước vành móng ngựa về tội “mua bán trái phép chất ma túy” và ánh mắt dè bỉu của những người có mặt.

Với sự động viên của những cán bộ Công an, chị đã kể lại sự việc giúp lực lượng Công an bắt được kẻ "gắp lửa bỏ tay người".

Với Trần Đức Sơn ở tỉnh Cao Bằng, lý do để y chọn cách trả thù hèn hạ này là ghen tuông.

Quen nhau tại mảnh đất Lâm Đồng, Trần Đức Sơn và Đỗ Thị Oanh nên vợ nên chồng. Khi có lưng vốn kha khá trong tay, họ bàn nhau về Cao Bằng sinh sống. Với nghề may khéo léo, họ chẳng mấy chốc làm giàu ở mảnh đất giáp biên. Là người nhạy bén nên khi thấy dịch vụ vận chuyển hành khách kiếm được tiền, vợ chồng Sơn, Oanh bàn nhau mua xe ôtô chở khách. Vì sức khoẻ yếu, Sơn đã thuê Lê Quang Chiến (30 tuổi), trú tại Trà Lĩnh, Cao Bằng lái xe và cho vợ đi theo quản lý.

Những chuyến đi dài ngày của người vợ lại cộng thêm những lời nói bóng gió của những người thường đi xe khiến anh Sơn nghi ngờ và thường xuyên tra hỏi vợ. Để chấm dứt tình trạng trên, anh Sơn đã cho Chiến thôi việc. Nhưng như để thách thức chồng, chị Oanh lại hùn vốn cùng Chiến mua chiếc xe ôtô khác chạy khách. Trong khi đó, anh Sơn cũng học lấy bằng lái xe và tự bắt khách chạy tuyến Trà Lĩnh, thị xã Cao Bằng. Hàng ngày, nhìn thấy vợ đi cùng Chiến trên cùng một chuyến xe, trong lòng Sơn vô cùng tức tối. Để trả thù, Sơn đã nhiều lần gây rối, thậm chí còn liều lĩnh dùng xe ôtô của mình đâm vào chiếc ôtô của Chiến.

Trong lúc bức bách về tinh thần, Sơn đã nghĩ đến việc trả thù bằng cách thuê người giấu ma tuý vào xe ôtô của Chiến rồi gọi điện thoại báo Công an. Bị bắt quả tang cùng toàn bộ tang vật, Chiến không hiểu ma tuý từ đâu ra. Anh đã trình bày toàn bộ sự việc và giúp cơ quan Công an tìm ra thủ phạm.  

Hiện ở nước ta có tới 60% các vụ phạm pháp là có liên quan đến tội phạm về ma tuý. Khi bị bắt giữ, ngay cả những đối tượng mua bán ma tuý có thâm niên cũng không bao giờ thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà một mực kêu oan. Việc đấu tranh, minh oan cho những người vô tội đòi hỏi rất nhiều công sức của cơ quan Công an. Nhưng những vụ án mà đối tượng dùng ma túy để trả thù cá nhân đều được các cơ quan điều tra làm rõ kịp thời, giải oan cho người vô tội. Và tất cả số đối tượng "vu oan giá họa" cho người khác bằng thủ đoạn trên đều bị xử lý nghiêm khắc

Xuân Mai
.
.
.