Tổng giám đốc ôm hơn 385 tỷ đồng rồi "đổ" bệnh tâm thần

Thứ Bảy, 09/12/2017, 07:25
Mới đây, Viện Pháp y tâm thần Trung ương - Bộ Y tế đã kết luận giám định pháp y tâm thần đối với bị can Nguyễn Hồng Anh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Container Quốc tế CAS (Công ty CASCon) trước và trong khi thực hiện các hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế..." gây thiệt hại hơn 32 tỷ đồng và "Lừa đảo chiếm đoạt..." hơn 353 tỷ đồng.


Kết luận giám định tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương – Bộ Y tế theo yêu cầu trưng cầu giám định tâm thần của cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an nêu rõ, Nguyễn Hồng Anh, 32 tuổi, là con thứ 3 trong gia đình 4 anh chị em cùng cha khác mẹ, học hết lớp 12, đã có chồng (ly hôn năm 2011), có 2 người con; từ nhỏ đến khi phạm tội, bị can hoàn toàn bình thường.

Trong thời gian bị cơ quan Công an giam giữ để điều tra 2 vụ án liên quan như đã nêu trên, bị can có biểu hiện rối loạn hành vi, hoang mang, lo lắng, đau đầu, ngủ ít. Đến ngày 10-8-2016, các bác sỹ chẩn đoán "theo dõi rối loạn phân ly" đối với Hồng Anh.

Trong thời gian theo dõi giám định, bị can có biểu hiện nói nhiều liên tục, tự cho mình là thần thánh, cài hoa lên đầu, lấy giấy vệ sinh làm hình nhân xếp trên gối quỳ lạy, cảm xúc không ổn định, dễ khóc lóc... Tuy nhiên, khi được cho uống thuốc hướng thần, Hồng Anh ăn ngủ tốt hơn, cảm xúc ổn định hơn. Do đó, Viện Pháp y tâm thần Trung ương kết luận bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Như vậy, Nguyễn Hồng Anh không mắc bệnh tâm thần và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Nguyễn Hồng Anh khai báo "giống" như một người mắc bệnh tâm thần trước phiên tòa.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm là Nguyễn Thị Ngà (trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CASCon) trong 2 vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế..." gây hậu quả hơn 32 tỷ đồng và "Lừa đảo chiếm đoạt..." hơn 353 tỷ đồng. Đến đầu năm 2017, Tòa sơ thẩm đã xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định..." và tuyên phạt Nguyễn Hồng Anh 17 năm tù giam, nhưng phần bồi thường thiệt hại hơn 32 tỷ đồng lại buộc Công ty CAScon bồi thường.

Ngoài ra, trong quá trình xét xử, Nguyễn Hồng Anh khai báo "giống" như một người mắc bệnh tâm thần, không nhớ, không biết những việc đã làm. Do vậy, Tòa phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại.

Quá trình điều tra, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã nhập cả 2 vụ án nêu trên, ra kết luận điều tra và đề nghị tiếp tục truy tố Nguyễn Hồng Anh với 2 tội danh nêu trên. Trong đó nhấn mạnh, vụ án Nguyễn Hồng Anh và đồng phạm "Cố ý làm trái quy định..." đã gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền mà bị can chiếm đoạt và gây thất thoát của Nhà nước là đặc biệt lớn, ảnh hưởng xấu đến trật tự quản lý kinh tế.

Trong vụ án này, Nguyễn Hồng Anh với cương vị là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty CAScon đã ký 2 hợp đồng tín dụng vay vốn của Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy (Công ty VFC) với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng và hơn 3 triệu USD; đã ký hợp đồng thế chấp tài sản ngày 26-3-2009, với tổng giá trị tài sản thế chấp hơn 153,7 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Hồng Anh đã bán một phần tài sản thế chấp, không trả hết tiền cho Công ty VFC, gây thiệt hại cho Công ty VFC hơn 32 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 27-4-2010, Công ty United Arab Shipping Company (Công ty UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất có đặt mua của Công ty VTC (tên gọi trước của CASCon) 10.000 container. Hai bên thống nhất giá bán là 4.038 USD/container, với phương thức Công ty VTC bán trực tiếp cho Công ty UASC 1.000 container và bán gián tiếp qua Công ty TNHH container VTC ở nước ngoài 9.000 container.

Đơn hàng Công ty VTC bán trực tiếp 1.000 container cho Công ty UASC đã giao dịch thành công, bên mua đã trả đủ tiền về tài khoản của Công ty VTC mở tại 2 ngân hàng. Nhưng với mục đích thông qua thương vụ mua bán này để lập hồ sơ giả chiếm đoạt tiền của các Ngân hàng này, Nguyễn Hồng Anh chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà đứng tên thành lập Công ty "ma" là Công ty Sunny Investment International Limited (Công ty SNI) thuộc Vương quốc Anh (thực chất, Công ty SNI không hoạt động sản xuất kinh doanh gì).

Từ đó, Nguyễn Hồng Anh đã thành lập "hệ thống" gồm Công ty VTC là bên thi công, Công ty SNI là bên bán hàng, Công ty UASC là bên mua hàng. Các khoản thanh toán cho bên thi công sẽ được bên mua trả cho bên bán hàng vào tài khoản của Công ty SNI tại Ngân hàng Hong Kong. Sau khi sử dụng Công ty SNI vào mục đích là nơi nhận tiền của bên mua, Nguyễn Hồng Anh đã bán công ty này cho một người Đài Loan.

Về phía Ngân hàng do tin tưởng Công ty VTC là khách hàng truyền thống, thực tế việc công ty này sản xuất hàng container cho Công ty UASC là có thực nên đã không phát hiện được việc làm gian dối của Nguyễn Hồng Anh. Căn cứ vào bộ hồ sơ giả, bao gồm Hợp đồng số 1005/SNI-VTC và các giấy tờ liên quan, Ngân hàng này đã đề xuất cấp tín dụng và giải ngân cho Nguyễn Hồng Anh vay hơn 31,3 triệu USD để sản xuất 9.000 container cho khách hàng.

Tuy nhiên, mặc dù phía Công ty UASC đã chuyển trả đủ tiền mua 9.000 container theo hợp đồng số 100611-2/SNI-UASC vào tài khoản của Công ty SNI mở tại Hong Kong, nhưng Nguyễn Hồng Anh chỉ chuyển trả cho Ngân hàng một phần tiền, hiện còn chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 16,7 triệu USD, tương đương hơn 353 tỷ đồng Việt Nam.

Khi Ngân hàng này đòi nợ, Nguyễn Hồng Anh lại chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà tiếp tục gian dối, tạo dựng thư xác nhận Công ty SNI nợ tiền Công ty CASCon dẫn tới Công ty do Nguyễn Hồng Anh làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc không có tiền thanh toán với ngân hàng…

Kết quả điều tra đến nay, đủ cơ sở xác định Nguyễn Hồng Anh với sự giúp sức của Nguyễn Thị Ngà bằng các thủ đoạn gian dối đã chiếm đoạt của Ngân hàng này hơn 16,7 triệu USD (tương đương 353 tỷ đồng) và Nguyễn Hồng Anh không hề mắc bệnh tâm thần.

Minh Khoa – Trần Xuân
.
.
.