Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp

Thứ Sáu, 28/07/2017, 15:42

Sáng 28-7, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo “Tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”.

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó Trưởng Ban chỉ đạo NQLT 01/TW; bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia tham luận của đại diện nhiều đơn vị, địa phương nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam…
Quang cảnh buổi hội thảo.

Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục C43, Thường trực Ban chỉ đạo NQLT 01/TW báo cáo tổng quan về tình hình và kết quả công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Theo đó, trong 5 năm qua (2012 - 2016), trên địa bàn cả nước xảy ra trên 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 8.900 đối tượng, xâm hại 8.146 em. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp, đang có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ; phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng hơn. Đáng chú ý là tình trạng loạn luân (bố đẻ hiếp dâm con gái, bố dượng hiếp dâm con riêng của vợ…) hay tình trạng hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em, thầy giáo xâm hại học sinh… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức của không ít người trong xã hội hiện nay, gây bức xúc trong dư luận nhân dân…

Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Cục trưởng Cục C43, Thường trực Ban chỉ đạo NQLT 01/TW báo cáo tổng quan về tình hình và kết quả công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó Trưởng ban chỉ đạo NQLT 01/TW nhắn nhủ: “Thực tiễn đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần tập trung cần tháo gỡ; chúng ta cần phải làm gì để phấn đấu loại bỏ tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội, vì một môi trường thân thiện, an toàn cho chính con em của mỗi chúng ta”.

Tại hội thảo, ngoài báo cáo tổng quan đánh giá về tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến tham luận của đại diện các đơn vị và địa phương được đánh giá là tâm huyết và sát thực tế  đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về thực trạng của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, sự vào cuộc của các đoàn thể quần chúng, của các cấp, các ngành trong đó có vai trò của tổ chức hội phụ nữ các cấp.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, phát biểu tại hội thảo.

Chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh:  “Với vai trò của Ban chỉ đạo NQLT 01/TW, tôi đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tiếp tục triển khai một số vấn đề như cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, trong đó cần phát huy vai trò của tổ chức hội phụ nữ các cấp, theo hướng tăng cường hoạt động tại cơ sở. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm hiện có, cần lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng được các hội viên nòng cốt làm hạt nhân tuyên truyền, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phụ nữ, để họ có thể biết cách tự bảo vệ con em mình”.

Với lực lượng Công an và hội phụ nữ ở cơ sở, theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, cả hai bên cần nghiên cứu, phối hợp với các trường học, đưa các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các hoạt động sinh động, thiết thực, trong các giờ sinh hoạt tập thể, ngoại khóa của học sinh, lôi cuốn được phụ huynh và học sinh tham gia.

Cần chú trọng tuyên truyền tại các địa bàn mà ở đó trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, người dân có tập quán sinh hoạt, môi trường sống dễ nảy sinh loại tội phạm này…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Riêng lực lượng Công an các cấp cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, nâng cao năng lực điều tra của đội ngũ điều tra viên các cấp, nâng cao tỷ lệ điều tra, phá án. Đặc biệt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Về vấn đề hoàn thiện pháp lý, do việc xác định tội danh đối với hành vi ấu dâm gặp nhiều khó khăn vì hậu quả để trên thân thể nạn nhân khó xác định, với chức năng được giao, Tổng cục Cảnh sát sẽ nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc từng bước hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn.

Phú Lữ
.
.
.