Tội phạm ngoại lừa đảo bằng công nghệ cao

Thứ Hai, 01/11/2010, 11:17
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ổ nhóm tội phạm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thuê nhà núp bóng để ở, nhưng thực chất là nhằm lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để lừa đảo qua mạng Internet. 5 tháng trở lại đây, lực lượng An ninh Việt Nam đã phối hợp của cơ quan chức năng các địa phương và Công an sở tại đã triệt phá 5 ổ nhóm, phát hiện hơn 100 đối tượng người Trung Quốc và người Đài Loan (Trung Quốc) tham gia các ổ nhóm lừa đảo.
>> Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao

Một số vụ điển hình

Đêm 13/10, lực lượng an ninh bất ngờ kiểm tra căn hộ nằm trong khu dân cư Phú Hòa 1, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát hiện quả tang 11 đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng Internet. Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, số người này đã mua máy tính và nhiều trang thiết bị như: bộ đàm, Getway, modem, máy tính tiền điện tử, máy ghi âm, máy in màu... Sau khi thuê được nhà ở, chúng tiến hành thuê bao điện thoại kết nối với hàng chục máy điện thoại bàn, rồi lắp mạng Internet.

Chuẩn bị xong xuôi, chúng đưa người sang Việt Nam để hoạt động. Thủ đoạn của ổ nhóm này là gọi điện thoại hoặc nhắn tin bằng âm thanh cho những người có tài khoản tại ngân hàng, hoặc sử dụng thẻ thanh toán điện tử đang sinh sống tại Trung Quốc. Giả vờ là người của cơ quan chức năng, báo với số người này tài khoản của họ đang bị "hắc-cơ" tấn công. Nhằm đảm bảo an toàn, bọn chúng yêu cầu những người này chuyển tiền từ tài khoản của họ sang tài khoản của bọn chúng, rồi chiếm đoạt.

Để thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn nêu trên, bọn chúng đã có một kịch bản khá hoàn hảo. Theo sự phân công của đối tượng cầm đầu, nhóm thứ nhất gồm 5 người có nhiệm vụ nghe, gọi điện thoại, sử dụng máy tính đã kết nối mạng Internet gửi hàng ngàn cuộc gọi với nội dung được ghi âm sẵn: "Có một giấy báo bưu điện gửi đến nhưng khách hàng chưa nhận được, đề nghị khách hàng nhấn phím 9 để được hướng dẫn". Khi máy điện thoại tại đầu dây phía Trung Quốc hoặc Đài Loan ấn số này, thì có một người trong nhóm này trả lời với nội dung: "Thẻ tín dụng của khách hàng còn nợ tiền, nếu thực sự đúng thì khách hàng tự đi nộp thì không bị lừa, nếu sai trong thẻ thì phải báo Công an. Nhấn phím # để được giúp đỡ". Nếu phía đầu dây bên kia ấn phím # thì chuyển sang công việc của nhóm 2.

Các đối tượng và tang vật trong một vụ bị lực lượng an ninh triệt phá. (Ảnh sử dụng của đồng nghiệp).

Ở nhóm 2, có từ 3 đến 4 người, đóng giả Công an, có nhiệm vụ trả lời "khách hàng", với nội dung: "Thông tin cá nhân của quý khách có người giả mạo sử dụng để làm giả chứng minh nhân dân, thẻ tín dụng. Việc làm này rất nguy hiểm, sẽ rút hết tiền trong tài khoản của bạn. Để đảm bảo số tiền trong tài khoản của bạn được an toàn, chúng tôi đề nghị chuyển vào tài khoản của Công an theo số... Quý khách có thể nói chuyện trực tiếp với công tố viên của Viện kiểm sát để thực hiện việc chuyển tiền".

Đến bước này, nếu đầu dây bên kia "cắn câu", cuộc gọi sẽ được chuyển tới nhóm thứ 3, gồm 2 đến 3 người, đóng giả là công tố viên của Viện kiểm sát hoặc người của Cục quản lý ngân hàng. Nhóm này có nhiệm vụ hướng dẫn người ở đầu dây bên kia chuyển tiền vào tài khoản của "công an". Đây thực chất là tài khoản do bọn chúng lập ra nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Số tiền chiếm đoạt bọn chúng chia cho nhóm 1 hưởng 4%, nhóm 2 hưởng 7%, nhóm 3 hưởng 8%; còn lại do tên cầm đầu chiếm hưởng. Qua lời khai, mỗi ngày bọn chúng thực hiện từ 3 ngàn đến 3,5 ngàn cuộc điện thoại có ghi âm sẵn. Với phương châm "trăm bó đuốc cũng vớ được một con ếch", mỗi ngày có khoảng 15 đến 25 người ở đầu dây bên kia nhận máy và thực hiện theo hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản để "biếu không" cho chúng. Sở dĩ có nhiều người "cắn câu" là do bọn chúng vào vai như những diễn viên thực thụ. Trước khi hoạt động, chúng đã tập kỹ lời ăn tiếng nói với "khách hàng", nếu tên nào không "hợp vai" sẽ được đổi sang vị trí khác. Thậm chí, chúng còn làm những "đạo cụ" như tiếng còi ủ, tiếng đồng nghiệp trao đổi... giống như âm thanh phát ra từ một trụ sở cảnh sát thực thụ!

Trước đó, vào đêm 28, rạng 29/6/2010, lực lượng an ninh đã kiểm tra 2 căn hộ, một trên đường Ngô Quang Bửu, phường 4, quận 8; một trong khu dân cư ở phường Thới An, quận 12, TP HCM, bắt quả tang số đối tượng kỷ lục, gồm 50 tên đang thực hiện hành vi gửi tin nhắn âm thanh đến các số thuê bao ở Trung Quốc để lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Gần đây nhất, ngày 28/10/2010, lực lượng an ninh đã kiểm tra căn hộ tại khu Yên Hòa, quận Cầu Giấy, tạm giữ 16 đối tượng cũng lừa đảo bằng thủ đoạn này.

Vấn đề rút ra

Những vụ việc trên chỉ là một thủ đoạn lừa đảo trong rất nhiều thủ đoạn khác nhau, lợi dụng công nghệ cao để phạm tội. Cùng với sự phát triển mạnh số thuê bao Internet và việc mở rộng đăng ký các tên miền, thì tình hình tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, nhất là việc các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để phạm tội. Vì vậy, để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, bên cạnh vấn đề kĩ thuật, cần phải nâng cao công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và nâng cao nhận thức về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại khu dân cư.

Sở dĩ đặt vấn đề này là qua thực tế số vụ bị phát hiện nêu trên, hầu hết số ổ nhóm này khi nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức du lịch đều mang theo một số lượng lớn trang thiết bị kĩ thuật. Khi thuê được địa điểm, đã sinh sống tại căn hộ thuê trong một thời gian dài, không chủ động đi đăng ký tạm trú. Bọn chúng lắp đặt số thiết bị chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, ký hợp đồng sử dụng điện thoại và Internet.

Với số lượng trang thiết bị nhiều như vậy, hằng ngày có hàng chục đối tượng sinh sống, ra vào căn hộ mà không bị nghi ngờ, trong khi những hoạt động này là ngoài nhu cầu cần thiết của một cá nhân, hoặc một nhóm người, lại không có đăng ký kinh doanh mà không bị phát hiện. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tăng cường quản lý số người nước ngoài theo quy định của pháp luật; tạo ra thế trận an ninh nhân dân kịp thời phát hiện những hành vi nghi vấn. Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp phòng ngừa từ xa đối với những người nước ngoài đưa các trang thiết bị công nghệ cao vào Việt Nam không rõ mục đích, trong khi chỉ là khách du lịch?

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự mới chỉ có 3 điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao như: Điều 224: Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học; Điều 225: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử; Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính. Như vậy, với các điều luật trên chưa đủ hành lang pháp lý để xử lý các đối tượng lợi dụng công nghệ cao phạm tội; trong khi loại tội phạm này phát triển ngày một đa dạng và tinh vi hơn.

Những loại tội phạm công nghệ cao xuất hiện trên thế giới cũng đã từng xảy ra tại Việt Nam, chẳng những gây nguy hại cho nền kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đất nước (nếu tội phạm sử dụng nước ta để lừa đảo ở nước ngoài). Thiết nghĩ, tất cả những hành vi đó cần phải xử lý bằng luật hình sự với các chế tài nghiêm khắc đủ để trấn áp, răn đe và phòng ngừa; không để bọn tội phạm nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi thực hiện các hành vi phạm tội

Trọng Thưởng - Minh Khoa
.
.
.