Tìm giải pháp đẩy lùi tình trạng chống người thi hành công vụ

Thứ Sáu, 05/01/2018, 11:30
Từ ý kiến của nhiều cán bộ, chiến sỹ và qua tổng kết, đánh giá của Tổng cục Cảnh sát; Công an các đơn vị, địa phương, cần sớm đưa ra các giải pháp nhằm phòng ngừa loại tội phạm này.

Đủ các hình thức chống đối lực lượng làm nhiệm vụ

Các vụ chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy, xảy ra ở khắp các địa bàn từ thành thị đến nông thôn; tại khu vực địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn biên giới, đồi núi hiểm trở, hoang vắng, ít người qua lại. 

Trong trường hợp này, đối tượng thường sử dụng vũ khí nóng là các loại vũ khí quân dụng như K54, K 59, AK, súng kíp, súng săn, súng thể thao, lựu đạn gây án. Các loại công cụ hỗ trợ, hung khí như roi điện, mã tấu, lưỡi lê... cũng được sử dụng ngày càng nhiều hơn, thậm chí nhiều vụ đối tượng bị nhiễm HIV dùng dao, kim tiêm có dính máu đe dọa, tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Có thể khẳng định rằng, đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là tội phạm ma túy là mặt trận cam go và nóng bỏng. Tính từ năm 2000 đến nay, trên mặt trận này đã có 22 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh và hàng trăm đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ...  

So với các loại tội phạm khác, đối tượng phạm tội về ma túy có những đặc thù riêng, khác biệt. Do tính chất siêu lợi nhuận của việc mua bán trái phép các chất ma túy nên mặc dù ý thức được chế tài xử lý nghiêm khắc của pháp luật nhưng các đối tượng vẫn không từ bỏ ý định phạm tội. 

Các đối tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn thường trang bị vũ khí “nóng”; đồng thời sẵn sàng sử dụng bất kỳ vũ khí, phương tiện nào để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt hoặc giải cứu đồng bọn, trong trường hợp bị bắt giữ.  

23h40 ngày 10-11, tổ công tác của Đại đội 1, Tiểu đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện đối tượng Cao Đức Phú (trú tại phường Trung Văn, Từ Liêm), kẻ có 3 tiền án, tàng trữ 1.600 viên hồng phiến và 4 gói nghi là ma túy... 

Khi tổ công tác vây bắt, đối tượng đã chống trả quyết liệt và dùng dao đâm trọng thương Đại úy Nguyễn Thế Dũng. Trong vụ việc này, tổ công tác đã nhanh chóng khống chế, tước hung khí của đối tượng gây án.

Không chỉ phức tạp trên đường bộ, trên tuyến đường sông, do phải đấu tranh với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép nên tình hình chống người thi hành công vụ cũng phức tạp, cam go. Đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, đêm tối, việc kiểm soát của lực lượng chức năng không thể quán xuyến hết để thực hiện hành vi phạm tội. 

Trên tuyến đường thủy, đã có nhiều đồng chí hy sinh trong quá trình làm việc như trường hợp của Thiếu úy Nguyễn Văn Hoan, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Giang, bị các đối tượng đánh trọng thương, ngã xuống sông dẫn đến tử vong...

Việc chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực điều tra hình sự, kinh tế, truy nã cũng diễn biến phức tạp không kém. Theo báo cáo thống kê của Công an các địa phương, trong giai đoạn 2012-2015, toàn quốc đã xảy ra hơn 4.000 vụ, hơn 8 nghìn đối tượng chống người thi hành công vụ, làm 9 người tử vong; hơn 2.000 người bị thương, gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng. Trong đó, chống Công an xảy ra hơn 3.000 vụ, chiếm 91,1%.

Hoạt động của tội phạm buôn lậu cũng ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, hình thành các đường dây hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Vì quyền lợi kinh tế, các đối tượng liều lĩnh sử dụng hung khí chống lại cán bộ, chiến sỹ Công an. 

Ngoài việc sử dụng hung khí là dao, gậy, gạch, đá “vũ khí nóng” chống lại cán bộ, chiến sỹ Công an thì trên mặt trận kinh tế còn có một số hình thức khác. 

Cụ thể như tập trung đông người (sử dụng các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự) cướp lại hàng hóa và tẩu tán số tang vật bị bắt giữ; bố trí người theo dõi, giám sát nhằm đối phó, trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng). 

Một số đối tượng còn thuê người dân địa phương thông thạo địa hình để vận chuyển hàng lậu, tấn công, mua chuộc bằng tiền và tình, không được thì vu khống, bôi nhọ cán bộ chống buôn lậu...

Đối tượng Cao Đức Phú cùng tang vật vụ án.

Ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

 Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn cả nước đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần kiềm chế tội phạm; đồng thời ngăn chặn được tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra. 

Một trong số đó là mô hình tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội, gọi tắt là tổ công tác 141. Mô hình này ra đời xuất phát từ diễn biến hết sức phức tạp của tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng trên địa bàn TP, trong thời gian trước đó. 

Tổ công tác 141 đã khẳng định thương hiệu, ngoài việc góp phần làm giảm tội phạm hình sự, tai nạn giao thông thì uy lực của Công an Hà Nội được tăng lên.

Từ hiệu quả của mô hình này cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ. 

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, cán bộ, chiến sỹ cần có kỹ năng tự phòng ngừa, tự bảo vệ mình trong quá trình thi hành nhiệm vụ. 

Trước hết cần phải chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo sát đúng tình hình địa bàn để rà soát, phát hiện và lên danh sách quản lý và có biện pháp, đối sách đấu tranh phù hợp với đối tượng có biểu hiện liên quan đến chống đối, kích động chống người thi hành công vụ. 

Trên cơ sở đó, nghiên cứu, phân tích đó, xây dựng quy trình giải quyết các vụ việc một cách cụ thể làm cơ sở cho cán bộ, chiến sỹ trong khi thi hành nhiệm vụ.  

Như đã phân tích ở trên, các vụ chống Cảnh sát giao thông hiện nay một phần là do hệ thống giao thông chưa đồng bộ, trong khi lượng dân nhập cư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất cao, trình độ dân trí và sự hiểu biết về Luật an toàn giao thông đường bộ còn không đồng đều. 

Khi bị phát hiện vi phạm, một số trường hợp chống quyết liệt. Ngoài nguyên nhân trên, một số cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thực hiện đầy đủ quy trình tiến hành, xử lý một vụ việc vi phạm. Hoặc quá trình giải quyết vi phạm, chưa bình tĩnh, thực hiện đúng điều lệnh... từ đó dẫn đến người vi phạm có những phản ứng không lành mạnh.

Từ ý kiến của nhiều cán bộ, chiến sỹ và qua tổng kết, đánh giá của Tổng cục Cảnh sát; Công an các đơn vị, địa phương, có thể đưa ra các giải pháp nhằm phòng ngừa loại tội phạm này. 

Trước hết đó là việc giáo dục chính trị, tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ rất cần thiết. Điều này nhằm phòng ngừa, sai phạm, tiêu cực, đặc biệt đối với những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình công tác để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại về tư thế, tác phong của cán bộ, chiến sỹ. 

Việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ cũng là một biện pháp quan trọng nhằm chủ động trong việc ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ. 

Bên cạnh đó, việc sử dụng các máy ghi âm, ghi hình để ghi nhận lại tất cả thông tin, hình ảnh các vụ việc vi phạm cũng là biện pháp phòng ngừa tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ. 

Đây đồng thời là bằng chứng để xử lý người vi phạm có hành vi chống đối. Dù ở đường bộ hay đường sông, việc tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân nơi xảy ra vụ việc, giải thích, vận động người dân ủng hộ, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát trong quá trình bắt giữ các đối tượng có hành vi quá khích, manh động là hết sức cần thiết. 

Đối với các vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra, cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác phải hết sức bình tĩnh, khôn khéo thu thập đầy đủ thông tin, củng cố chứng cứ để làm bằng chứng xử lý đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý các đối tượng chống đối.

Xuân Mai
.
.
.