Đòi nợ kiểu "xã hội đen, chủ nợ thành kẻ cướp

Thứ Bảy, 04/02/2017, 10:38
Trong thời gian vừa qua đã có một số người mắc lừa góp vốn kinh doanh, đặt tiền mua xe ôtô... Khi đến hẹn, những con nợ “chây ỳ” không thực hiện. Vì vậy, chủ nợ bức xúc đã nhờ đối tượng "cộm cán" ngoài xã hội đòi lại tiền theo kiểu "xã hội đen" khiến từ chủ nợ thành bị can. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đang thụ lý 2 vụ án như vậy.


Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, vừa mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Cướp tài sản", đồng thời bắt tạm giam đối với Tô Tuyết Nhung, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội; Bùi Phương Anh, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; Lã Huy Thanh, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội và Nguyễn Ánh Hân, trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. 

Theo tài liệu điều tra, Nhung quen một người phụ nữ tên là Kìm. Đầu tháng 10-2016, Kìm gọi điện rủ Nhung tham gia kinh doanh tiền ảo (tiền Bitcoin) sẽ có lãi lớn. Qua giới thiệu của Kìm, Nhung được anh Cao Quang Tú, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội hướng dẫn cách đầu tư. Hằng ngày, hệ thống sẽ trả gốc và lãi suất qui đổi ra tiền ảo Bitcoin là 2,5%/ngày. 

Thấy lợi, Nhung nhờ anh Tú mua giúp 2 Bitcoin (tương ứng 34 triệu đồng), sau đó tiếp tục nhờ anh Tú mua 50 Bitcoin (tương ứng 850 triệu đồng). Thấy việc kinh doanh tốt, Nhung rủ bạn là Bùi Phương Anh đầu tư 300 triệu đồng, Phương Anh rủ Nguyễn Ánh Hân và Lã Huy Thanh mỗi người đầu tư 50 triệu đồng.

Các đối tượng: Nhung, Phương Anh, Thanh và Hân.

Sau thời gian nhận lãi đều đặn, hệ thống báo ngừng hoạt động tại Việt Nam. Nghĩ bị anh Tú lừa, Nhung, Phương Anh, Hân, Thanh hẹn gặp anh Đào Công Vinh, trú tại phường Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội (là đầu tổng của hệ thống) và anh Tú đến nói chuyện. Các đối tượng đe dọa, hành hung, bắt ép anh Vinh chuyển 8 Bitcoin (tương đương 180 triệu đồng) vào tài khoản của Nhung. Cả bọn ép anh Vinh, anh Tú đến một quán bia tiếp tục hành hung, ép anh Tú viết giấy nhận nợ 500 triệu đồng. 

Anh Vinh vì không muốn ký vào giấy nhận nợ nên đề nghị các đối tượng cho gọi điện, nhờ bạn gái mang 100 triệu đồng đến. Chờ lâu, chưa thấy bạn gái anh Vinh mang tiền đến, anh Vinh phải đưa trước cho Phương Anh 20 triệu đồng… Tối cùng ngày, khi Phương Anh, Nhung, Hân và Thanh đưa anh Vinh đến gặp bạn gái ở đường Yên Phụ để lấy tiền thì bị Công an bắt giữ.

Vụ án thứ hai cũng trong khoảng thời gian này, 4 đối tượng gồm: Nguyễn Xuân Giang, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn, La Văn Lợi đều trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội và Chu Bảo Trung, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. 

Nguyên nhân, trước đó, Giang có đưa cho anh Lê Quốc Toàn 260 triệu đồng nhờ mua xe ôtô. Bức xúc trước việc anh Toàn không mua được xe và cũng không trả lại tiền, Giang nhờ Nguyễn Anh Tuấn đòi tiền giúp. Trước cái "tinh" của Tuấn, anh Toàn buộc phải viết giấy nhận nợ, đến đầu tháng 12-2016 sẽ trả nhưng sau đó vẫn không thu xếp được tiền trả. Vì vậy, Giang nhờ "em xã hội" đi tìm Toàn. 

Khi tìm được, Giang giới thiệu một "em xã hội" khác tên là Hoàng để đối tượng này cùng Giang và một đối tượng nữa ép anh Toàn lên xe ôtô chở đi TP Bắc Giang. Tại đây, chúng yêu cầu anh Toàn gọi điện cho người thân xoay tiền trả nợ nhưng không vay được. Sau đó, anh Toàn đã trả cho Giang 170 triệu đồng, còn nợ 90 triệu đồng. 

Bẵng đi một thời gian không thấy anh Toàn trả nốt tiền, đến ngày 6-1-2017, Tuấn cho đàn em đi tìm, phát hiện anh Toàn đang đi về phía đường Xã Đàn, Tuấn cùng "em xã hội" là Lợi và Trung ép đưa anh Toàn vào một quán, chửi bới đe dọa, bắt anh Toàn gọi điện để người thân mang 90 triệu đồng đến trả. 

Chị Ngô Thị Huyền Anh (bạn gái anh Toàn) đến mang theo 50 triệu đồng để trả trước. Khi đồng bọn đang đi lấy giấy bút viết lại giấy nhận nợ thì bị cơ quan Công an bắt quả tang. Theo đó, 4 đối tượng nêu trên đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "bắt giữ người trái pháp luật" và "cướp tài sản".

Điều đáng nói là, khi các đối tượng trong hai vụ án bị khởi tố, vẫn chưa nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, cho rằng chủ nợ thì phải gây sức ép mới đòi được nợ… Khi được các điều tra viên phân tích, giải thích pháp luật, các đối tượng mới nhận ra việc làm của mình là vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền thân thể và các quyền khác của bị hại. 

Đáng lẽ, các đối tượng cần bình tĩnh, không nóng vội, thực hiện đúng qui định của pháp luật, làm đơn trình báo gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết thì vụ việc sẽ có một diễn biến tốt hơn. Giờ đây là bị can ngồi trong trại giam và sẽ phải nhận một bản án thích đáng trong khi tiền bạc thì chưa thu hồi được. Đây là bài học nhắc nhở cho các chủ nợ khác.

Đào Minh Khoa
.
.
.