Thủ đoạn "mượn tay" công chứng để lừa đảo

Thứ Tư, 19/05/2010, 10:15
Nói "mượn tay" không có ý hoàn toàn đổ lỗi cho công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, nhưng thực tế đa phần những vụ việc này trót lọt là do công chứng viên hoặc nhân viên tại các tổ chức công chứng không tuân thủ đúng quy trình của việc công chứng, theo đúng trách nhiệm của mình, thậm chí có dấu hiệu cố ý tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

Sau cái chết của Công chứng viên Nguyễn Minh Hải - Trưởng Văn phòng công chứng Việt Tín (Hà Nội) và xuất hiện tình trạng "lừa đảo mượn tay công chứng" khiến dư luận hết sức lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân, của DN và cả cơ quan nhà nước đối với các giao dịch công chứng, nhóm phóng viên CAND đã thâm nhập thực tế và phát hiện không ít "vấn đề" trong lĩnh vực này, đặc biệt từ sau khi hoạt động công chứng được xã hội hóa cũng như các loại giao dịch (buộc phải công chứng) trong xã hội ngày càng nở rộ.

Phản ánh trong loạt bài điều tra này sẽ phần nào giúp người dân, DN bớt chủ quan, nâng cao ý thức tự bảo vệ khi tham gia giao dịch, các công chứng viên nâng cao hơn trách nhiệm, cũng như mong rằng sẽ góp phần cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế hoạt động công chứng hiện nay.

Sau quá trình thâm nhập điều tra, cũng như kết hợp thông tin từ các vụ việc đang được cơ quan chức năng phanh phui, nhiều thủ đoạn lừa đảo nhà đất thông qua giao dịch công chứng đã lộ diện. Trong hàng loạt những vấn đề về công chứng hiện nay - sẽ được nêu trong loạt bài này - thì chúng tôi đề cập trước nhất đến hành vi lừa đảo mượn tay công chứng chính bởi tính chất nghiêm trọng cũng như tính thời sự của nó.

Cũng xin giải thích rằng, nói "mượn tay" chúng tôi không có ý hoàn toàn đổ lỗi cho công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là trong những vụ việc mà công chứng viên không thể lường hết, nhưng thực tế đa phần những vụ việc này được thực hiện trót lọt là do công chứng viên hoặc nhân viên tại các tổ chức công chứng không tuân thủ đúng quy trình của việc công chứng, theo đúng trách nhiệm của mình, thậm chí có dấu hiệu cố ý tiếp tay cho hành vi lừa đảo ở một số vụ việc cụ thể.

Trò giả mạo tinh vi

Xin dẫn lại vụ việc liên quan đến Văn phòng công chứng (VPCC) Việt Tín mà Báo CAND đã phản ánh, phân tích khá đầy đủ trong thời gian qua. Thủ đoạn lừa đảo trong vụ việc này đã khá rõ ràng. Đầu tiên bằng cách nào đó, Trần Ngọc Cường và Hà Thùy Linh có trong tay "sổ đỏ" nhà đất của người khác. Sau đó, các đối tượng tự lập ra hợp đồng ủy quyền đóng dấu giả con dấu của VPCC Thăng Long. Các hợp đồng này có nội dung ủy quyền cho Cường hoặc Linh thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp,… tài sản là nhà ở và đất ở của người khác.

Cường và Linh mang "sổ đỏ" cùng hợp đồng ủy quyền giả đó đi chào bán nhà đất. Với con dấu đỏ được làm giả y như thật và mức giá bán khá "mềm", các đối tượng dễ dàng tìm được khách mua. Sau khi thỏa thuận thống nhất về giá bán, các đối tượng đã cầm hợp đồng ủy quyền giả nói trên đến VPCC Việt Tín có địa chỉ tại 42 Tô Hiến Thành để thực hiện giao dịch công chứng hợp đồng bán tài sản.

Anh Hoàng Đức Long ở 53 ngõ 295 Bạch Mai là một trong số những "bị hại" như thế. Anh Long cho biết, cuối tháng 10/2009, anh được đối tượng Trần Ngọc Cường (địa chỉ ngõ 424 Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ) giới thiệu bán một ngôi nhà 35,7m2 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy với giá 2,5 tỷ đồng. Cường đưa ra 1 "sổ đỏ" mang tên ông Nguyễn Thành Trung và cho biết đã được ông Trung làm hợp đồng ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền số 1438/2009/HĐUQ có đóng dấu giả VPCC Thăng Long) chuyển nhượng ngôi nhà trên.

Anh Long cũng được Cường đưa đi xem nhà vào một buổi tối. Theo anh Long kể lại thì anh không vào được nhà để xem vì cửa khóa. Cường bảo anh chờ sẽ có người đem chìa khóa đến, nhưng do phải chờ đợi quá lâu và do đã từng giao dịch với nhau một số lần nên anh Long tin tưởng, không tiếp tục chờ mở cửa để vào nhà xem nữa.

Do đã thống nhất, nên ngày 30/10/2009, Cường đưa anh Long đến VPCC Việt Tín để làm hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà trên. Sau đó, anh Long nhận được "sổ đỏ" gốc và thanh toán cho Cường đủ số tiền 2,5 tỷ đồng theo thỏa thuận.

Đến giữa tháng 3/2010, anh Long đến Văn phòng đăng ký nhà đất quận Cầu Giấy làm thủ tục sang tên "sổ đỏ". Sau khi nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký nhà đất yêu cầu anh Long phải xuất trình cả hợp đồng ủy quyền bản gốc giữa chủ nhà là ông Nguyễn Thành Trung với Trần Ngọc Cường mới đủ thủ tục. Liên lạc với Cường không được, anh Long quay lại VPCC Việt Tín để mượn bản hợp đồng ủy quyền trên. Tuy nhiên, bản hợp đồng ủy quyền số 1438/2009/HĐUQ lưu giữ tại đây cũng chỉ là bản photo. Do vậy, anh Long lại tìm đến VPCC Thăng Long để xin cung cấp bản gốc.

Tại VPCC Thăng Long, anh Long ngã ngửa khi được trả lời VPCC này không thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền nào như bản photo hợp đồng ủy quyền mà anh Long đưa ra. Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra và cơ hội đòi lại tiền của anh Long là hết sức mong manh.

Kết quả điều tra tới nay chưa được công bố, tuy nhiên những thông tin cập nhật cho thấy khi VPCC Việt Tín chấp nhận công chứng giao dịch dựa trên ủy quyền photo như trên đã vi phạm nguyên tắc công chứng, thậm chí không loại trừ cố ý tiếp tay cho hành vi lừa đảo.

VPCC Việt Tín nơi liên quan đến nhiều giao dịch có dấu hiệu bất hợp pháp. 

Mất nhà vì ký bừa

Trước khi xảy ra sự cố mượn tay công chứng lừa đảo xảy ra tại VPCC Việt Tín, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cũng đang điều tra một loạt vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc thế chấp "sổ đỏ" để vay vốn, trong đó nhiều người dân đang rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng cực độ khi bỗng nhiên... mất nhà.

Bà Nguyễn Thị Nương (ở 108 B16 tập thể Công ty May 10, thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm) cũng là một nạn nhân đau khổ. Vào tháng 7/2008, gia đình bà tá hỏa khi bỗng nhiên bị bà Nguyễn Thị Hỷ ở tổ 19 Ngọc Lâm, Long Biên đến đòi nhà. Bà Hỷ đưa ra một bản hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà mà gia đình bà Nương đang ở, được ký giữa chị Phạm Thị Vân Anh (con gái bà Hỷ) với Nguyễn Thu Hợp ở số 2 dốc Tam Đa với giá chuyển nhượng  là 1,1 tỷ đồng.

Trước "tai họa" trên trời rơi xuống này, vợ chồng bà Nương khẳng định chỉ ủy quyền cho Nguyễn Thu Hợp cầm "sổ đỏ" của gia đình để làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Sở dĩ có việc ủy quyền này là tháng 4/2008, do có nhu cầu vay 350 triệu đồng đầu tư trang trại, qua người quen, bà Nương đã đến gặp Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Tư vấn môi giới dịch vụ vay vốn ngân hàng tại phố Nguyễn Trường Tộ nhờ vay ngân hàng.

Bà Nương được giới thiệu đến gặp Nguyễn Thu Hợp và được Hợp hướng dẫn, đưa đến Phòng công chứng (PCC) số 5 làm thủ tục ủy quyền việc sử dụng "sổ đỏ". Chọn thời điểm gần trưa, Hợp đưa cho bà Nương bản hợp đồng ủy quyền công chứng nhưng không cho đọc nội dung với lý do không có thời gian, cần phải làm nhanh không công chứng viên đi về. Sợ không vay được tiền và nghĩ bản công chứng này chỉ là thủ tục ủy quyền đơn giản để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng, bà Nương đã ký vào bản hợp đồng mà không đọc kỹ và không yêu cầu Hợp đưa lại 1 bản ủy quyền công chứng.

Đáng chú ý, trong vụ làm hợp đồng ủy quyền này, do chồng bà Nương đi công tác vắng, Nguyễn Thu Hợp đã thuê anh Nguyễn Toàn, trú tại tập thể Trung Tự "đóng thế" là chồng bà Nương để ký vào hợp đồng ủy quyền công chứng. Biết Phòng công chứng ngoài việc cho các bên tham gia ký ủy quyền còn cho điểm chỉ vào bản hợp đồng nên Hợp đã photocopy mặt trước chứng minh nhân dân (CMND) của ông Trần Văn Mạnh (chồng bà Nương) và mặt sau CMND của anh Toàn ghép thành CMND của ông Mạnh để đưa vào hồ sơ công chứng. Tuy nhiên, xong việc, Hợp chẳng đưa tiền, cũng không trả lại sổ đỏ cho bà Nương. May là ở vụ việc này chồng bà Nương không có ký thật, nếu không gia đình bà chỉ còn cách "ra đê mà ở!".

Một vụ việc khác cũng cho thấy những người thiếu cảnh giác cũng có không ít. Nhiều nông dân hay những người về hưu vì muốn vay tiền để kinh doanh đã trở thành nạn nhân của Quách Huyền Thi - Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ và đầu tư phát triển kinh tế Tây Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, công nhân nghỉ hưu tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, đến giờ vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao lại bị... mất nhà. Đầu tháng 4/2009, do cần tiền cho con trai làm vốn kinh doanh, bà Thịnh dùng "sổ đỏ" ngôi nhà 86m2 của mình để nhờ Quách Huyền Thi giúp vay tiền. Theo giải thích của các đối tượng môi giới, bà phải đi làm ủy quyền công chứng quyển "sổ đỏ" trên. Bà được đưa tới VPCC Thái Hà. Chỉ nghĩ đơn giản đó là hợp đồng cầm cố "sổ đỏ" để được vay tiền, mặt khác các đối tượng giải thích thủ tục vay vốn phải thực hiện theo văn bản ủy quyền "mẫu" họ đưa ra, nếu không thì sẽ không được vay tiền. Vợ chồng bà Thịnh đã nhắm mắt ký tên mà không được biết nội dung hợp đồng viết gì. Sau đó, bà Thịnh được Thi đưa cho 60 triệu đồng tiền vay.

Cuối năm 2009, do đã thu xếp được tiền trả, bà Thịnh liên hệ với Thi để lấy "sổ đỏ" về nhưng Thi tìm nhiều lý do khất lần. Đúng lúc đó, có chị Nguyễn Thị Mai Anh đến yêu cầu bà Thịnh phải giao đất và nhà. Theo những giấy tờ của chị Mai Anh đưa ra thì Thi đã bán ngôi nhà của vợ chồng bà Thịnh cho chị Mai Anh với giá 400 triệu đồng.

Chị Mai Anh còn đưa ra bản hợp đồng ủy quyền giữa Quách Huyền Thi ký với vợ chồng bà Thịnh lập tại VPCC Thái Hà, trong đó nội dung ủy quyền ghi rõ phía bà Thịnh ủy quyền cho Thi được: "Quản lý, sử dụng mảnh đất; được làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để cho thuê, chuyển nhượng, tặng cho thửa đất trên cho người khác mà không cần hỏi ý kiến của bên A (tức vợ chồng bà Thịnh)"...

Cầm bản hợp đồng ủy quyền trên, vợ chồng bà Thịnh đứng không vững bởi chỉ vì sơ suất không đọc nội dung hợp đồng ủy quyền trước khi ký kết đã dẫn đến hậu quả khôn lường: Bỗng dưng... mất nhà!

Kỳ sau: Nguồn cơn "tín dụng đen" và những sự tắc trách…!
Bá Tuấn - Thanh Hương
.
.
.