Thi hành án dễ dàng phụ thuộc vào... bản án

Thứ Ba, 17/03/2009, 16:37
Thi hành án để đảm bảo tính nghiêm minh của các quyết định, bản án của Tòa án, nhưng trên thực tế chính cơ quan đưa ra phán quyết lại thường gây khó cho công tác thi hành án dân sự (THADS). Vì thế, lâu nay công tác THADS vẫn "loanh quanh" với vấn đề án không có điều kiện thi hành, có nguyên nhân từ chính sự không rõ ràng, bất khả thi của các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
>> "Liệu pháp" nào cho hàng chục vạn án dân sự tồn? (kỳ 1)

Những phán quyết bó tay thi hành án

Để thực hiện Pháp lệnh THADS 2004, các cơ quan chức năng đã ban hành khoảng 40 văn bản hướng dẫn. Nhưng suốt những năm qua, khối lượng văn bản đồ sộ vẫn không khiến "kho" vụ việc tồn đọng tới con số hàng chục vạn đó nhúc nhích.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó trớ trêu nhất là vô số những bản án của tòa đã "bó tay" cơ quan THADS, nhất là những phán quyết án về mặt dân sự trong những bản án hình sự liên quan đến các tội phạm ma túy, cướp, trộm cắp...

Số liệu của cơ quan quản lý công tác THADS cho biết, án dân sự trong hình sự chiếm tới 47% tổng số lượng án, trong đó có tới 65,3% không có điều kiện thi hành.

Thực tế đã có rất nhiều vụ án, án tuyên xong không thể thi hành do người phải thi hành án không có tài sản, hoặc do số tiền phạt quá lớn mà bị cáo có muốn nộp cũng đành chịu. Có những vụ án đã có bản án từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không thể thi hành và hàng năm lại đành phải thống kê vào dạng các vụ việc tồn đọng.

Một ví dụ rất điển hình là Bản án số 129/HSPT (ngày 05/4/1995) của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, xét xử về việc buôn lậu, đã tuyên: Tịch thu chiếc thuyền máy mang biển số BĐ 0234-TS của ông Nguyễn Đua (trú tại: Tổ 25, khu vực 5, phường Hải Cảng, Quy Nhơn, Bình Định) để sung vào công quỹ Nhà nước. Song vấn đề là chiếc thuyền máy - đối tượng để THA - đã được ông Đua bán cho người khác (không xác định được địa chỉ) trước khi có bản án của tòa.

Ở vụ việc này, mặc dù trước đó cơ quan điều tra đã lập biên bản thể hiện rõ chiếc thuyền đã không còn, nhưng toà vẫn tuyên "tịch thu chiếc thuyền máy" mà không quan tâm xem đối tượng để thi hành án có tồn tại hay không. Vì thế, đến nay, sau hơn 13 năm có hiệu lực, bản án phúc thẩm vẫn treo ở đó, vì cơ quan THADS đã không thể tịch thu được chiếc thuyền máy mang biển số BĐ 0234-TS từng thuộc sở hữu của ông Đua.

Theo phân tích của một cán bộ của Cục THADS, về mặt pháp lý, cơ quan THADS phải tổ chức thi hành án theo nội dung bản án tòa án đã tuyên. Tuy nhiên, nếu tổ chức thi hành án theo bản án thì không thể được, vì thực tế hiện nay chiếc thuyền không còn tồn tại. Còn nếu ra quyết định đình chỉ thi hành án thì không có căn cứ pháp lý.

Cũng có những trường hợp, tòa tuyên bị cáo nộp phạt số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ trong khi thực tế bị cáo không thể có tiền để nộp. Điển hình là những vụ án liên quan đến ma túy, hầu như các bị cáo đều không có tài sản đáng giá, vậy mà tòa vẫn tuyên phạt hàng chục triệu đồng mỗi bị cáo... khiến cơ quan THADS chỉ biết nhận bản án rồi để đó.

Đấy là chưa kể đến thực tế, do vụ án được xét xử nhiều lần, rồi giám đốc thẩm, tái thẩm, thậm chí kéo dài cả chục năm trời. Trong thời gian đó, tài sản là đối tượng để thi hành án có biến động, không còn nguyên trạng. Thậm chí như vụ thi hành án ở 19A Quán Thánh (Hà Nội), khi tòa tuyên một bên phải trả nhà, một bên trả lại tiền thì nhà lúc đó chỉ trị giá 300 triệu đồng, nhưng vì nhiều lý do nhùng nhằng cả chục năm chưa thi hành xong thì giá trị nhà đã lên tới chục tỉ đồng.

Vậy nên vụ việc này đến nay đương sự vẫn chưa thôi gửi đơn kêu khắp nơi. Và thế là án tuyên, có hiệu lực rồi... để đấy, còn cơ quan THADS năm này qua năm khác tiếp tục báo cáo "án tồn đọng do không có điều kiện thi hành".

Đề cao trách nhiệm sau tuyên án…

Hàng năm, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ và Chính phủ lại báo cáo Quốc hội về công tác THADS, trong đó, bên cạnh thống kê tỉ lệ thi hành xong đối với những án có điều kiện thi hành, luôn có con số về án không có điều kiện thi hành. Điều này phản ánh thực tế là luôn luôn xuất hiện các bản án không có điều kiện thi hành, do nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất vẫn là do án tuyên bất khả thi.

Nhiều lực lượng được huy động tham gia cưỡng chế THADS.

Còn nhớ, trước đây, trong quá trình xây dựng Luật THADS, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã đưa ra phương án giao cho tòa ra luôn quyết định thi hành án, nhằm gắn kết giữa công tác xét xử và công tác thi hành án, tránh việc sau khi ra bản án là coi như toà hết trách nhiệm, còn việc thi hành các phán quyết đó là nhiệm vụ của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, cuối cùng thì phương án này không được chấp nhận với nhiều lý do khác nhau.

Tuy nhiên, dù có được quy định gắn kết trách nhiệm với công tác THADS hay không thì điều quan trọng mà nhiều người đã nhận ra là cơ quan xét xử có trách nhiệm đến cùng đối với bản án, quyết định của mình, để phán quyết được tuân thủ triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời không làm khó cho cơ quan THADS. Vậy nhưng, trên thực tế thời gian qua dường như điều này chưa được ngành Tòa án quan tâm.

Xin dẫn ra một số vụ việc đang chờ ngành Tòa án sớm vào cuộc giải quyết. Đó là vụ án tranh chấp căn nhà 60A Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu - một vụ việc có hai bản án, quyết định cùng của TAND Tối cao, cùng có hiệu lực pháp luật, lại có nội dung trái ngược nhau khiến việc tổ chức thi hành án không có cơ sở để thực hiện.

Quyết định tái thẩm số 38 ngày 23/11/2004 của Tòa Hình sự TAND Tối cao tuyên: Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh TP HCM phải giao lại toàn bộ giấy tờ, đồng thời gia đình bà Tuội có toàn quyền sở hữu căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu; còn Bản án phúc thẩm số 1958 ngày 19/12/2006 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại tuyên khác: Công nhận quyền sở hữu tài sản của ông Tuân đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu. Như vậy, gia đình bà Tuội phải giao trả căn nhà trên cho ông Tuân.

Khi chúng tôi tìm hiểu vụ việc này, bà Vũ Thị Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Cục THADS cho biết, ngày 5/6/2008 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có cuộc họp cùng Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và giao TAND Tối cao xem xét lại các bản án, quyết định này để có cơ sở giải quyết, tuy nhiên đến nay đề nghị trên vẫn chưa được xem xét.

Cũng có bản án chỉ tuyên thiếu "một li" đã khiến công tác THADS gặp không ít khốn khó. Như việc thi hành Bản án hình sự phúc thẩm 767 ngày 9/5/2001 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM liên quan đến giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Thống và ông Lương Mạnh Hải.

Bản án có hiệu lực pháp luật, THADS TP HCM ra quyết định thi hành án và tiến hành thu của phía ông Thống 105 cây vàng và của ông Hải 8 cây vàng theo đúng nội dung án tuyên. Tuy nhiên, sau khi nộp đủ số vàng theo quyết định của bản án các đương sự lại không được nhận lại phần đất của mình.

Lý do chính là bản án không tuyên rằng UBND quận Thủ Đức - cơ quan hiện đang quản lý phần đất này phải giao trả đất cho đương sự và vì thế chính quyền quận Thủ Đức đã từ chối đề nghị giao đất. Hiện Cục THADS đang có kiến nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án để giải quyết dứt điểm vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm...

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy, hiệu quả công tác THADS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có tính khả thi của các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Các bản án, quyết định của tòa án thậm chí đúng pháp luật, nhưng án văn không đầy đủ hoặc không phù hợp với thực tiễn thì thi hành án cũng đành bó tay (!)

Bá Tuấn - Nguyễn Thái
.
.
.