Sai trẻ em đi cướp, trả công bằng nuôi “chat”

Thứ Ba, 09/10/2007, 10:13
Trước mỗi vụ cướp, những tên cướp tuổi 12, 13 đều bàn bạc và "phân công nhiệm vụ" rõ ràng. Cướp xong, chúng lên mạng chat với "anh N." thông báo "đã có hàng". Chúng không được chia một đồng nào từ tài sản vừa cướp được mà chỉ được anh N. "nuôi" Internet và chơi game. Khi nào hết "tài khoản" thì chúng lại đi cướp.

Hai bà mẹ đứng thập thò ở ngoài cổng Công an phường Ngọc Khánh, Ba Đình (Hà Nội) ngóng vào trong, nơi con trai họ - những đứa bé có thân hình gầy còm, đen đúa đang bị tạm giữ vì tội cướp.

Một bà mẹ tay cầm lọ dầu gió nấn ná mãi mới dám vào đưa cho thằng bé má sưng húp vì đánh nhau. Bên trong, nhóm tội phạm mới 12, 13 tuổi vẫn vô tư cười nói, trêu trọc nhau. Ít ai nghĩ rằng, chỉ mới hôm qua chúng còn dám cầm dao đe dọa cướp xe đạp của một số học sinh trên địa bàn Hà Nội.

Đi cướp để được tiền "chat"

Trung tá Đinh Tuấn Hải, Phó trưởng Công an phường Ngọc Khánh đã kể qua với chúng tôi về nhóm tội phạm nhí này, nhưng khi đến phòng tạm giữ thì chúng tôi đều khựng lại bởi chúng quá bé, gương mặt non choẹt pha lẫn bướng bỉnh, ngổ ngáo. So với tuổi, đứa nào cũng "còm" hơn, tóc tai, quần áo lấm lem bụi.

Đàm Thanh Tùng năm nay mới 13 tuổi nhưng tỏ ra là đứa già giặn nhất trong nhóm với mái tóc bù xù, chiếc áo phông trắng nhuốm bẩn kể lại chuyện vì sao chúng trở thành những kẻ cướp: "Cháu là đứa đầu tiên quen anh N. Hôm đó anh ấy rủ cháu đi chơi điện tử, anh ấy cho cháu chơi thoải mái. Mấy hôm sau rủ cháu cầm dao đi cướp.

Cháu có đi cùng vài lần, nhưng không làm gì. Một hôm anh ấy bảo, nếu không đi cướp thì biến ra khỏi đất Văn Chương, không thì anh cho nằm viện. Sợ quá, cháu rủ mấy thằng bạn cùng ở Văn Chương đi cướp".

Những người bạn cùng ở ngõ Văn Chương với Tùng là Ngô Quốc Tùng (12 tuổi), Lý Cao Đại, Dương Hải Đăng, đây là nhóm học sinh nhí chuyên trốn nhà đi "chat" ở cửa hàng điện tử trong ngõ 64 Thông Phong. Trong số này thì Lý Cao Đại ra dáng nhất, Đại hay đi "dạt" với Đàm Thanh Tùng nên chúng nhanh chóng hợp thành đôi bạn thân thiết, chủ động trong việc trấn, cướp.

Người có tên là N. nói với Đại rủ thêm mấy đứa nữa đi trấn cho hắn. Chẳng mấy chốc Đại đã rủ được 2 anh em sinh đôi Phạm Ngọc Tùng, Phạm Ngọc Bình nhà ở ngõ Tiến Bộ, phường Thổ Quan, cũng là một game thủ chuyên nghiệp ở cửa hàng điện tử trong ngõ 64 Thông Phong.

Thỉnh thoảng N. lại dở bài dọa bọn trẻ ranh bằng những hành động táo tợn như "sẽ đâm chết" nếu chúng không đi cướp cho hắn.

Vụ cướp đầu tiên chúng thực hiện cách đây 2 tháng. Hôm ấy chúng chia nhau bố trí ở cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt, khi phát hiện một học sinh nam đi xe đạp, Đại đến gần và xin đi nhờ.

Thấy dấu hiệu khả nghi, học sinh này không đi thì Đại rút dao đe dọa. Đại dẫn học sinh này qua tượng đài Lênin, vào trong một ngõ vắng rồi cả bọn lao đến cướp xe đạp.

Gần đây, chúng liên tục gây ra một loạt vụ cướp tài sản học sinh trên địa bàn phường Ngọc Khánh.

17h ngày 3/10, chúng cướp 1 xe đạp tại cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt và bán được 350.000đ. Tối 4/10, chúng lại cướp chiếc xe đạp 1 gióng của một học sinh tại ngõ bờ mương, phố Cát Linh và bán được 600.000đ.

13h45’ ngày 7/10, Thanh Tùng và Đại chặn đường cháu Lê Khánh Hưng đang đi xe đạp trước cửa nhà số 3, phố Nguyễn Chí Thanh, dùng dao khống chế, ép cháu Hưng đi vào trước cửa Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ uy hiếp và cướp xe. Đúng lúc này thì chúng bị Công an phường Ngọc Khánh phát hiện và bắt giữ.

Thật đau lòng khi nghe cán bộ Công an phường Ngọc Khánh cho biết, hành động của chúng chuyên nghiệp, trước mỗi vụ cướp đều có sự bàn bạc và phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Mỗi khi cướp xong, chúng lên mạng chat với anh N. thông báo đã có hàng. Chúng không được chia một đồng nào từ tài sản vừa cướp được mà chỉ được anh N "nuôi" Internet và chơi game. Khi nào hết "tài khoản" thì chúng lại đi cướp.

Gia đình có còn là tổ ấm?

Đồng chí Đinh Tuấn Hải cho biết, theo lời khai của các đối tượng, chúng đã gây ra rất nhiều vụ trấn, cướp trên địa bàn Hà Nội, vụ nào cũng sử dụng dao để cướp, có lần chúng còn giấu cả dao phay trong người. Có những vụ chúng cướp không thành do bị hại chống trả quyết liệt.

Với những nick ấn tượng như: giang hồ cô độc, mình anh cô đơn, cậu bé 9X, Tùng-sát thủ 88, Vip-d4lchơi-LCKT-9000… nhóm tội phạm nhí này mê “chat”, mê game thủ đến mê muội.

Không có tiền, nên khi bị nhóm côn đồ rủ rê, gạ gẫm cho “chat” thì chúng đồng ý ngay. Trong nhóm này chỉ duy nhất Đại được “chat” thoải mái, nhóm còn lại vẫn thòm thèm. Thế nên, khi N. lệnh cho bọn chúng đi cướp thì chúng thực hiện ngay.

Tìm hiểu gia cảnh của nhóm cướp nhí, chúng tôi không khỏi giật mình khi hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình éo le, thậm chí là đáng thương.

Ngay khi lên lớp 4, hai anh em sinh đôi Tùng và Bình đã không còn được sự quan tâm, dạy bảo của bố mẹ vì bố mẹ chúng đi Trung Quốc làm ăn, thỉnh thoảng mới về gửi quà xong lại đi ngay. Chúng ở với ông gần 70 tuổi, chú và anh trai năm nay 17 tuổi. Chúng mê điện tử, thỉnh thoảng trốn học ngồi lì ở quán điện tử từ sáng đến tối, có hôm chơi qua đêm.

Đàm Thanh Tùng có hoàn cảnh éo le hơn khi mẹ đang thụ án vì tội mua bán ma tuý, bố chết vì AIDS, phải ở với chú, dì. Ngày 16/7, Tùng đã bị Công an phường Kim Liên bắt về hành vi cướp giật dây chuyền vàng, nhưng Công an phường cho về, không xử lý.

Ngô Quốc Tùng thì có bố đang đi cai nghiện, mẹ bán quần áo ở đường Lê Duẩn. Dương Hải Đăng thì bố mẹ bỏ nhau.

Trong số này có Lý Cao Đại gia đình êm ấm nhất. Bố Đại làm xe ôm, mẹ bán hoa quả, thế nhưng trước khi bị bắt, Đại bỏ nhà đi gần 1 tháng nay. Mê "chat", có lần Đại lấy cả tiền học, đem đặt cả thanh ram máy tính đi đánh điện tử.

Thế nhưng, khi chúng tôi gặp 2 bà mẹ đứng ngóng con ở cổng Công an phường, họ đều cho biết, con họ ngoan, họ không hay biết gì chuyện con họ đi cướp, ham điện tử…

Dùng trẻ em đi cướp rồi trả công bằng cách nuôi "chat" là thủ đoạn mới, hèn hạ và bất lương của bọn tội phạm. Thủ đoạn này cần phải lên án mạnh mẽ để các bậc làm cha mẹ và các em học sinh nâng cao cảnh giác.

Công an phường Ngọc Khánh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, truy bắt những kẻ cầm đầu. Thiết nghĩ, mỗi gia đình phải luôn là tổ ấm, là mái nhà bình yên để nuôi dưỡng tâm hồn và tuổi thơ của con trẻ

Trần Hằng - An Bình
.
.
.