Phải bảo vệ người tố giác hối lộ

Chủ Nhật, 24/10/2010, 18:16
Ở những vụ án nhận hối lộ, quan hệ của đối tượng nhận hối lộ rất rộng. Có vụ khi bị phát hiện, rất nhiều đối tượng khác hoặc có mối quan hệ thân thiết với người nhận hối lộ, hoặc chính họ liên quan đến đường dây nhận hối lộ này, tìm cách can thiệp, cản trở để gỡ tội cho người nhận hối lộ, hoặc "bịt" chứng cứ.

Trong chương tội phạm về tham nhũng, tội nhận hối lộ được đánh giá là loại tội danh khó nhất đối với cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan thực thi pháp luật nói chung trong quá trình phát hiện, điều tra và xử lý. Đối tượng nhận hối lộ là một chủ thể đặc biệt, vừa có quyền, vừa có chức vụ, có thu nhập khá so với mặt bằng chung trong xã hội; nhưng với lòng tham không đáy, họ sẵn sàng hạ thấp phẩm giá của chính bản thân để vòi vĩnh, nhận tiền vụ lợi cá nhân...

Bức xúc tội phạm nhận hối lộ

Những ngày qua, dư luận xã hội tiếp tục "nóng" với một số vụ án nhận hối lộ bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ. Điển hình như ngày 8/10, cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt quả tang ông Trần Đức Mậu, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng thủy lợi số 4 - Bộ NN&PTNT đang nhận hối lộ 300 triệu đồng tại khách sạn Công đoàn, Hà Nội. Trước đó, với chức vụ Tổng Giám đốc, ông Mậu đã gây khó khăn cho một doanh nghiệp ở Hải Phòng trong vận chuyển vật tư bán cho đối tác.

Mới nhất, ngày 18/10, Tòa án nhân dân TP HCM xét xử vụ Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ, một vụ án đình đám nhất trong các vụ án nhận hối lộ đã bị phát giác. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân đối với ông Sĩ và khẳng định, việc các quan chức PCI đưa hối lộ và hành vi nhận 262.000 USD của ông Sĩ là hoàn toàn có cơ sở. Cáo trạng cáo buộc hành vi nhận hối lộ của bị cáo là có căn cứ. Tuy nhiên, trong suốt diễn biến phiên tòa, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ một mực chối tội, phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ tù chung thân và buộc phải nộp lại số tiền 262.000 USD đã nhận từ các quan chức Nhật Bản. Duy trì kê biên hai căn nhà của bị cáo Sĩ ở đường Võ Văn Tần và đường Bàn Cờ để bảo đảm thi hành án, duy trì công tác điều tra hành vi 6 lần nhận hối lộ khác với số tiền trên 2 triệu USD.

"Chối tội là bản chất của các đối tượng nhận hối lộ, từ khi bị bắt cho đến khi ra tòa" - Trung tá Mai Trọng Thắng, Đội phó Đội Điều tra tội phạm về tham nhũng, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội, một trong những điều tra viên được tuyên dương điển hình phòng chống tham nhũng toàn quốc vào tháng 9-2010 vừa qua, khẳng định. Điển hình như vụ Đoàn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc BIDV bị bắt quả tang khi nhận hối lộ 1 tỷ đồng của một doanh nghiệp ở Hải Phòng, khi Trung tá Mai Trọng Thắng cùng các điều tra viên lấy những lời khai đầu tiên, ông Dũng khá "lố" khi khai cứ tưởng chiếc túi nilon đựng 1 tỷ đồng (thực chất trong bữa ăn sáng với người đưa hối lộ, ông Dũng đã trao đổi và biết đó là túi tiền) là túi quà. "Trơ" hơn, ông Dũng bảo sẽ mang chiếc túi trên về trụ sở làm việc, khi mở ra mà biết nhiều tiền thế này thì ông ta sẽ mang đi trả lại(?!).

Trung tá Mai Trọng Thắng phân tích: Việc các đối tượng chối tội là khó khăn, trở ngại lớn đối với cơ quan điều tra trong tiến trình điều tra, xử lý vụ án về hành vi nhận hối lộ. Thứ nhất, các giao dịch giữa bị hại với đối tượng đều là đơn tuyến (1-1), thậm chí nhiều khi là "tự xử", "tự hiểu", nếu có trao đổi thì hoặc vòng vo Tam quốc, nói xa nói gần, ít khi cụ thể. Bản thân người đưa hối lộ có nhiều trạng thái: Người chủ động đưa với mục tiêu là được việc cho mình; người biết là phạm tội, không muốn làm nhưng vẫn phải làm vì tình thế, hoàn cảnh buộc họ phải làm như vậy.

Trường hợp bị ép buộc quá đáng dẫn tới uất ức, bị dồn vào đường cùng mới nhờ tới các cơ quan pháp luật. Đó là một nguyên nhân khiến thực tế hành vi hối lộ trong xã hội diễn ra nhiều nhưng số vụ bắt giữ, xử lý lại rất nhỏ. Mặt khác, bản thân người nhận hối lộ có ý thức che đậy hành vi của mình, hết sức cảnh giác, tìm mọi thủ đoạn đối phó, từ việc chọn địa điểm nhận hối lộ kín đáo, ít người biết.

Đến khi bị phát hiện, họ tìm cách hủy chứng cứ hoặc tạo ra những chứng cứ mới để che đậy hành vi phạm tội của mình. Giai đoạn điều tra, các đối tượng không bao giờ nhận tội, khai báo gian dối, thông thường khai đó là tiền quà biếu hoặc tiền vay, tiền thưởng trong một vụ việc nào đó. Do đó, cơ quan điều tra phải hết sức tỉ mỉ, thận trọng, làm rõ những yếu tố của tội nhận hối lộ như dựa vào lời khai của người tố giác, làm rõ thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ để giải quyết việc gì. Từ đó tìm những chứng cứ liên quan, gắn với nội dung vụ việc đó để chứng minh vai trò, chức năng của người nhận tiền liên quan đến vụ việc mà người đưa hối lộ nhờ giải quyết.

Một khó khăn khác là quan hệ của đối tượng nhận hối lộ rất rộng. Có vụ khi bị phát hiện, rất nhiều đối tượng khác hoặc có mối quan hệ thân thiết với người nhận hối lộ, hoặc chính họ liên quan đến đường dây nhận hối lộ này, tìm cách can thiệp, cản trở để gỡ tội cho người nhận hối lộ, hoặc "bịt" chứng cứ.

Khi ma lực đồng tiền đè bẹp phẩm giá

Trung tá Mai Trọng Thắng cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục và ngay cả những bản án đã tuyên cho các đối tượng nhận hối lộ dường như không thức tỉnh lương tâm những kẻ đã và đang có hành vi đòi, nhận hối lộ. Không điều tiết, không làm chủ được chính bản thân, cộng thêm ma lực của đồng tiền đã khiến một bộ phận những người có chức vụ, quyền hạn trong xã hội mờ mắt. Họ bất chấp tất cả, sẵn sàng hạ thấp phẩm giá, đạo đức xuống dưới đồng tiền. Phân tích từ các vụ án nhận hối lộ cho thấy những người nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn, lương bổng khá hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Nhưng lòng tham khiến họ lợi dụng chức năng, nhiệm vụ công việc được giao để gây khó dễ, ép buộc những người có công việc liên quan đến phạm vi giải quyết của họ phải đưa tiền.

Như vụ Đoàn Tiến Dũng, với chức vụ Phó Tổng giám đốc BIDV, tính sơ sơ lương bổng của ông ta cũng tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng tiền đối với ông này dường như chưa bao giờ đủ. Lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến thẩm quyền giải quyết của ông ta, Đoàn Tiến Dũng đã ép buộc doanh nghiệp phải chi tiền hối lộ nhiều lần để tư lợi cá nhân.

Ngay tại thời điểm bắt quả tang, khi đó ông Dũng đang là Phó Tổng Giám đốc BIDV ở Hà Nội, được phân công theo dõi, hỗ trợ, chỉ đạo BIDV Hải Phòng. Mặc dù không trực tiếp giải quyết việc giải ngân của BIDV Hải Phòng nhưng theo quy định, khi BIDV Hải Phòng giải quyết những khoản giải ngân, xuất toán với số lượng lớn vẫn phải xin ý kiến cấp trên, trong đó ông Dũng trực tiếp giải quyết. Do đó, đến nay, mặc dù vụ án đã được thay đổi tội danh nhưng cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm ông Đoàn Tiến Dũng phạm tội nhận hối lộ.

Nói về những vụ án nhận hối lộ, Trung tá Mai Trọng Thắng không khỏi băn khoăn, trăn trở trước sự thống nhất chưa cao giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong đánh giá hành vi phạm tội của người nhận hối lộ, dẫn đến việc thay đổi tội danh theo hướng giảm nhẹ hình phạt. Anh tâm sự, hầu hết các vụ án bắt đối tượng nhận hối lộ đều dựa vào nguồn tin tố giác của người bị đưa hối lộ. Khi những người này tìm đến cơ quan điều tra, bản thân họ đã gửi gắm tất cả niềm tin vào cơ quan pháp luật.

Quan điểm của cơ quan Công an hết sức coi trọng  thông tin tố giác tội phạm nhận hối lộ, thể hiện ở ngay khâu tiếp nhận thông tin. Chỉ huy cao nhất của đơn vị sẽ trực tiếp gặp gỡ, nghe thông tin tố giác và động viên, hướng dẫn người tố giác cộng tác với cơ quan Công an để bắt giữ, xử lý đối tượng đòi hối lộ. Trong khi đó, ở một số vụ việc, giữa các cơ quan pháp luật không có sự đồng thuận ý chí đấu tranh cao với hành vi nhận hối lộ nên khi xét xử, luật sư hướng lái cho bị cáo thừa nhận đó là tiền quà biếu, tiền thưởng... dẫn tới mức án không tương xứng với hành vi mà đối tượng gây ra đã bị cơ quan điều tra buộc tội ngay từ đầu, là nguyên nhân khiến người tố giác tội phạm hối lộ nói riêng, tội phạm tham nhũng nói chung thất vọng, mất niềm tin đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Đây cũng là nỗi buồn, day dứt của các điều tra viên khi tham gia điều tra, xử lý tội phạm nhận hối lộ.

Biện pháp nào ngăn chặn tội phạm nhận hối lộ?

Hệ thống quản lý tài chính minh bạch, công khai và tiên tiến là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả loại tội phạm nhận hối lộ. Nhận định của một chuyên viên về công tác chống tham nhũng, nếu thực hiện tài khoản hóa công chức Nhà nước, tài khoản hóa các doanh nghiệp, quy định tất cả những giao dịch từ 3-5 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua tài khoản, thì nạn tham nhũng, trong đó có nhận hối lộ, ít nhất giảm được 50%.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng hệ thống chính trị của Việt Nam chưa được hình thành và có hiệu lực trong công tác phòng chống tham nhũng mà mới chỉ dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu, hoặc những biện pháp mang tính hình thức. Như việc kê khai tài sản của công chức Nhà nước hàng năm vẫn diễn ra, nhưng dường như kê khai chỉ để đấy, việc theo dõi tài sản của các công chức mới là vấn đề quan trọng trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng thì lại không được đề cập đến.

Thạc sỹ, Luật sư Hoàng Nguyên Bình, Đoàn Luật sư Hà Nội: Nhận hối lộ là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Đối với tội danh nhận hối lộ, khung hình phạt cao nhất là tử hình nhưng thực tế chưa có vụ việc nào xét xử mức án cao nhất này, khiến tội phạm nhận hối lộ và những kẻ đã, đang nhận hối lộ nhưng "chưa bị lộ" vẫn nhởn nhơ, coi thường kỷ cương phép nước. Đã có ý kiến đề xuất các cơ quan pháp luật cần sớm nghiên cứu, thống nhất trong xét xử loại tội phạm này, phải coi đây là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ngoài mức án cao thì đối tượng phạm tội không được xem xét giảm án. Một khi tội phạm nhận hối lộ giảm thì sẽ đồng nghĩa với việc tạo môi trường xã hội công bằng, lành mạnh.

Chị Phạm Kim Ngân, chuyên gia tư vấn tâm lý: Những người nhận hối lộ đều hành động khá ngông cuồng

Tâm lý tội phạm và tư duy tội phạm nhận hối lộ bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó môi trường thực tại xã hội hiện nay khiến nhiều người có tư duy "không có cửa nào là không đục được", thậm chí án còn "chạy" được, dẫn tới việc coi thường pháp luật. Một số người khi đã trở thành "nhân vật" được cưng chiều, dễ rơi vào trạng thái tâm lý có thể làm được tất cả, đạp lên tất cả để đạt được mục đích. Xem lại những vụ án nhận hối lộ đã bị bắt, phần lớn các đối tượng đều hành động khá ngông cuồng, coi thường kỷ cương pháp luật nhưng lại có "ô dù"...

Ông Nguyễn Đức Long, quận Tây Hồ, Hà Nội: Môi trường xã hội khiến nhiều người phải dùng tiền để đạt được mục đích

Quan niệm, thói quen và lối sống phổ biến của xã hội từ  khi vận hành theo cơ chế thị trường và hiện tại, người ta thường dùng từ "chạy". Về ngữ pháp, đây là một động từ, nhưng về mặt xã hội, đây lại là một khái niệm bao hàm, ám chỉ việc giải quyết, xử lý công việc linh hoạt, được việc mà không bằng con đường chính tắc, không bằng con đường hệ thống pháp luật công khai, mà công cụ phục vụ cho con đường này là bằng tiền. Xem ra trong các lĩnh vực xã hội hiện nay, con người từ khi sinh ra đến trưởng thành đều phải "chạy": từ chạy trường, chạy lớp khi đi học; ra trường chạy việc làm, chạy chức danh, chức vụ; nếu dính dáng đến pháp luật lại chạy án... Môi trường xã hội, cùng các yếu tố tác động như thu nhập của những người làm việc trong môi trường dễ có yếu tố thực hiện hành vi nhận hối lộ hiện còn thấp, các thủ tục hành chính và quy định của pháp luật chưa được thực hiệm nghiêm minh.... đã tạo ra những người muốn tồn tại và phát triển phải bon chen, dùng tiền để đạt được mục đích; còn những người mô phạm trở thành "ngớ ngẩn", lạc loài.

Trung tá Mai Trọng Thắng, Đội phó Đội ĐTTP tham nhũng - PC46 Công an Hà Nội: Khám phá các vụ án nhận hối lộ rất khó...

Những người nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, trong đó nhiều người là đảng viên. Tuy nhiên theo Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị, đối với đảng viên không được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ. Đây là một khó khăn cho cơ quan điều tra trong khám phá các vụ án nhận hối lộ.

Thanh Hương
.
.
.