Tại phiên tòa ohúc thẩm xử vụ sai phạm tại VNCB (giai đoạn 2):

Ông Phạm Công Danh tiếp tục đề nghị thu hồi hơn 7.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:50
Ngày 13-12, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng CB) tiếp tục xét hỏi các bị cáo, những người liên quan có kháng cáo, bị kháng nghị trong vụ án.


Trình bày tại toà, bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thu hồi thêm các khoản tiền được xem là vật chứng của vụ án nhưng chưa được thu hồi ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Về khoản tiền thu hồi thêm, ngoài những khoản mà HĐXX đã tuyên ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, ông Danh khai các tổ chức, cá nhân thụ hưởng hoặc có được là từ hành vi sai phạm của ông và các đồng phạm.

Cụ thể, ông Danh đề nghị thu hồi 400 tỷ đồng trả cho ông Trần Quí Thanh được Công ty Trung Dung ký chuyển khoản đến ông Trần Quí Thanh với nội dung “Danh trả tiền cho Trần Quí Thanh theo thỏa thuận”; 2.760 tỷ đồng bị cáo Danh dùng chi lãi ngoài không hợp pháp cho nhóm Trần Quí Thanh khi nhóm này gửi tiền tiết kiệm tại VNCB; thu hồi thêm của ông Trần Quí Thanh hơn 81 tỷ đồng là lãi trong khoản 5.190 tỷ đồng Danh chuyển vào tài khoản của ông Thanh, đã được chứng minh tại phiên tòa sơ thẩm nhưng không được tuyên thu hồi; 300 tỷ đồng từ nhóm bà Trần Ngọc Bích...

Ngoài nhóm ông Trần Quí Thanh, ông Danh tiếp tục đề nghị thu hồi 3.581 tỷ đồng Danh trả nợ cho 29 khoản vay liên quan đến 114 tài sản của nhóm bà Hứa Thị Phấn nợ cho Ngân hàng Đại Tín nhưng sau khi Danh chuyển tiền đã không nhận được tài sản như thỏa thuận; 30 tỷ đồng Danh ký séc chi lãi ngoài để huy động vốn cho Ngân hàng Đại Tín theo yêu cầu của bà Phấn, tiền được chuyển đến tài khoản của cháu bà Phấn... Tổng cộng, ông Danh liệt kê ra hơn 7.000 tỷ đồng đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên thu hồi, khắc phục toàn bộ thiệt hại hơn 17.000 tỷ đồng trong cả 2 giai đoạn của vụ án.

Về kháng nghị của VKS liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng, ông Danh cho rằng số tiền này do các cổ đông góp với mục đích tăng vốn điều lệ nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi Danh có bao nhiêu cổ đông góp vốn và thực tế có góp vốn không? Ông Danh đổ thừa “trí nhớ kém nên không nhớ chính xác”. Theo HĐXX, thực tế danh sách cổ đông góp vốn khống, tiền đó là tiền các bị cáo đi vay.

Quá trình xét xử, cấp sơ thẩm cũng đã làm rõ danh sách này và các bị cáo khác cũng đã thừa nhận là ghi khống. Đồng tình với VKS về nhận định trong số tiền tăng vốn điều lệ có tiền sai phạm được tòa án cấp sơ thẩm khấu trừ nhưng ông Danh khẳng định toàn bộ số tiền này không hoàn toàn là số tiền sai phạm, mà có một phần tiền rất lớn là của Công ty Thiên Thanh, tiền của ông và gia đình, tiền vay mượn... Ông Danh khẳng định, bản thân không sử dụng số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho mục đích cá nhân mà tất cả ông dùng cho hoạt động của ngân hàng.

Bị cáo Phạm Công Danh (đứng) và các bị cáo tại toà.

Tiếp theo ông Danh, trình bày kháng cáo tại toà, ông Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB) cho rằng các vụ án Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh giai đoạn 1 và 2, vụ Đặng Thanh Bình (nguyên Phó Thống đốc NHNN) có liên quan đến nhau nhưng đưa ra xét xử theo trình tự tố tụng là bất lợi cho ông. Theo VKS, các hành vi xét xử giai đoạn 1 không liên quan đến giai đoạn 2. Tuy nhiên, theo ông Mai, các hành vi hai giai đoạn trộn lẫn nhau nên không thể nói không liên quan...

Cũng tại toà, lý giải nguyên nhân dẫn đến tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín không thành công, ông Mai cho rằng là do bà Hứa Thị Phấn nhưng án sơ thẩm chưa nói lên điều này. Vì vậy, ông đề nghị làm rõ một số vấn đề: dòng tiền 2 giai đoạn xét xử sai phạm tại VNCB, việc thu hồi các khoản tiền, khoản tiền lãi vay chưa được thu hồi, thu hồi toàn bộ các khoản tiền được xem là vật chứng của vụ án...

Liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng, HĐXX hỏi ông Mai hơn 2.000 tỷ đưa vào Ngân hàng CB còn dòng tiền còn lại đi đâu? Trả lời, ông Mai nói: "tiền nằm trong ngân hàng, có chứng từ hết...”. Theo ông Mai, căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra thể hiện, từ tháng 2-2014 đến tháng 6-2014, chênh lệch dòng tiền của VNCB là hơn 7.600 tỷ (trong đó có 4.500 tỷ đồng) sử dụng cho 7 mục đích để phục vụ cho VNCB.

Trong kết luận này không xác định được 4.500 tỷ này dùng cho mục đích nào. Ông Mai cho rằng dòng tiền này vẫn nằm trong ngân hàng, không chảy ra ngoài. “Một là số tiền được sử dụng mục đích hoạt động của ngân hàng. Hai là nó còn nằm trong khoản tiền mặt còn lại tại ngân hàng tại thời điểm đó”, ông Mai khẳng định.

Trong khi đó, vắng mặt tại toà nhưng ông Trần Quí Thanh cử người đại diện trình bày kháng cáo. Theo người đại diện, ông Thanh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến phần ông Thanh. Theo đó, ông Thanh đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm tuyên thu hồi số tiền trên 194 tỷ đồng là không khách quan. Vì vậy, ông Thanh đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét không thu hồi số tiền trên như án sơ thẩm đã tuyên.

Tương tự như ông Thanh, trong ngày 13-12, những đơn vị bị tuyên thu hồi tiền từ vụ án Phạm Công Danh (như ngân hàng Đại Dương, BIDV...), khi trình bày đều đề nghị HĐXX xem xét không thu hồi các khoản tiền trên.

A.Huy
.
.
.