Những kiểu hư của teen phố núi

Thứ Tư, 10/06/2009, 23:40
Thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Gia Lai, từ năm 2002 đến 2008, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng trăm trường hợp học sinh, sinh viên phạm tội. Có trường hợp lỡ tay làm vỡ đồ của hàng xóm, sợ bị mách bố, cậu học sinh lớp 8 đã dùng chày đập vào đầu bà hàng xóm đến chết; hay có nữ sinh lớp 11, do thiếu tiền ăn chơi nên đã rủ 4 người bạn cùng trường, đêm về nhà dùng dao khống chế mẹ đẻ của mình để cướp tài sản.
>> Những sát thủ tuổi teen 

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật ở chốn học đường có biểu hiện gia tăng. Không riêng ở học sinh, sinh viên mà cả đội ngũ giáo viên cũng vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những câu chuyện đau lòng ấy ở một tỉnh nghèo miền núi như Gia Lai có lẽ không phải là chuyện ngoại lệ.

Muôn ngàn kiểu hư

Câu chuyện buồn của bé H. con gái một đại gia ở phố núi Tây Nguyên được nhiều người bàn luận. Năm nay mới 16 tuổi, học chưa xong phổ thông nhưng em đã yêu quý bạn trai vượt quá giới hạn cho phép của tình bạn. "Bé H. yêu từ khi 13 tuổi", một người bạn kể. Khi ấy, biết chuyện con gái mình sớm hư hỏng, yêu đương với một thanh niên nên cha mẹ H. tìm cách ngăn cấm, đưa con vào TP HCM để học bán trú với mong muốn sẽ cắt đứt sợi dây tình ái giữa chúng. Chưa đầy năm thì cha mẹ hay tin con gái đã bỏ trường đi đâu biệt tăm.

Rồi một buổi chiều nọ, tình cờ trên phố núi, có người phát hiện bé H. xuất hiện ở quán ăn bên đường. Khi gặp người quen, em vụt chạy vào con hẻm nhỏ rồi "biến" mất. Tin được cấp báo đến gia đình, rồi nhờ cả Công an đi tìm, cuối cùng phát hiện cô gái "cưng" của đại gia đang tá túc tại nhà người yêu.

Đến đây, gia đình mới biết chuyện con gái mình đã ăn nằm ở nhà bạn trai nên tức giận điên người. Người cha của H. đi báo Công an đòi xử lý những người đã chứa chấp con mình một cách trái phép… Ngược lại bé H. cho rằng, mình và bạn trai không hề có tội gì cả. Em yêu thích người bạn trai của mình và muốn gần gũi nhưng vì bị cha mẹ ngăn cấm, nên trốn cả gia đình đi.  

Một câu chuyện khác cũng từng nổi tiếng cả nước đó là "cậu ấm" Nguyễn Quốc Cường (Cường “đôla"), con của một đại gia ở phố núi Pleiku, Gia Lai biết xài USD từ thuở bé nên khi lớn lên, "cậu ấm" ấy đã trở thành người ăn chơi khá sành sỏi và không sợ pháp luật.

Nhiều người có tên tuổi tầm cỡ ở TP HCM cũng phải nể Cường “đô la", một "đại danh" thứ thiệt ở phố núi Pleiku. Mẹ Cường là bà L. cũng từng một thời vào trại tạm giam vì liên quan đến một vụ án khai thác gỗ trái phép ở Gia Lai, nhưng rồi sau đó được đình chỉ điều tra. Vào năm 21 tuổi, cái tuổi mà nhiều con em nhà nghèo phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh để cắp sách đến giảng đường đại học thì Cường “đô la" lại chơi bời lêu lổng, dùng xe hàng tỷ đồng để rồ ga, tăng tốc trên phố Sài Gòn một cách bất thường.

Khi bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, Cường “đô la" lại không ngần ngại nhét tiền vào tay Cảnh sát để xin bỏ qua nên buộc phải nhận thêm tội "Đưa hối lộ". Bản án khi ấy đối với Nguyễn Quốc Cường 3 năm tù về hai tội "Đưa hối lộ" và "Gây rối trật tự công cộng" là quá nhẹ nhàng nhưng cũng đã phần nào giúp cho gia đình và "cậu ấm" này thận trọng hơn mỗi khi hành xử ngoài cuộc sống xã hội.

Câu chuyện của cô bé Thảo Vi ở Kon Tum, phạm tội năm mới tròn tuổi 14, xảy ra vào đầu năm 2007, luôn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh. Chuyện bắt đầu trong một lần đến lớp vì bất đồng với những lời lẽ của bạn bè mà Vi đã dùng dao đâm 2 bạn gái học cùng trường, gây thương tích nặng.

Vi kể rằng, sự bức xúc khi bị bạn bè xúc phạm nảy sinh từ trước nên em đã chuẩn bị sẵn dao trong cặp đi học và tìm cách trả thù. Hôm gặp tôi ở Trường Giáo dưỡng tại Đà Nẵng, em nói rất buồn: "Lúc đó em nghĩ đơn giản, bạn bè mà xúc phạm mình thì phải cho nó biết mặt. Từ khi vào Trường Giáo dưỡng đến giờ em đã hiểu ra nhiều điều và biết nghĩ đến bố mẹ nhiều hơn".

Những tên cướp ở tuổi đến trường.

Đáng buồn nữa là có những học sinh gây trọng tội chỉ vì xuất phát từ cách giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ không đúng cách mà phần nhiều bằng bạo lực. Em Phạm Việt Tú ở Pleiku, Gia Lai mới học lớp 8 nhưng vì lêu lổng chơi bời và hay bỏ học nên thường bị nhà trường báo cáo phụ huynh để giáo dục. Đáng tiếc là mỗi lần có tin báo về con bỏ học thì bậc phụ huynh lại thiếu cách giáo dục đúng đắn mà chủ yếu sử dụng đòn roi đến nỗi kinh hoàng.

Thế rồi một lần Tú bế em đến nhà người hàng xóm chơi. Lỡ tay em bé làm bể chiếc bánh in nên bị bà hàng xóm mắng và bảo sẽ mách cha đánh Tú. Sợ bị đánh mà Tú dùng chày đập vào đầu bà hàng xóm cho đến chết. Ngược lại, cũng có không ít học sinh con nhà giàu có, khá giả nhưng do cha mẹ nuông chiều quá đáng nên cũng dễ chơi bời hư hỏng và phạm tội.

Nhiều nguyên nhân phạm tội

Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Gia Lai, số học sinh vi phạm pháp luật ngày càng tăng, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm...

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ năm 2002 đến 2008, trên địa bàn Gia Lai xảy ra hàng trăm trường hợp học sinh, sinh viên phạm tội. Trong đó, phạm tội giết người là 20 em, trộm cắp 350 em, hiếp dâm 7 em, gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích 323 em, ngoài ra còn có nhiều học sinh vi phạm pháp luật phải đưa vào trường giáo dưỡng.

Tiến sĩ tâm lý học Đỗ Ngọc Khanh tìm hiểu tâm lý trẻ phạm pháp để có biện pháp giáo dục tốt hơn.

Theo phân tích, đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Gia Lai, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm suy thoái dần nhiều giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc nên tác động xấu đến lứa tuổi học sinh. Nhiều học sinh có cha mẹ sống ly thân, ly dị, dẫn đến những mối quan hệ bất chính làm rạn nứt, đổ vỡ, xung đột trong cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến tình yêu thương của cha mẹ với con cái và có nhiều trường hợp bỏ học, đi lang thang, bị lôi kéo vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó cũng có sự phân hóa giàu nghèo trong quá trình đô thị hóa, một bộ phận nhân dân còn nghèo, con cái không đủ điều kiện học tập, chịu nhiều sự tác động khác nên học kém, dần dần bỏ học và dễ rơi vào con đường phạm tội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2003 đến nay, ở Gia Lai có tới hơn chục nghìn trường hợp học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực yếu kém... và trong số đó có nhiều em vi phạm pháp luật.

Một thực tế hiện nay là sự buông lỏng quản lý trên các lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa đã tạo điều kiện cho một số học sinh có đạo đức kém bị lôi kéo, kích động dẫn đến phạm tội. Có học sinh vì ghiền trò chơi điện tử mà nảy sinh cướp giật và bất chấp cả đạo lý.

Trong đó có thể kể đến cô thiếu nữ Vũ Thị Phương Thanh (18 tuổi), học sinh lớp 11 ở Ia Grai, Gia Lai do thiếu tiền ăn chơi nên đã rủ 4 người bạn cùng trường, đêm về nhà dùng dao khống chế mẹ đẻ của mình để cướp tài sản. Hay 3 học sinh Bùi Văn Quang, Phạm Thành Trung ở Pleiku đã cùng Phạm Quốc Hùng Vương ở Chư Sê, Gia Lai chặn cướp xe trên đèo Chư Sê, Gia Lai để kiếm tiền chơi Internet.

Một thực tế nữa là tình trạng xuống cấp về đạo đức của nhà giáo, có không ít thầy cô giáo chưa thực sự gương mẫu, thậm chí còn phạm tội. Có giáo viên còn sử dụng văn bằng, học bạ giả, gian lận trong thi cử để thăng tiến, sử dụng chất ma túy... nên ít nhiều tác động xấu đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh

(Còn nữa)

Ngọc Như
.
.
.