Những kẽ hở để kẻ xấu lách luật

Thứ Ba, 13/03/2012, 08:58
Tòa án không thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ tài sản ngay giữa công đường bởi "tình ngay, lý gian" án tại hồ sơ. Nếu như nhận thấy đằng sau những bản "Hợp đồng ủy quyền", "Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất" được lập một cách đúng luật mà họ trưng ra để chứng minh quyền sở hữu có vấn đề, Tòa án có thể chuyển cơ quan Công an điều tra để xử lý hình sự thì không có chuyện những người làm công tác xét xử "giữa đường thấy chuyện bất bình… vẫn tha".
>>Người ngay òa khóc giữa công đường

Ký giấy vay 3 tỷ đồng, đến hạn chưa trả bị đòi nhà trị giá 10 tỷ đồng. Chủ nhà thấy vô lý, dọa kiện ra tòa. Chủ nợ cười nhơn nhơn bảo, "may quá!". Chủ nhà hốt hoảng khi thấy, "tín dụng đen" cho vay lãi cắt cổ 6 - 7 phân (60 - 70%/tháng), nhà đất của người ta đáng giá 10 đồng, đem "cầm" 3 đồng mà thích được... ra tòa.

Lẽ thường, những người hoạt động trong các ngành nghề có thêm chữ "đen" đính kèm phải sợ ra cơ quan pháp luật chứ, sao có chuyện ngược đời? Báo CAND từng nhận được đơn phản ánh về việc, "tín dụng đen" cho vay lãi suất cao, chiếm dụng nhà của dân lành.

Thế mà ngay ngày hôm sau, "tín dụng đen" cũng đem một bộ hồ sơ kèm những tài liệu chứng minh, quyền sở hữu hợp pháp trên ngôi nhà mà gia đình người khác đang ở. Choáng nhất là trong giấy tờ có chữ ký bên bán, bên mua, có dấu đỏ chót cùng mọi thỏa thuận đều thể hiện giao dịch đã hoàn thành. Nghĩa là, ngôi nhà đã được "mua đứt bán đoạn".

Quả thực, nếu chỉ đem những thứ này ra tòa, người bị tố cáo là gian tà nắm chắc phần thắng. Rất may, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", họ cũng có sơ hở nên hiện nay cơ quan pháp luật mới có căn cứ để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, không phải trường hợp nào người ngay cũng tìm được sơ hở của họ như trên. Theo thống kê của Tòa Kinh tế, TAND TP Hà Nội, chiếm 1/3 các vụ tranh chấp tín dụng liên quan đến việc người dân ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất để vay tiền "tín dụng đen" hoặc ngân hàng.

Ngôi nhà này giá trên giấy tờ chỉ 200 triệu đồng.

Điều này cho thấy, mức độ phức tạp cũng như sự nhức nhối gia tăng của hoạt động gây mất ổn định xã hội này. Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng này có một phần nguyên nhân là do xu hướng không xử lý hình sự các quan hệ xung đột vượt quá dân sự. Đây chính là kẽ hở để một số đối tượng xấu lợi dụng bắt ép dân lành để làm giàu một cách đúng luật.

Ông Phạm Tuấn Anh, Chánh Tòa kinh tế, TAND TP Hà Nội: Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an cần phối hợp và phân định để xử lý hình sự. Việc người dân có tài sản là nhà đất ủy quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng cho ai đó với mục đích, họ được cho vay tiền hoặc vay tiền ngân hàng giúp mình rồi bị chiếm nhà hay bị ngân hàng phát mại xảy ra từ nhiều năm nay.

Mỗi năm, có 1/3 các vụ tranh chấp tín dụng mà chúng tôi thụ lý liên quan đến vấn đề này. Nếu trước đây, khi Pháp lệnh giải quyết các vụ án kinh tế còn hiệu lực thì những vụ Tòa xét thấy có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Theo tôi, các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an cần có sự đối thoại để xem xét xem vụ nào cần xử lý hình sự. Cần phải phân định, loại gì là hình sự, loại gì là dân sự. Cho phép Tòa nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự, chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Tòa không được chuyển cơ quan điều tra. Rất nhiều vụ, chúng tôi hướng dẫn chủ tài sản bảo lãnh chuyển đơn đến cơ quan Công an, song cơ quan Công an lại chuyển cho Tòa.

Cần phải nhìn nhận có một thực tế là, người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được ngân hàng. Thế là phát sinh môi giới. Hoạt động của đối tượng này làm xáo trộn quan hệ tín dụng, ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp của Tòa án và hậu quả lớn nhất gây mất ổn định xã hội…

Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có sự thống nhất trong cách xử lý. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở một địa phương mà trên toàn quốc nên cấp Trung ương phải là nơi đưa ra giải pháp tổng thể. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Mối quan hệ trong hoạt động "tín dụng đen" thể hiện ở: quan hệ giữa người vay - cho vay; quan hệ bảo lãnh. Một khi chấp nhận đem tài sản của mình bảo lãnh cho khoản vay nào đó, mà bên vay không trả nợ, thì người bảo lãnh phải trả. Luật không cấm bảo lãnh, ai cũng có quyền được bảo lãnh nhưng với điều kiện không được chiếm đoạt tài sản của người cho bảo lãnh. Thực tế có rất nhiều trường hợp, núp sau việc bảo lãnh lại là quan hệ vay mượn không rõ ràng giữa người có tài sản và người được ủy quyền... Để tránh rơi vào mối quan hệ phức tạp, có nguy cơ mất tài sản, người dân không nên đem tài sản của mình ra ủy quyền cho bất cứ ai.

Ông Đào Nguyên Khải, công chứng viên, Trưởng Văn phòng Công chức Đào và đồng nghiệp: Biểu hiện ra bên ngoài là đúng pháp luật nhưng bản chất lại khác.

Nếu như trước khi ký vào hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất để vay mượn một khoản tiền hoặc nhờ vay tiền mà người dân nhận thức rằng, có thể mất khối tài sản này thì tình hình đã khác. Có trường hợp, bố mẹ đi cùng con đến văn phòng chúng tôi công chứng "Hợp đồng ủy quyền", sau khi nghe công chứng viên giải thích, những người làm cha mẹ này đùng đùng bỏ về, còn người con thì van vỉ "hãy giúp làm cho bố mẹ em đồng ý".

Tôi cũng không dám chắc, mọi công chứng viên trước khi chứng thực văn bản nào đó đều thực hiện đúng nghĩa vụ giải thích điều khoản cam kết theo quy định. Thế nên, vấn đề tuân thủ quy trình trong hoạt động công chứng và đạo đức nghề nghiệp của mỗi công chứng viên rất quan trọng.

Chế định ủy quyền mang lại lợi ích cho người dân. Thế nhưng có những người do hiểu biết không đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình khi làm ủy quyền đã tạo điều kiện cho người xấu chiếm đoạt tài sản của mình một cách hợp pháp. Giá như trước khi ký kết, người dân đến văn phòng luật sư, văn phòng tư vấn pháp lý để được giải đáp thì sẽ hạn chế hậu quả xấu nhất. Hoặc khi đã xảy ra rồi nhưng biết cách ngừng lại hậu quả phát sinh thì không bị mất nhà, mất đất.

Tôi lấy ví dụ như khi phát hiện người được ủy quyền vay ngân hàng số tiền lớn hơn nhiều lần so với thỏa thuận của mình, chủ tài sản có thể đề nghị ngân hàng ngừng giải ngân. Hoặc trong trường hợp khác có thể chấp nhận trả nợ thay cho người được ủy quyền để không bị mất nhà... Ở tình huống khác, chủ tài sản gửi đơn lên cơ quan quản lý nhà đất, cơ quan thuế đề nghị không sang tên trước bạ, cấp GCNQSDĐ...

Trước khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là giao dịch ủy quyền, chủ tài sản nên có tư vấn để tránh rơi vào cảnh "tình ngay, lý gian". Giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này là người dân phải hiểu luật; hoàn thiện cơ chế pháp luật; cơ quan thi hành pháp luật ngoài sự phối hợp cần đưa ra những kiến nghị kịp thời khi thấy phát sinh dấu hiệu lách luật nhằm ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Thượng tá Tào Công Hải, Phó trưởng Phòng Bảo vệ an ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội: Người có tài sản bị "trói" chặt.

Về mặt hình thức, tôi thấy rõ là các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", "cò" mồi tín dụng đã "trói" người vay tiền và cũng là chủ tài sản rất chặt. Bằng chứng là trong các văn bản đã được hai bên ký kết thể hiện rõ sự tự nguyện, đầy đủ tính pháp lý. Nếu đưa ra Tòa, Tòa sẽ lấy đây là căn cứ để xét xử và thường là người có tài sản được đảm bảo trên cơ sở pháp lý thắng. Thế nên, cần phải làm rõ được bản chất của từng vụ việc, ví dụ như việc dụ dỗ làm ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất; không làm đúng cam kết...

Để đưa những vụ việc kiểu này ra xử lý hình sự, cơ quan Công an phải điều tra, làm rõ việc vay, mượn không đúng thỏa thuận để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Việc đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú cũng là căn cứ để xử lý hình sự tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Người dân không nên ký giấy ủy quyền, chuyển nhượng nhà đất cho bất cứ ai. Việc họ ký kết các giao dịch này là sơ hở để đối tượng bán nhà, sang tên GCNQSDĐ cho mình. Ngân hàng khi cho vay có tài sản đảm bảo cần phải kiểm tra xem có phải là tài sản chính chủ, để vừa tránh được nợ xấu, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.