Những giải pháp ngăn chặn tội phạm nước ngoài

Thứ Hai, 27/09/2010, 23:50
Làm gì để ngăn chặn tội phạm nước ngoài gây án? Xin nêu một số ý kiến của những người trong cuộc cũng như đại diện của một số cơ quan thực thi pháp luật - hầu mong lý giải những vấn đề nhức nhối mà nội dung bài viết trong các số báo vừa qua đề cập.

>>Những ngón nghề quái chiêu

Báo CAND vừa đăng loạt bài "TP HCM: Nhức nhối tình trạng người nước ngoài phạm tội". Ngay sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã có phản hồi về những nội dung mà báo đã điều tra, phản ánh. Đặc biệt trên địa bàn TP HCM, số nạn nhân "sập bẫy" của bọn tội phạm người nước ngoài không chỉ có những người như trong báo đề cập. Rất nhiều phụ nữ đã từng "mất trắng" cả tình lẫn tiền, song vì nhiều lý do họ không dám tố cáo với cơ quan Công an. Nhiều ông bố, bà mẹ có con "lấy chồng ngoại" còn đau khổ hơn khi không ít người một thời cũng "lên xe hoa" cưới chồng Tây, nhưng lại trở thành kẻ buôn bán ma túy… Làm gì để ngăn chặn hiểm họa này?

Trong số báo này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến của những người trong cuộc cũng như đại diện của một số cơ quan thực thi pháp luật - hầu mong lý giải những vấn đề nhức nhối mà nội dung bài viết trong các số báo vừa qua đề cập.

Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM:

Trong buổi họp báo thông báo về tình hình an ninh trật tự - an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2010 diễn ra vào cuối tháng 7/2010, Đại tá Phan Anh Minh cho biết, tình hình tội phạm người nước ngoài gia tăng ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng là quy luật tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế.

Để chủ động đối phó, trong thời gian vừa qua, Công an TP HCM đã tập trung lực lượng, đề ra nhiều giải pháp để phòng, chống loại tội phạm này. Thực tế đã chứng minh khi nhiều băng nhóm tội phạm người nước ngoài như băng nhóm người Indonesia chuyên dùng đinh đâm thủng lốp ôtô trộm tiền, băng tội phạm người Philippines chuyên gài bẫy con mồi đánh bạc… Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất hiện nay của Công an TP HCM là có khá nhiều người Việt Nam (hầu hết là phụ nữ luống tuổi) dễ dàng tiếp sức cho bọn tội phạm đến từ một số nước ở châu Phi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy và lừa đảo giao dịch tiền qua mạng.

Một góc khu phố "Tây ba lô" ở quận 1.

Đặc biệt hơn là một số người dân quá mất cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của đối tượng người nước ngoài dù không còn mới mẻ nữa. Đáng nói nhất hiện nay là thủ đoạn bắt ma, giải hạn nhằm trộm tài sản do một số đối tượng người Trung Quốc thực hiện. Mặc dù trước đây, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã bắt giữ một số đối tượng về hành vi này và đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng sau đó vẫn có nhiều nạn nhân nữa sập bẫy…

Thượng tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP HCM:

Qua loạt bài của Báo CAND đăng tải, phản ánh người nước ngoài phạm tội trên địa bàn TP HCM, trong thời gian qua, từ thực tế qua các vụ án, hầu hết các đối tượng người nước ngoài gây án đều không khai báo tạm trú, điều này cho thấy công tác quản lý ở cơ sở còn nhiều lỏng lẻo. Do đó, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm người nước ngoài đòi hỏi Công an các địa phương cấp phường, xã cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người nước ngoài không khai báo tạm trú, quá hạn tạm trú và các vi phạm khác về cư trú. Đồng thời phải nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Vì trong thời gian vừa qua có khá nhiều trường hợp đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình hoặc khai báo không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời, làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2010, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã xử phạt hành chính 2.064 trường hợp vi phạm về cư trú và buộc xuất cảnh hơn 50 trường hợp do cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự…

Hình ảnh hai đối tượng người nước ngoài trộm tài sản ở siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng do camera ghi lại.

Để góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã triển khai mô hình đăng ký tạm trú cho người nước ngoài trực tuyến qua mạng dành cho các khách sạn từ 2 sao trở lên và hiện tại đã có 167 khách sạn nối mạng. Tuy nhiên, sau khi đăng ký xong thì các khách sạn này vẫn phải lập danh sách người lưu trú gửi Công an địa phương để theo dõi, quản lý.

Trung tá Trịnh Kim Sơn, Đội trưởng Đội 4, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP HCM:

Trong quá trình truy tìm các đối tượng người nước ngoài phạm tội thì khó khăn lớn nhất hiện nay là xác minh lai lịch của đối tượng. Như trong vụ trộm ở siêu thị Co-op Mart (127 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, Bình Thạnh), camera an ninh của siêu thị đã ghi lại khá rõ hình ảnh thủ phạm là hai đối tượng người nước ngoài có đặc điểm giống người Trung Á nhưng do chúng không có trong danh sách quản lý của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nên không thể nắm được nhân thân. Mà như thế thì rất khó khăn trong công tác đấu tranh. Ngoài ra, các đối tượng người nước ngoài thuộc thành phần bất hảo thì thường xuyên thay đổi chỗ ở nên việc đeo bám của các trinh sát cũng gặp nhiều trở ngại… 

Bà D.T.B.D, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản:

…Là một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh về lĩnh vực bất động sản, có lẽ không riêng gì tôi mà nhiều người xưa nay vẫn nhầm tưởng thuê "chuyên gia nước ngoài" ắt hiệu quả hơn người trong nước. Từ suy nghĩ ấy nên khi chuẩn bị xây dựng một cao ốc với giá trị đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, chúng tôi đã quyết định mời chào một số chuyên gia là người nước ngoài đảm nhận cho 2 phần việc chính là: xây dựng thiết kế và giám sát thi công công trình. Trong quá trình giao kết hợp đồng, phía đối tác chủ động soạn thảo các hợp đồng (bằng tiếng Anh) rồi đưa ra bàn thảo với chúng tôi.

Theo như thỏa thuận, chúng tôi yêu cầu phía đối tác phải cử những chuyên gia giỏi chuyên môn, thực hiện hợp đồng sao cho đạt kết quả, chất lượng cao nhất. Với giá trị hợp đồng hàng triệu USD, cứ nghĩ rằng đồng tiền mình bỏ ra thuê phải đáng "đồng tiền bát gạo".

Thực tế không phải vậy. Người giao kết hợp đồng sau khi ứng đủ thứ tiền xong, họ thiết kế và chuẩn bị lực lượng giám sát công trình. Thấy có nhiều điều không bình thường, chúng tôi cho kiểm tra lại "đối tác". Lúc ấy mới té ngửa ra rằng những ông "chuyên gia" nước ngoài này lại đi "thuê lại" ngay chính những người trước đây đã từng đặt vấn đề hợp đồng thiết kế, giám sát công trình nhưng bị chúng tôi từ chối. Bị lừa gạt ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi kiểm tra lại giao kết trong hợp đồng, khi ấy mới vỡ lẽ ra rằng trong nội dung hợp đồng được viết bằng tiếng Anh ấy, khi kiểm tra có rất nhiều nghĩa mà đối tác triệt để khai thác sơ hở này trong hợp đồng để cuối cùng phần thắng luôn thuộc về họ. Tiền bị mất trắng đã đành nhưng hệ lụy của nó còn khiến bao khó khăn khi công trình ngừng trệ.

Đây là bài học đắt giá cho doanh nghiệp chúng tôi khi đi tìm "tư vấn" là người nước ngoài. Mong sao những gì trong loạt bài mà Báo CAND đề cập, không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà mọi người phải cảnh giác với loại tội phạm thời mở cửa này

Xuân Xe - Mã Thanh Hải
.
.
.