Mất tiền tỷ vì mắc bẫy kẻ lừa đảo

Thứ Tư, 21/08/2019, 08:12
Sáng 19-8, đường dây nóng của Đội CSĐT tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng nhận được điện thoại của một thanh niên xưng tên là Tú, trú tỉnh Thái Nguyên, cho biết, anh vừa nhận được tin nhắn qua Zalo “lệnh bắt giữ” của Tòa án vì lý do liên quan đến “một vụ án mua bán ma túy” đang xét xử.

Sau khi giải thích cho anh Tú biết, đây là một phương thức lừa đảo mà các đối tượng tội phạm đang sử dụng khá phổ biến, đồng thời hướng dẫn anh Tú tìm thêm thông tin trên mạng để nắm bắt thêm, Trung tá Nguyễn Đức Thành, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm Công nghệ cao cho biết, có ngày, đường dây nóng của đơn vị nhận được 4-5 cuộc gọi tương tự.

Ngoài những trường hợp gọi điện để tìm hiểu sự việc liên quan đến bản thân, có những người gọi điện thông báo đã chuyển tiền, hoặc tố giác đã bị mắc lừa kẻ gian…

Nạn nhân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo nhắm đến có thể là ngẫu nhiên khi liên lạc qua điện thoại, nhưng không loại trừ một số trường hợp có thể bị lộ thông tin cá nhân, bao gồm thông tin về tài chính. Các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý sợ dính líu đến pháp luật của các nạn nhân và dẫn dắt họ vào “quy trình” chứng minh trong sạch, mà mấu chốt là chuyển tất cả số tiền đang có (thậm chí là phải vay mượn) vào các tài khoản “tạm giữ” do đối tượng yêu cầu.

Như trường hợp chị M., trú quận Hải Châu, Đà Nẵng. Một ngày đầu tháng 8-2019, chị M. nhận được điện thoại của kẻ giả danh người đại diện cơ quan pháp luật yêu cầu chị không được đi khỏi nơi cư trú để những ngày tới, cơ quan Công an TP Hà Nội sẽ vào Đà Nẵng bắt khẩn cấp và tạm giam với lý do chị dùng tài khoản tại ngân hàng để giao dịch, mua bán trái phép chất ma túy. Hôm sau, đối tượng dùng tài khoản Zalo có tên “Phòng Điều tra Hà Nội” và với hình nền là các chiến sĩ cảnh sát đang đứng chào và ảnh đại diện là ảnh của một người nguyên là lãnh đạo Công an TP Hà Nội để liên lạc với chị M.

Đối tượng gửi cho chị M. “Quyết định của VKSND Tối cao về việc tạm giữ tài khoản nghi can” và giở ra chiêu bài quen thuộc là đề nghị chị M “hợp tác điều tra” bằng cách chuyển tất cả số tiền có được vào vào tài khoản do chúng chỉ định. Bán tín bán nghi, chị M. vô Google gõ số điện thoại mà các đối tượng gọi đến thì thấy đó đúng là số máy của Công an TP Hà Nội. Thế là chỉ trong thoáng chốc thiếu tỉnh táo, chị đã chuyển số tiền hơn 1,5 tỷ đồng mà gia đình làm ăn, tích góp hàng chục năm trời vào tài khoản của kẻ gian.

Một nạn nhân khác cũng vừa bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khá lớn là chị K., trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ban đầu, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, gọi điện bảo chị K. có giấy triệu tập của TAND TP Hà Nội, nhưng địa chỉ ghi không rõ ràng nên nhân viên bưu cục không phát trực tiếp được. Trong lúc chị K. còn hoang mang, đối tượng hướng dẫn chị K. bấm phím ảo số 9 trên điện thoại để gặp cán bộ CSĐT.

Chị K. vội vàng làm theo thì được “kết nối” với một thanh niên xưng tên là Hoàng, cấp bậc Trung úy, cán bộ Phòng CSHS Công an TP Hà Nội. Đối tượng thông báo chị K. bị nghi ngờ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền, yêu cầu chị K chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tạm giữ trong thời chờ xác minh. Đối tượng không quên dặn chị K. phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin để phục vụ công tác điều tra, không được nói với bất kỳ ai.

Một ngày sau chị K. đã chuyển nhiều lần vào tài khoản do các đối tượng chỉ định với số tiền hơn 10 tỉ đồng và sau đó tài khoản Zalo của đối tượng không liên lạc được. Nghi ngờ mình bị lừa, chị K. vội đến cơ quan Công an trình báo, đồng thời đề nghị hỗ trợ phong tỏa tài khoản đã nhận tiền. Tuy nhiên, số tiền đã bị đối tượng nhanh chóng chuyển sang tài khoản ngân hàng khác bằng dịch vụ Interner-Banking và rút gần hết qua thẻ ATM…

Không chỉ phụ nữ tâm lý yếu, dễ bị đối tượng lừa đảo hù dọa mất bình tĩnh, trong số các nạn nhân bị lừa với phương thức thủ đoạn như trên, còn có nhiều trường hợp là nam giới. Trung tá Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, việc điều tra, làm rõ các nhóm lừa đảo và thu hồi số tiền bị chiếm đoạt gặp nhiều khó khăn.

Kết quả xác minh cho thấy, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng hệ điều hành Androi, hoặc Window để tạo ra số điện thoại giả mạo khi thực hiện lừa đảo. Các tài khoản ngân hàng mà đối tượng tội phạm sử dụng cũng đều là tài khoản thuê người khác mở, hoặc mua lại từ người khác. Khi cơ quan Công an làm việc, người bán tài khoản không biết thông tin gì về đối tượng mua tài khoản và sử dụng vào mục đích phi pháp.

Ngay cả số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số sim rác. Đáng chú ý, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện một số vụ lừa đảo gần đây là do đối tượng người nước ngoài chủ mưu, với sự giúp sức của đối tượng trong nước. Qua xác minh, phần lớn số tiền mà các nạn nhân chuyển đi nhanh chóng được rút ra tại các máy ATM đặt tại Campuchia của một ngân hàng Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, việc cho mượn, cho thuê, mua bán tài khoản bị cấm. Tuy nhiên, do không có chế tài xử phạt nên nhiều người vì vô tư mua bán, mở tài khoản cho thuê với giá chỉ 1-2 triệu đồng, điều này đã tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tội phạm. Vì vậy, cùng với việc quản lý, ngăn chặn sim rác, cần phạt nặng hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, qua đó sẽ hạn chế được hành vi lừa đảo qua tài khoản.

Thân Lai
.
.
.