Nhiều người dân vẫn sập bẫy lừa đảo qua điện thoại

Thứ Sáu, 30/08/2019, 11:18
Nhắn tin, gọi điện thoại nói rằng người nghe đã tham gia chương trình bốc thăm và đã trúng một giải thưởng lớn. Sau đó yêu cầu nộp phí chuyển quà qua hình thức cào thẻ gửi mã số…là chiêu trò lừa đảo xuất hiện từ lâu ở nhiều địa phương trên cả nước. Thế nhưng, hiện nay, trò lừa đảo này đã đến tận các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do bị lừa số tiền lên đến vài chục triệu đồng.


Vào một ngày đầu tháng 12-2017, anh Vừ Bả Gâu (bản Xi Lô, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã nhận được điện thoại của một người đàn ông thông báo anh đã trúng thưởng 1 xe máy Yamaha trị giá 38 triệu đồng và 100 triệu đồng tiền mặt, đồng thời yêu cầu anh nộp 300 nghìn đồng phí trao thưởng. Sau đó, người đàn ông này còn yêu cầu anh Gâu gửi nhiều khoản tiền khác để làm thủ tục nhận thưởng.

Anh Gâu đã mua thẻ cào gửi cho đối tượng tổng số 17.600đ nhưng chờ mãi không thấy trao thưởng. Khi anh đòi lại số tiền đã gửi thì đối tượng yêu cầu anh nộp 300 nghìn đồng làm thủ tục hoàn trả số tiền...

Gia đình anh Vừ Bả Gâu vẫn còn ám ảnh vì bị lừa hết số tiền tích góp bao năm của gia đình.

Cho đến thời điểm này, toàn bộ số tiền gia đình anh Vừ Bả Gâu tích góp được vẫn mất tích cùng người đàn ông bí ẩn năm nào. Anh Vừ Bả Gâu bảo: cho đến giờ vẫn bị ám ảnh bởi cả nhà bị lừa mà cứ như có ma lực, tự nguyện nạp thẻ cào gửi mã số cho bọn chúng. Cho đến khi thấy nghi ngờ, bọn chúng còn đòi thêm phí để chuyển trả số tiền thì mới chắc chắn là mình đã bị lừa.

Còn anh Sộng Sí Di (SN 1988, ở bản Huổi Mươi, xã Mường Cai, huyện Sông Mã) cũng bị lừa với hình thức tương tự. 

Vào ngày 8-7-2019, anh nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao lạ gọi đến giới thiệu là nhân viên của một nhà mạng di động, nói anh đã trúng thưởng 800 triệu đồng tiền mặt và 1 chiếc xe máy Airblade. Nhưng theo quy định của chính phủ, anh phải đóng 1% tiền thuế, tương đương với 10 triệu đồng.

Sau đó có hai số thuê bao khác gọi đến giới thiệu là cán bộ của Bộ Công an và nhân viên của Bưu điện yêu cầu nộp 10 triệu tiền thuế qua hình thức cào thẻ gửi mã số và sẽ có người mang phần thưởng đến tận nhà trao. Các đối tượng còn yêu cầu khi gửi mã số thẻ cào xong thì phải đốt thẻ đi thì mới chuyển khoản được.

Ngày hôm sau, số điện thoại nói trên lại liên lạc với anh Di yêu cầu đóng 6% thuế bảo trì đường bộ, tương đương 48 triệu đồng theo quy định của Cục Thuế Việt Nam.

Anh Di đã đi vay thêm 48 triệu đồng của nhiều người trong bản để mua thẻ cào gửi cho số thuê bao đã liên lạc với mình. Sau đó đối tượng còn yêu cầu anh nộp thêm 42 triệu nữa để “cơ quan Viễn thông thông báo đã nộp thuế”, nếu không phần thưởng sẽ được trao cho người khác…Lúc này, anh Di mới biết mình bị lừa.

Cán bộ Công an huyện Sông Mã tuyên truyền cho bà con nhân dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại.

Câu chuyện của anh Vừ Bả Gâu và anh Sộng Sí Di chỉ là hai trong nhiều trường hợp bị lừa qua hình thức trúng thưởng ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có 7 trường hợp bị lừa qua hình thức trúng thưởng và chuyển tiền mua hàng, nhận bưu phẩm ở nước ngoài gửi về với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 800 triệu đồng.

Chiêu trò lừa đảo qua việc thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu cào thẻ gửi phí chuyển quà, nộp thuế đã xuất hiện từ nhiều năm trước ở nhiều địa phương trên cả nước. Người dân cũng cảnh giác với chiêu trò này nên gần như bọn lừa đảo không thu hoạch được gì nữa, nhất là ở khu vực thành thị.

Thế nhưng, lợi dụng sự hiểu biết còn hạn chế của bà con nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, chúng đã tìm đến và đã có nhiều người sập bẫy, có trường hợp bị lừa chuyển phí nhận quà ở nước ngoài về với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng, khiến họ lâm vào cảnh nợ nần, gia đình lục đục, vợ chồng mâu thuẫn vì không biết kiếm đâu ra số tiền lớn như thế để trả nợ.

Trung tá Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng Công an huyện Sông Mã cho biết: Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, bằng các hội nghị, bằng các trang mạng của Công an huyện, bằng các phương tiện thông tin truyền thông, kết hợp với 2 ngân hàng An Bình chi nhánh Sông Mã và Agribank Sông Mã, 2 nhà mạng Viettel và Vinaphone để thường xuyên thông tin các thủ đoạn tội phạm cho nhân viên của ngân hàng, của bưu điện, nhân viên của bưu điện và ngân hàng cũng đã phát hiện ra một số vụ có dấu hiệu người dân bị lừa nên họ thông báo thủ đoạn và đã ngăn chặn được một số vụ, người dân đỡ mất hàng chục triệu và chúng tôi cũng thường xuyên cảnh báo đến người dân nâng cao ý thức cảnh giác, đừng vì hám lợi những lời giao gọi trên các trang mạng xã hội hay qua điện thoại để bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công tác tuyên truyền cũng đã triển khai đến từng bản, thậm chí từng hộ gia đình…Nhiều người còn được chứng kiến những người xung quanh bị lừa với thủ đoạn tương tự, vậy mà họ vẫn không thoát khỏi vòng xoáy của bọn lừa đảo.

Lừa đảo qua hình thức cào thẻ không phải là câu chuyện mới nhưng vì sao vẫn có người sập bẫy, bởi chúng đánh vào lòng tham, vào sự nhẹ dạ và hiểu biết còn hạn chế của người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

 Thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền cho nhân dân thì việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân như nơi phát hành thẻ cào để cảnh báo nếu phát hiện có người mua thẻ cào số lượng lớn cũng là một cách để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm lừa đảo này.

Minh Phong
.
.
.