Người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

Thứ Tư, 11/05/2011, 15:39
Ngày 10/5, cơ quan An ninh điều tra tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi bắt quả tang 20 người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan, Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo quốc tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Qua đấu tranh khai thác, xác minh điều tra các nguồn thông tin nên đã chủ động phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh để phối hợp giải quyết. Qua đó đã cùng Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh thông báo cho Lãnh sự quán Trung Quốc và Phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh cử Bí thư phụ trách An ninh phối hợp với Tổng cục An ninh I, Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Dương giải quyết vụ việc.

Hành vi của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên qua điều tra những đối tượng vi phạm và người bị hại đều là người ở tại Trung Quốc, chưa phát hiện là người đang sinh sống tại Việt Nam. Do vậy, ngày 27/4, đã lập thủ tục trục xuất các đối tượng về nước và cấm nhập cảnh vào Việt Nam.

Công an tỉnh Bình Dương làm việc với Công an Đài Loan bàn giao đối tượng.

Được biết, từ công tác quản lý địa bàn, trinh sát cơ quan An ninh Công an tỉnh Bình Dương phát hiện trên địa bàn tỉnh có 3 điểm có người quốc tịch Trung Quốc và người Đài Loan, Trung Quốc tạm trú có biểu hiện nghi vấn hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, nên đã báo cáo đến Tổng cục An ninh I, Bộ Công an nhờ hỗ trợ điều tra. Đồng thời tiến hành các biện pháp trinh sát, đã phát hiện có 8-12 người Trung Quốc và Đài Loan, Trung Quốc cư ngụ không trình báo theo quy định tại nhà số A10 và C190 The Oasis I; nhà A834-845 The Oasis III đang sử dụng đường truyền internet tốc độ cao để thực hiện hành vi phạm tội.

 Từ kết quả trinh sát điều tra, Tổng cục An ninh và Công an tỉnh Bình Dương thống nhất lập án để đấu tranh.

Theo kế hoạch, Công an tỉnh Bình Dương và lực lượng phối hợp đã điều động lực lượng áp sát mục tiêu. Đúng 9h ngày 21/4, thực hiện lệnh tấn công, toàn bộ lực lượng xuất phát, tiến hành khám xét, triệt phá bắt quả tang các đối tượng đang tiến hành thủ đoạn phạm tội. Thu giữ 23 laptop; 30 điện thoại bàn; 16 bộ đàm; 21 mođun, máy ghi âm, máy phát điện… Tại cơ quan điều tra, các đối tượng cầm đầu là Yeh Hsin Chin (Diệp Tín Chí); Hung Wei Jan (A Vĩ)  khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Tháng 1, khi đang ở Đài Loan, Trung Quốc Diệp Tín Chí chat trên mạng Internet, biết và làm quen với Xiao Chen (Tiểu Trần). Trần đề nghị Chí sang Việt Nam thuê nhà và lắp đặt trạm điện thoại qua đường truyền Internet để thực hiện các cuộc gọi về Trung Quốc tìm thông tin cá nhân cung cấp cho Trần nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người khác. Với thỏa thuận, Chí được hưởng 5-10% số lợi bất chính thu được. Chí được Trần giao cho một số máy móc thiết bị viễn thông để mang sang Việt Nam.

Tang vật vụ án.

Khoảng tháng 3, Chí đưa phương tiện vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rồi thuê nhà ở Làng chuyên gia The Oasis thuộc phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương để lắp đặt phương tiện tại nhà số 384-385. Tại đây thông qua chủ nhà, Chí thuê đường truyền tốc độ cao F1 của Công ty VNPT theo hướng dẫn của Trần, Chí tuyển "nhân viên" từ chính quốc để phục vụ cho việc lừa đảo. Hàng ngày chúng thực hiện trên 10 cuộc gọi và chiếm đoạt được khoảng 40.000 nhân dân tệ của những nạn nhân tại Quảng Đông và Thượng Hải

Phương Nam
.
.
.